Hoạt động ngân hàng

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tham dự sự kiện tiêu biểu về Vai trò của phụ nữ trong công cuộc số hóa

P.V 15/10/2023 - 09:49

Trong khuôn khổ hội nghị Thường niên IMF/WB năm 2023 tại Marrakech, Maroc, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã tham gia sự kiện tiêu biểu về Vai trò của phụ nữ trong công cuộc số hóa bên lề Hội nghị Thường niên IMF/WB năm 2023.

web.jpeg-3.jpg

Đây là sự kiện bên lề của hội nghị do hai Văn phòng Nhóm các nước khu vực Đông Nam Á tại Ngân hàng Thế giới (WBG) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phối hợp tổ chức. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng tham dự trong vai trò là diễn giả tại sự kiện “Một hành tinh đáng sống cho tất cả mọi người – Phụ nữ thúc đẩy công cuộc số hóa”.

Tham dự sự kiện có Bộ trưởng Tài chính Indonesia, Phó Chủ tịch WB phụ trách Phát triển nhân lực, Giám đốc điều hành Văn phòng Nhóm Đông Nam Á của WB và IMF, Giám đốc toàn cầu phụ trách Phát triển kỹ thuật số của WB, và đại diện lãnh đạo cấp cao tại các quỹ, ngân hàng, tập đoàn ở các quốc gia.

Trong bối cảnh một thế giới năng động như hiện nay, sự kiện tiêu biểu này được tổ chức bên lề Hội nghị thường niên WB/IMF 2023 nhằm trao đổi về quan điểm của các nước thành viên khu vực đến từ cả khu vực công và tư nhân về: (i) những thách thức và cơ hội do công cuộc số hóa mang lại cho phụ nữ và lãnh đạo nữ, và (ii) những giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách về giới trong công cuộc số hóa, đặc biệt là các giải pháp mà WB, trong vai trò là một ngân hàng phát triển đa phương có thể thực hiện để hiện thực hóa tầm nhìn và sứ mệnh của mình.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc loại bỏ các rào cản về giới sẽ giúp tăng năng suất kinh tế, giảm nghèo, tăng cường gắn kết xã hội và nâng cao phúc lợi cho các thế hệ trong hiện tại và tương lai. Sự tham gia và ra quyết định của phụ nữ giúp cải thiện khả năng quản lý nguồn lực và khả năng chống chịu, phục hồi của cộng đồng, đồng thời giúp tăng khả năng cạnh tranh của các công ty.

Ngoài ra, công nghệ kỹ thuật số cũng mang đến cơ hội độc nhất cho các quốc gia để đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và kết nối người dân với dịch vụ và việc làm, đồng thời tạo ra các giải pháp sáng tạo để xử lý những thách thức có tính chất phức tạp trong phát triển.

Tuy nhiên, khi nói đến công nghệ kỹ thuật số, khoảng cách về giới vẫn tồn tại. Mặc dù phụ nữ chiếm gần một nửa dân số thế giới nhưng số phụ nữ truy cập Internet lại ít hơn nam giới tới 259 triệu người.

Do đó, việc thu hẹp khoảng cách về giới trong số hóa đóng vai trò quan trọng đối với các quốc gia trong việc đạt được sự phát triển toàn diện, bền vững, đặc biệt là trong môi trường đầy thách thức hiện nay.

Phát biểu tại sự kiện, Thống đốc đã chia sẻ về thực trạng chuyển đổi số, sự tham gia tích cực của ngành Ngân hàng trong quá trình này, và vai trò của nữ giới trong thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam. Theo đó, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số cho GDP chiếm khoảng 14,96% tổng GDP trong 6 tháng đầu năm 2023. Việt Nam đứng thứ 86/193 về Chỉ số Chính phủ điện tử và 76/193 về chỉ số Dịch vụ trực tuyến trong số các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, đồng thời được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế số cao nhất trong khu vực ASEAN giai đoạn 2022-2025.

Việt Nam cũng coi việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số là một một trong những đột phá chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Để thực hiện thành công quá trình này đòi hỏi có sự tham gia chủ động, tích cực, đồng bộ của các bộ ngành, cơ quan.

Thống đốc cũng chia sẻ về sự tham gia chủ động của ngành Ngân hàng trong quá trình chuyển đối số của nền kinh tế thông qua việc ban hành nhiều văn bản hướng dẫn việc cung ứng dịch vụ ngân hàng bằng phương tiện điện tử và đạt được nhiều kết quả tích cực như: (i) 77,41% dân số trường thành đã có tài khoản ngân hàng; (ii) Các dịch vụ ngân hàng cơ bản như nhận tiền gửi, thanh toán về cơ bản đã được thực hiện trên kênh số; (iii) Việt Nam đã thực hiện kết nối thanh toán bán lẻ qua mã QR code với Thái Lan và đang xây dựng kết nối với Campuchia; NHNN đã tham gia ký Bản ghi nhớ với một số nước ASEAN về kết nối thanh toán khu vực; (v) tích cực triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia trong xác thực khách hàng; thường xuyên triển khai các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính.

Tại Việt Nam, vấn đề giới được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm, vai trò của của nữ giới ngày càng được khẳng định với việc tham gia tích cực vào mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, bao gồm trong lĩnh vực ngân hàng. Do đó, phụ nữ có thể đóng góp hiệu quả vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số của ngành ngân hàng khi ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong số các bộ ngành của Việt Nam tích cực tham gia chuyển đổi số.

Ở góc độ người sử dụng dịch vụ ngân hàng, với văn hóa Á Đông như Việt Nam, phụ nữ là hậu phương cho gia đình, tham gia quản lý chi tiêu, quản lý tài chính, do đó cần cung cấp cho phụ nữ hiểu biết về ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng giúp họ sử dụng dịch vụ thông qua kênh số một cách an toàn và hiệu quả hơn.

Nhân dịp này, Thống đốc NHNN mong muốn Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển quốc tế, với vai trò cung cấp tài chính, tư vấn chính sách vì mục tiêu phát triển bền vững, cần thúc đẩy bình đẳng giới trên toàn cầu thông qua một loạt các hành động, chẳng hạn như: (i) Thường xuyên tổ chức đối thoại, tọa đàm về các vấn đề về giới ở các cấp khác nhau, cả khu vực công và khu vực tư nhân để phụ nữ có thể chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình chuyển đổi số; (ii) Lồng ghép các cam kết về giới trong các dự án tài trợ cho các quốc gia thành viên và phát triển các dự án chuyên đề nhằm thúc đẩy vai trò của nữ giới trong quá trình chuyển đổi số; (iii) Cung cấp dịch vụ tư vấn cho các quốc gia thành viên nhằm nâng cao hiểu biết, kiến thức về ứng dụng chuyển đổi số cho phụ nữ với vai trò và vị trí khác nhau.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu đã tham gia buổi công bố sáng kiến Tài chính cho doanh nhân nữ (WE Finance Code) do Tổ chức Tài chính cho doanh nhân nữ khởi xướng nhằm mục đích thúc đẩy sự thay đổi mang tính hệ thống qua đó thu hẹp khoảng cách trong việc tiếp cận tài chính cho doanh nhân nữ.

P.V