Nhiều tỉnh thành giải ngân đầu tư công thấp, có dự án vốn giải ngân bằng 0
Tính đến ngày 15/9/2023 vẫn còn một số dự án của 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân quá thấp, đặc biệt là các dự án có số giải ngân bằng 0. Riêng số giải ngân các dự án có tỷ lệ dưới 10% của 8 địa phương chỉ là 87,699 tỷ đồng/4.745,303 tỷ đồng đạt 1,85%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổ trưởng tổ công tác số 5 vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo Quyết định số 235/QĐ-TTg.
Hàng tháng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc có trách nhiệm kiểm tra các địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước trong các địa phương: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu.
Kết quả giải ngân bình quân chung vốn đầu tư công cả nước 8 tháng năm 2023 ước đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. So với kết quả nêu trên, có 08/12 địa phương thuộc Tổ công tác số 5 có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2023 thấp hơn bình quân chung của cả nước (so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao): Tỉnh Gia Lai đạt 23,72% (là địa phương có tỷ lệ giải ngân từ đầu năm tới nay luôn thấp dưới bình quân chung cả nước), tỉnh Kon Tum đạt 37,57%, tỉnh Lâm Đồng đạt 37,65%, tỉnh Bình Phước đạt 38,65%, tỉnh Bình Thuận đạt 38,91% và các tỉnh: Đồng Nai đạt 40,19%, Đắk Nông đạt 40,31%, Ninh Thuận đạt 40,74% (là các địa phương có tỷ lệ giải ngân xấp xỉ tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước).
Qua báo cáo của của 8 địa phương, Bộ Tài chính đánh giá về tình hình phân bổ kế hoạch vốn năm 2023: Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 8 địa phương là: 45.399,858 tỷ đồng, bao gồm 15.054,418 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương trong nước, 999,567 tỷ đồng vốn nước ngoài và 29.345,873 tỷ đồng vốn cân đối ngân sách địa phương.
Số vốn chưa phân bổ chi tiết: 577,153 tỷ đồng bao gồm 292,961 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương trong nước, 98,703 tỷ đồng vốn nước ngoài và 185,489 tỷ đồng vốn cân đối ngân sách địa phương.
Về công tác giải ngân, tình hình giải ngân trong tháng tới có khả quan, cụ thể: Ước giải ngân đến hết tháng 9/2023 đạt 49,01% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (giải ngân hết tháng 8/2023 đạt 31,55%), cao nhất là tỉnh Đắk Nông ước đạt 62,15% và thấp nhất là tỉnh Kon Tum ước đạt 37,65%; ước giải ngân cả năm của 08 địa phương là 98,04%.
Tuy nhiên, tính đến ngày 15/9/2023 vẫn còn một số dự án của 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân quá thấp, đặc biệt là các dự án có số giải ngân bằng 0. Riêng số giải ngân các dự án có tỷ lệ dưới 10% của 8 địa phương chỉ là 87,699 tỷ đồng/4.745,303 tỷ đồng đạt 1,85%.
Đầu tư công là động lực tăng trưởng quan trọng đối với nền kinh tế. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, ước thanh toán đến ngày 30/9/2023 đạt khoảng 363.310 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 cả về số tương đối và số tuyệt đối.
Trong khi đó, năm 2022, tỷ lệ giải ngân sau 9 tháng là 46,7%. Như vậy, tỷ lệ giải ngân 9 tháng năm nay đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái 4,68 điểm phần trăm. Nếu so về con số tuyệt đối, cao hơn 110.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9 vừa qua, đầu tư công 9 tháng chưa có năm nào vượt qua mức 50%, song năm nay đã vượt qua mức này. Năm 2023 không giống các năm trước, vốn rất lớn và tỷ lệ đạt cao với 51,38%, cho thấy đây là kết quả rất tích cực.