Hoạt động tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tháng 9/2023 tăng 0,72%: Củng cố xu hướng tăng trưởng
Đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 3.355 nghìn tỷ đồng, tăng 0,72% so với tháng 8/2023. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, tín dụng trên địa bàn thành phố tăng trưởng với tốc độ khá, tiếp tục củng cố xu hướng tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm.
Đây cùng là cơ sở nền tảng để hoạt động tín dụng ngân hàng thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm và trong năm 2024. góc độ quản lý, diễn biến tích cực này gắn liền với những yếu tố thúc đẩy sau:
Cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Trung ương (NHTW), đặc biệt chính sách lãi suất và tín dụng tiếp tục phát huy tác dụng. Trong đó, chính sách lãi suất thấp đã không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, chi phí hoạt động và giá thành mà còn kích thích doanh nghiệp và người dân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, mở rộng và tăng trưởng. Tín dụng tăng trưởng liên tục trong tháng 8 và tháng 9/2023 với mức tăng trưởng khá so với những tháng trước là kết quả phản ánh xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời phản ánh tác động và hiệu quả của chính sách tiền tệ tín dụng, cùng với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân của Chính phủ, của NHTW và của UBND thành phố trong suốt thời gian qua.
Ổn định kinh tế vĩ mô và chuyển biến tích cực từ tăng trưởng kinh tế nói chung và thành phố nói riêng, với một số nhóm ngành lĩnh vực sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ, xuất khẩu và đầu tư tăng trưởng, tiếp tục là yếu tố môi trường kinh tế thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Trong đó, những tín hiệu tích cực từ các đơn hàng được ký kết tăng, lao động và việc làm cải thiện, nhu cầu lao động tăng và đặc biệt là tính thời vụ trong hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại và du lịch của dịp Tết cổ truyền đang bắt đầu… có tác động tích cực đến hoạt động kinh tế và trực tiếp đến hoạt động tín dụng ngân hàng theo hướng tăng trưởng nhu cầu về vốn cho doanh nghiệp và người dân.
Thực hiện tốt các chương trình tín dụng và các gói tín dụng ưu đãi của Chính phủ, của NHTW và của UBND thành phố, với các giải pháp và hành động cụ thể. Trong đó riêng 9 tháng đầu năm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức được 25 hội nghị kết nối ngân hàng doanh nghiệp, thông qua đó thực hiện ký kết vay vốn và giải ngân gói tín dụng ưu đãi, với kết quả đạt trên 469 nghìn tỷ đồng, bằng 103,5% gói tín dụng ưu đãi được các TCTD trên địa bàn đăng ký từ đầu năm. Đồng thời thông qua chương trình tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ; thực hiện cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; chương trình cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chương trình kích cầu đầu tư của UBND thành phố.
Yếu tố động lực chính hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đó là chương trình thiết thực và phát huy được hiệu quả, với mục tiêu: kết nối và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ và truyền thông chính sách cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, trong những tháng gần đây, chương trình được tổ chức theo mô hình cụm và khu vực nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện. Nhờ đó chương trình có sức lan tỏa và được cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đánh giá cao. Chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả.
Những yếu tố quan trọng: từ cơ chế chính sách; môi trường kinh tế xã hội đến hành động cụ thể của ngành Ngân hàng, đã và đang có tác động trực tiếp đến hoạt động tín dụng nói chung và trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng, tạo điều kiện cho tín dụng duy trì, củng cố xu hướng tăng trưởng, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức như hiện nay.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt cơ chế chính sách, với tinh thần trách nhiệm và sự chia sẻ; phát huy hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp; tiếp tục cải cách hành chính và đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm phát huy những yếu tố tích cực để tạo ra chuyển biến trong hoạt động tín dụng ngân hàng - khách hàng, tạo sự tuần hoàn và luân chuyển vốn hiệu quả, đây sẽ là động lực to lớn để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế nhìn ở góc độ khai thác và sử dụng vốn trong toàn bộ nền kinh tế.