Chứng khoán

Sắc đỏ bủa vây, cổ phiếu dầu khí cũng bị ghìm đà tăng

Mai Hương 16/10/2023 - 16:27

Chiến sự Israel-Hamas đã khiến cho các chỉ số chứng khoán châu Á giảm mạnh trong phiên đầu tuần. Thị trường Việt Nam sau 6 phiên tăng đã phải khuất phục trước những nỗi lo chung. Kể cả nhóm dầu khí dù có sự hậu thuẫn từ giá hàng hóa cũng không thể hiện được sự quyết liệt.

Định vị thị trường

Căng thẳng tại khu vực Trung Đông đã đẩy giá dầu Brent lên trên 90 USD trong phiên giao dịch cuối tuần trước, qua đó có thể ảnh hưởng tới lạm phát và chính sách tiền tệ của kinh tế toàn cầu. S&P500 đã thất bại trong việc duy trì đà hồi phục và chưa thể lấy lại xu hướng tăng trung hạn.

Còn tại châu Á, phiên giao dịch đầu tuần chứng kiến đà giảm sâu của các thị trường Nhật Bản, Thái Lan với NIKKEI 225 (-2,03%), SET (-2,06%) trong khi hàng loạt các chỉ số khác cũng giảm điểm như Hang Seng (-1%), KOSPI (-0,81%), STI (-0,86%), TWSE (-0,26%).

Sau 6 phiên hồi phục chưa thực sự thuyết phục, VN-Index đã phải hòa cùng xu hướng chung. Chỉ số mất hơn 1% xuống 1.141,42 điểm.

Chất xúc tác

Ngoài giá dầu, biến số đồng Dollar cũng trở nên kém thuận lợi cho chính sách tiền tệ nới lỏng và thị trường chứng khoán. Chỉ số DXY vẫn đang giữ xu hướng tăng ngắn hạn sau khi lấy lại mốc 106 điểm. Tác động của DXY khiến tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng 12 đồng so với phiên trước lên mức 24.089 VND/USD.

Đây là nguyên nhân khiến tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã trở lại can thiệp mạnh tay cả về quy mô và lãi suất trong các đợt phát hành tín phiếu. Tổng cộng, đã có gần 65.000 tỷ đồng tín phiếu được phát hành trong tuần, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức gần 205.700 tỷ đồng.

Trạng thái chênh lệch lãi suất đã được thu hẹp trở lại. Theo thống kê mới nhất từ Refinitiv Eikon, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã tăng 37 điểm cơ bản lên 0,77%.

hose-2023-10-16.png

Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại cũng đẩy mạnh hoạt động rút ròng. Cả 3 sàn đều bị rút tiền trong đó riêng HOSE đã bị bán ròng 827 tỷ đồng. Các mã MWG (-141 tỷ đồng), FPT (-94 tỷ đồng), FUEVFVND (-87 tỷ đồng), VPB (-67 tỷ đồng) bị bán ra nhiều nhất trên HOSE.

3ex-2023-10-16.png
Đóng góp 2 chiều mua/bán trên HOSE phiên 16/10 của khối ngoại là 6,7%.

Vận động thị trường

Sức ép xuất hiện từ ngay sáng nay do nhà đầu ngoại đã chủ động bán ra. Tới phiên chiều, một lượng tiền tương đương cũng bị khối này rút ra.

Các mã MWG (-1,82%), FUEVFVND (-1,62%), SSI (-4,32%), HPG (-2,91%), VHM (-2,88%), VND (-4,77%), HCM (-3,98%), VCI (-3,54%) là những cổ phiếu chịu ảnh hưởng lớn nhất từ hành động của khối ngoại.

Trong số các cổ phiếu kể trên, nhóm chứng khoán ghi nhận đà giảm mạnh nhất bởi còn phải chịu thêm áp lực từ nhà đầu tư trong nước. Các mã SSI, VND, HCM, VCI đều đánh mất đường xu hướng tăng ngắn hạn với kết quả giao dịch hôm nay.

Nhóm ngân hàng cũng không hoàn "vô can" khi gần như cả nhóm đều giảm giá. Trường hợp duy nhất đi ngược là VPB (+2,5%) trong khi các mã MBB, OCB, MSB, SHB, BID, VIB, TPB, STB đều giảm 1-4%.

Hầu hết các nhóm ngành đều không tránh được việc bị liên lụy theo xu hướng chung. Cụ thể như nhóm hóa chất, tiêu dùng, bất động sản, đầu tư công, cảng biển, thép với các mã DGC (-2,42%), DGW (-4,12%), DIG (-1,05%), PDR (-4,05%), GMD (-1,06%), HAH (-3,31%), HHV (-3,72%), HSG (-3,98%)…

Nhóm dầu khí dù nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ giá dầu thế giới cũng không thể bứt phá mạnh. PVD (+0,9%), PVT (+0,5%) phải chịu sự trung hòa từ lực bán chốt lời trong khi PVS (+2%), PVC (+2,7%) trên HNX và BSR (+2,4%) trên UPCoM đều không đóng cửa ở mức giá tốt nhất trong phiên. Dù sao, với riêng trường hợp PVS, mức giá 40.700 đồng/cổ phiếu cũng là mức đóng cửa cao nhất lịch sử giao dịch trên HNX.

vnindex.png

Chốt phiên giao dịch, cả 3 chỉ số đều giảm điểm, VN-Index mất 13,31 điểm xuống 1.141,2 điểm (-1,15%). Còn HNX-Index mất 1,08% và UPCoM-Index mất 0,63%. Tổng giá trị giao dịch 3 sàn đạt hơn 18.000 tỷ đồng trong đó riêng HOSE là 15.229 tỷ đồng.

Mai Hương