Chống giảm phát và lạm phát cùng lúc: Nhiệm vụ "bất khả thi" của BOJ?
Lãi suất tại Mỹ tăng và đồng nội tệ sụt giá thử thách quyết tâm nới lỏng tiền tệ của Nhật Bản.
Trong vài tháng qua, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã phải vật lộn với một nhiệm vụ ngày càng bất khả thi: chống giảm phát và lạm phát cùng một lúc.
Xu hướng giảm phát dài hạn của Nhật Bản là di sản từ tình trạng trì trệ kinh tế bắt đầu từ những năm 1990, khi giá cả giảm bắt đầu làm giảm nhu cầu và tăng trưởng. Kể từ năm 2016, các nhà hoạch định chính sách nước này đã cố gắng hỗ trợ giá cả bằng cách giữ lãi suất dưới 0 - bơm tín dụng giá rẻ vào nền kinh tế để thúc đẩy hoạt động kinh tế. Mục tiêu của BOJ là đạt được lạm phát "duy trì" ở mức 2%.
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, khi hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới theo đuổi các chính sách tiền tệ tương tự, BOJ dường như không hề lạc lõng. Sau đó vào năm ngoái, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu tăng lãi suất để chống lạm phát. Kể từ đó, lãi suất ở Mỹ cao hơn đã khiến các loại trái phiếu nợ của Mỹ trở nên hấp dẫn hơn để mua.
Giờ đây, lãi suất cực thấp của Nhật Bản đang khiến đồng Yên bị bán tháo, đẩy giá nhiều mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu lên cao khi đồng tiền mất giá. Lạm phát cũng đã xuất hiện: Lạm phát thực phẩm ở mức 9%. Trong tháng 6, lạm phát “cảm nhận” được BOJ đo lường là 14,7%, cao hơn 11 điểm so với chỉ số giá tiêu dùng chính thức. Cử tri đang trở nên khó chịu trước chi phí sinh hoạt tăng cao, chính phủ bắt đầu chú ý và nhiều người thắc mắc tại sao BOJ vẫn chống "giảm phát" khi lạm phát cao như vậy.
Nhưng đây không phải là loại lạm phát mà BOJ mong đợi - loại lạm phát dẫn dắt bởi nhu cầu tăng và tăng trưởng cao hơn cũng như được hỗ trợ bởi việc tăng lương. Thay vào đó, việc tăng giá này lại được thúc đẩy bởi những cú sốc như đồng Yên rẻ hơn và kể từ khi xung đột tại Ukraine bắt đầu, chi phí năng lượng lại tăng cao hơn.
Và BOJ đã làm theo cách của mình. Ngay cả khi đồng Yên giảm giá, BOJ vẫn kiên quyết tuân thủ chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của mình, cho biết sẽ không thay đổi cho đến khi lạm phát được hỗ trợ bởi thu nhập tăng và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Sự mâu thuẫn giữa các mục tiêu này - giữ ổn định đồng tiền Nhật Bản (để chống lạm phát) và lãi suất ở mức thấp (để đề phòng tình trạng giảm phát lại xuất hiện) - đã trở nên khó dung hòa. Takahide Kiuchi, nhà kinh tế điều hành tại Viện nghiên cứu Nomura và là cựu thành viên ban chính sách của BOJ cho biết: “BOJ muốn giữ lãi suất trong tầm kiểm soát, nhưng cũng phải xem xét tác động của các hoạt động đó đối với tỷ giá hối đoái”.
Chính phủ và BOJ hiện coi đồng Yên giảm giá là một vấn đề. John Vail, chiến lược gia toàn cầu tại Công ty quản lý tài sản Nikko cho biết: “Nếu đồng Yên suy yếu hơn nữa, đó sẽ là một cơn gió thuận thúc đẩy áp lực lạm phát tăng thêm ở Nhật Bản, điều này sẽ được rất ít người trong nước hoan nghênh”. "Đó là lý do Bộ Tài chính muốn can thiệp. Đó không phải là điều khó".
Tuần trước, sau khi đồng Yên suy yếu vượt mức 150 Yên đổi 1 USD - ngưỡng được coi là quan trọng - nó đã bật trở lại mức 147 một cách bí ẩn, làm dấy lên suy đoán rằng BOJ đã can thiệp bằng một đợt mua đồng Yên khổng lồ mà không báo trước.
BOJ đã can thiệp 3 lần vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng Yên vào năm ngoái, lần đầu tiên cơ quan quản lý tiền tệ này làm như vậy trong hơn hai thập kỷ.
Lãi suất vẫn “ngoan cố”
Can thiệp theo cách này có thể kéo dài thêm thời gian, nhưng nếu tiếp tục trượt giá thì điều này cho thấy nếu chỉ mua đồng Yên trên thị trường ngoại tệ sẽ không giải quyết được vấn đề lớn hơn: lãi suất âm của Nhật Bản khiến nước này trở thành ngoại lệ toàn cầu và đồng Yên trở thành mục tiêu bán ra.
Khi chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản ngày càng gia tăng, các nhà phân tích cho rằng đồng Yên có thể giảm xuống mức thấp nhất trong 33 năm là 151,90 Yên "ăn" 1 USD, bất chấp những cảnh báo liên tục từ chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida về việc can thiệp vào thị trường. Hồi tháng 9, Bank of America Securities đã cảnh báo trong một báo cáo nghiên cứu rằng đồng Yên có thể giảm tới mức 160-165 Yên "ăn" 1 USD vào năm 2024, nếu FED không cắt giảm lãi suất.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida cho biết trong chuyến thăm New York vào ngày 21/9: “Chúng tôi đang theo dõi các diễn biến của thị trường tiền tệ với tinh thần cảnh giác cao độ. Chúng tôi không loại trừ bất kỳ biện pháp nào để đối phó với những biến động quá mức của thị trường tiền tệ”.
Thống đốc mới của BOJ, Kazuo Ueda, được coi là người thực dụng, đã lên nắm quyền vào tháng 4 trong bối cảnh có nhiều câu hỏi về việc ngân hàng sẽ tiếp tục bơm tín dụng giá rẻ vào nền kinh tế trong bao lâu.
Những câu hỏi như vậy càng trở nên gay gắt hơn khi Nhật Bản đang chứng kiến lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ. Tháng trước đã có câu trả lời: lâu hơn một chút. Thống đốc Ueda cho biết vào tháng 9: “Chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy trước được lạm phát sẽ ổn định cũng như chưa đạt được mục tiêu giá cả một cách bền vững. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải kiên nhẫn duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo”.
Người thắng và kẻ thua
Nhiều công ty lớn của Nhật Bản đã được hưởng lợi từ sự mất giá của đồng Yên, đó là một lý do khiến đồng tiền này sụt giảm cho đến nay mà không có nhiều phản ứng từ BOJ. Jonathan Garner, chiến lược gia trưởng khu vực châu Á và thị trường mới nổi tại Morgan Stanley, cho biết: “Đồng Yên rất quan trọng đối với thu nhập của các nhà xuất khẩu Nhật Bản”. Doanh thu của các nhà xuất khẩu được tính bằng ngoại tệ, có nghĩa là giá trị xuất khẩu khi tính bằng đồng Yên sẽ càng lớn khi đồng Yên càng yếu đi.
Dữ liệu từ cuộc khảo sát Tankan hàng quý của BOJ, đo lường thái độ của các doanh nghiệp ở Nhật Bản, cho thấy tâm lý tại các công ty lớn nhất Nhật Bản đang ở mức cao lịch sử. Theo các nhà phân tích, các gã khổng lồ sản xuất ô tô của Nhật Bản, như Toyota và Nissan, nằm trong số những công ty lớn thu lợi từ đồng Yên yếu.
Koji Endo, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngành tại SBI Securities cho biết: “Các nhà sản xuất ô tô đang được hưởng lợi rất nhiều từ đồng Yên yếu”. Mặc dù đồng Yên yếu đồng nghĩa với việc giá nguyên liệu thô nhập khẩu dùng cho sản xuất ô tô cũng tăng lên, nhưng mức tăng này không lớn bằng giá trị thu về.
Ông nói: “Hiệu suất thu nhập tốt hơn dẫn đến tăng giá cổ phiếu, cổ tức, khả năng mua lại cổ phiếu và lương của người lao động. Kỳ vọng tăng lương vào năm tới cũng có thể tăng lên.”
Tuy nhiên, niềm tin rằng đồng Yên yếu sẽ tốt cho nền kinh tế Nhật Bản có thể là suy nghĩ quá đơn giản. Một số lĩnh vực kinh doanh của Nhật Bản không được hưởng lợi rõ ràng từ đồng tiền yếu hơn. Một phân tích tháng 9 của Morgan Stanley cho thấy, trong số 21 lĩnh vực được phân tích, những người hưởng lợi rõ ràng từ đồng Yên yếu bao gồm các nhà sản xuất ô tô, phần cứng công nghệ, chất bán dẫn, hàng hóa vốn và vật liệu - tất cả các lĩnh vực xuất khẩu.
Tác động là trung tính đối với các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, viễn thông, vận tải, dịch vụ tiêu dùng và giải trí.
Các doanh nghiệp dựa vào nhập khẩu - chẳng hạn như bán lẻ - đang gặp khó khăn. Ryosuke Tsutsumi, chủ tịch Signpost, một công ty có trụ sở tại Tokyo chuyên nhập khẩu các sản phẩm vệ sinh răng miệng sản xuất tại Việt Nam, nói với Nikkei Asia: “Vì mọi thứ đều được thực hiện bằng đô la nên đồng Yên yếu sẽ ảnh hưởng xấu đến công ty chúng tôi. Nếu chúng tôi không thể chuyển chi phí sang người dùng thì lợi nhuận của chúng tôi sẽ giảm sút trầm trọng.”
Gánh nặng cho người tiêu dùng
Trong khi trong kinh doanh thì được chia thành người thắng và kẻ thua, có rất ít người thắng trong số hộ gia đình Nhật Bản được trả lương và tiết kiệm bằng đồng Yên.
Theo khảo sát tháng 8 với 195 doanh nghiệp của Teikoku Databank, các công ty có kế hoạch tăng giá hơn 4.000 mặt hàng thực phẩm và đồ bán trong tháng này, do đó, với khoảng 2.000 mặt hàng trong tháng 9, báo hiệu rằng các doanh nghiệp tự tin rằng họ có thể chuyển phần giá tăng từ việc hàng nhập khẩu giá cao hơn sang cho người tiêu dùng phải chịu.
Trong khi đó, tiến trình về tiền lương đang đình trệ: Tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát trong tháng 8 vẫn ở mức thấp hơn năm trước trong tháng thứ 17 liên tiếp khi mức lạm phát vượt quá mức tăng lương. Doanh nghiệp rõ ràng cần thận trọng trong việc tăng lương để phù hợp với lợi nhuận của họ.
Điều này dường như là một rào cản đối với việc ngân hàng trung ương thoát khỏi chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của mình, vì Thống đốc BOJ Ueda đã nói rằng việc thay đổi chính sách như vậy phụ thuộc vào tăng trưởng tiền lương.
Một dấu hiệu tích cực là mức tăng lương trong vòng thỏa thuận tiền lương năm nay giữa các công đoàn các nghiệp đoàn và các ông chủ dự kiến sẽ lên tới 3,6% trong năm tài chính hiện tại, mức tăng cao nhất trong 30 năm, theo Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản. Nhưng Thống đốc Ueda vẫn rất thận trọng. Trong cuộc họp báo ngày 25/9, ông cho biết kết quả về tiền lương trong một năm không đủ để dự đoán con đường tăng lương trong tương lai.
Một số người tham gia thị trường ủng hộ Thống đốc Ueda về vấn đề này. Chiến lược gia Vail của Công ty quản lý tài sản Nikko cho biết: “Văn hóa nhân viên Nhật Bản có xu hướng rất trung thành với công ty và họ sẽ không gây áp lực buộc người chủ phải tăng lương cao hơn”.
Mặc dù BOJ cho biết họ vẫn chưa đánh bại được tình trạng giảm phát nhưng vẫn chịu áp lực phải từ bỏ một số chính sách cực đoan nhất, chẳng hạn như giữ lãi suất trái phiếu ở mức âm, chất xúc tác chính khiến đồng Yên mất giá trong vài năm qua.
Một số nhà kinh tế hiện kỳ vọng BOJ sẽ thoát khỏi chính sách lãi suất âm sớm nhất là vào tháng 1 năm sau. Những người khác kỳ vọng BOJ trước tiên sẽ chuyển sang loại bỏ kiểm soát đường cong lợi suất (YCC), cho phép chi tiêu không giới hạn vào trái phiếu chính phủ để giữ lợi suất ở một biên độ cố định trên hoặc dưới 0. Các nhà kinh tế của Morgan Stanley dự đoán cả YCC và chính sách lãi suất âm sẽ được loại bỏ đồng thời vào tháng 1 năm tới.
Các nhà kinh tế cho rằng tháng 1 là thời điểm thích hợp nhất vì sẽ có kết quả rõ ràng về kết quả thu nhập cho năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2024, điều này sẽ tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán về lương với các liên đoàn lao động.
Nhưng những dự đoán như vậy trong quá khứ đã từng bị chứng minh là hơi lạc quan. Dữ liệu cho thấy lạm phát đang quay trở lại nhưng không đủ bền vững để làm hài lòng các nhà hoạch định chính sách.
Lạm phát tiêu dùng, không bao gồm thực phẩm tươi sống và năng lượng, duy trì ở mức 4,3% trong tháng 8, không thay đổi so với tháng 7. Lạm phát hàng hóa giảm xuống 4,2%, giảm so với mức đỉnh 7,2% trong tháng 1, trong khi lạm phát dịch vụ không thay đổi so với tháng trước, ở mức 2%.
Trong khi đó, giá của các nhu yếu phẩm hàng ngày lại ảnh hưởng đến cảm nhận của người tiêu dùng về lạm phát. Và lạm phát giá thực phẩm vẫn ở mức cao gần 9% trong năm và không có dấu hiệu chậm lại. Theo hãng tin Kyodo, BOJ đang xem xét nâng triển vọng lạm phát trong năm kinh doanh hiện tại đến tháng 3/2024 (thời điểm kết thúc năm tài chính 2023) tới lên gần 3% từ mức hiện tại 2,5%.
Tác động chính trị
Đây là vấn đề đối với chính quyền Thủ tướng Kishida, vốn đang dự tính tổ chức một cuộc bầu cử sớm trong năm tới. Thủ tướng phải đối mặt với cuộc tranh giành quyền lãnh đạo trong Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền vào tháng 9 tới; chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử là cách tốt nhất để đảm bảo tái đắc cử với tư cách lãnh đạo đảng.
Lạm phát là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi quyết định thời điểm bầu cử. Trong cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của Nikkei, được thực hiện từ ngày 13 – 14/9, 42% số người được hỏi muốn chính phủ ưu tiên tới vấn đề chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, đứng đầu danh sách quan ngại. Nhận thức được sự không hài lòng của công chúng liên quan đến lạm phát, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các khoản trợ cấp xăng dầu vào tháng 1/2022, đồng thời mở rộng trợ cấp cho khí đốt và điện vào đầu năm nay.
Trong liên minh cầm quyền, một số tiếng nói đang kêu gọi tổng tuyển cử sau khi ngân sách bổ sung được thông qua vào mùa thu này, kéo dài các khoản trợ cấp này đến sau cuối năm. Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ đệ trình gói chi tiêu tại phiên họp quốc hội bất thường vào ngày 20/10 tới.
Nhưng gói chi tiêu sẽ chỉ giải quyết các triệu chứng của lạm phát. Về việc giải quyết nguyên nhân cơ bản, chính quyền Thủ tướng Kishida tỏ ra băn khoăn về việc BOJ chấm dứt chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của mình. Một nguồn tin thân cận với Văn phòng Thủ tướng cho biết, Chính phủ muốn đảm bảo rằng nền kinh tế trên con đường tăng trưởng bền vững trước khi BOJ sửa đổi chính sách của mình.
Đảo ngược sự sụt giảm của đồng Yên có thể mang lại cho Thủ tướng hai lợi ích: giúp kiềm chế lạm phát, giữ cho nó không làm ảnh hưởng đến mục đích chính của gói chống lạm phát. Và "việc ngăn chặn sự sụt giảm của đồng Yên sẽ giúp ích cho chính quyền Tổng thống Kishida trong một cuộc bầu cử", chuyên gia Kiuchi của Nomura nhận định.