“Đại bàng” mong muốn “xây tổ” như thế nào khi đến Việt Nam?
Với quan điểm đồng hành và phát triển, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trân trọng lược trích các ý kiến đề xuất tại Hội nghị.
Cần lược bỏ các thủ tục, quy định không cần thiết về điều kiện kinh doanh
Ông David Whitehead - Phó Chủ tịch Auscham và thành viên Ban lãnh đạo VBF: Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, chúng ta cần có những điều chỉnh tổng thể về quy trình, thủ tục cấp phép, đảm bảo quy định rõ ràng về sử dụng đất, ưu đãi thuế và cấp giấy phép lao động cũng như lược bỏ các thủ tục, quy định không cần thiết về điều kiện kinh doanh. Điều này sẽ giúp thu hút đầu tư FDI quy mô lớn vào Việt Nam, đặc biệt là vào các ngành công nghiệp mới như công nghiệp bán dẫn và chip.
Kinh tế xanh, phát triển bền vững đã trở thành xu hướng toàn cầu trong những năm gần đây và là sự thay đổi cơ bản trong cách doanh nghiệp và nhà đầu tư thực hiện trách nhiệm xã hội và quản trị hiệu quả. Hiểu rõ vai trò của phát triển bền vững như một trong những công cụ quan trọng để hỗ trợ thực hiện các kế hoạch đạt được phát thải ròng các-bon bằng 0 của Chính phủ, VBF đang tiến hành khảo sát cộng đồng doanh nghiệp VBF nhằm xác định mối quan tâm, nhu cầu của doanh nghiệp nhằm triển khai hiệu quả các sáng kiến ở Việt Nam.
Chúng tôi hy vọng những thông tin, dữ liệu thu được từ khảo sát này sẽ giúp Chính phủ Việt Nam đưa ra những quyết định phù hợp, quản lý hiệu quả, khuyến khích các hoạt động bền vững và thu hút sự tham gia của các bên liên quan để hiện thực hóa mục tiêu đưa mức phải ròng bằng 0 vào năm 2050 và hướng tới phát triển bền vững.
VBF cam kết luôn sẵn sàng phối hợp với Chính phủ Việt Nam để hướng tới những bước phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Cần làm rõ những quy định pháp lý đang cản trở việc triển khai hiệu quả đầu tư nước ngoài
Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham): Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ và đây là thời điểm quan trọng, cũng là cơ hội tuyệt vời để cải thiện khung chính sách và môi trường đầu tư nhằm thu hút dòng đầu tư mới, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Việt Nam.
Chính phủ có thể thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể và chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục hành chính của Chính phủ trong thời gian qua.
Tuy nhiên, các thành viên của chúng tôi – giống như hầu hết doanh nghiệp đang có mặt tại đây ngày hôm nay – nhận thấy quy trình phê duyệt còn chậm và thủ tục hành chính còn mất thời gian, cản trở hoặc làm chậm tiến độ các dự án của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Chính phủ xác định, tháo gỡ những nút thắt này, đồng thời giúp Chính phủ xây dựng môi trường pháp lý theo các tiêu chuẩn toàn cầu. Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ cần làm rõ những quy định pháp lý đang cản trở việc triển khai hiệu quả đầu tư nước ngoài cũng như xem xét thận trọng các dự thảo luật, quy định để tránh áp dụng những thủ tục tạo thêm gánh nặng hành chính.
Một khía cạnh mà tất cả doanh nghiệp và các nhà đầu tư tương lai đều quan tâm là độ tin cậy về nguồn cung năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo. Mối quan hệ giữa cung-cầu điện là khá phức tạp và Chính phủ cần có cách tiếp cận phù hợp, đảm bảo hợp tác công-tư để phát triển nguồn cung ứng điện bền vững, đáng tin cậy, với giá cả phải chăng.
Quy định cần phải được xây dựng cụ thể, ổn định và Chính phủ nên tập trung vào các dự án khả thi, có khả năng huy động vốn để đảm bảo nguồn cung ứng điện đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ đơn giản hóa hệ thống quy định về năng lượng tái tạo trong khi các nhà đầu tư mới sẽ nghiên cứu khả năng tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo đáng tin cậy trước khi đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi rất vui khi Chính phủ đã ban hành các quy định cụ thể về năng lượng mặt trời áp mái vào tuần trước.
Để Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng và hiện thực hóa cam kết tại hội nghị COP26, những giải pháp quan trọng cần thực hiện bao gồm phát triển lưới điện, triển khai hợp đồng mua bán điện có khả năng thanh toán, rút gọn thủ tục phê duyệt dự án và củng cố vị thế tài chính của các công ty điện lực quốc gia. Với kinh nghiệm công tác trong ngành điện, tôi hiểu rằng sự tham gia của khu vực tư nhân có ý nghĩa rất quan trọng đối với an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Doanh nghiệp Hoa Kỳ luôn đi đầu trong lĩnh vực năng lượng và chúng tôi mong muốn tiếp tục phối hợp với Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
AmCham mong muốn được hợp tác với Chính phủ để giải quyết những thách thức nhằm thu hút thêm đầu tư nước ngoài và không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của Việt Nam.
Chúng tôi mong muốn xây dựng những "đường cao tốc" logistics
Ông Ng Boon Teck, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam: Chúng tôi mong muốn kết hợp mạnh mẽ hệ thống cơ sở hạ tầng logistics phát triển để biến Việt Nam thành khu vực trung chuyển với tinh thần giảm chi phí nhiều nhất có thể.
Tôi cũng muốn chia sẻ 3 lĩnh vực cụ thể mà cơ quan chức năng có thể triển khai. Thứ nhất, đẩy mạnh hơn dòng chảy thương mại, hợp tác, hỗ trợ với các quốc gia láng giềng. Thứ hai, khẳng định vai trò trung tâm, trung chuyển, đẩy mạnh giao thông giữa các tỉnh biên giới và giữa Trung Quốc - ASEAN. Thứ ba, chúng ta cần nhìn kỹ hơn, rõ hơn vào quy trình thực hiện cơ chế một cửa, để quá trình thông quan trở nên đơn giản hơn.
Cuối cùng, về phát triển bền vững, chúng tôi mong muốn xây dựng những "đường cao tốc" logistics, củng cố chuỗi cung ứng. Cần phải nghĩ đến tất cả các quy trình đã thân thiện với môi trường hay chưa? Tôi muốn đề xuất tập trung về cơ chế tài chính, cơ chế đánh thuế, nghiên cứu thành lập điểm kết nối về điện,… làm sao để môi trường "xanh hơn".
Khuyến nghị phát triển nguồn nhân lực của các ngành công nghệ cao trọng điểm
Ông Gaur Dattatreya, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Bosch Global Software Technologies: Tôi xin nêu lên hai điểm chính mà tôi tin là tối quan trọng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, cũng như sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ nhất là tầm quan trọng của công cuộc phát triển nguồn nhân lực.
Chúng tôi chân thành khuyến nghị Chính phủ cân nhắc và có kế hoạch cụ thể để phát triển nguồn nhân lực của các ngành công nghệ cao trọng điểm, bắt đầu bằng việc khuyến khích sự phát triển của hệ sinh thái kết nối giữa doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, các cơ sở giáo dục dạy nghề và bậc đại học, từ đó tạo điều kiện cho nguồn nhân lực Việt Nam được tiếp cận trang bị các kiến thức và kỹ năng thực tiễn để đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài trong các ngành công nghiệp trọng điểm.
Thứ hai, sự cần thiết xây dựng, duy trì và đảm bảo một môi trường pháp lý kinh doanh ổn định, minh bạch và thuận lợi.
Sự thay đổi liên tục để hoàn thiện của các chính sách và cơ chế quản lý ở Việt Nam, kết hợp với việc chồng chéo giữa trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan chức năng, đáng tiếc có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch và nhất quán trong các chính sách và quyết định của chính phủ. Với tư cách là một nhà đầu tư, đối tác lâu năm tại Việt Nam, Bosch rất mong muốn được hợp tác với Chính phủ để làm rõ và giải quyết triệt để những vấn đề đó.
Khuyến khích nhà đầu tư đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững mới và thống nhất tiêu chuẩn báo cáo phi tài chính
Ông Bruno Jaspert, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEPC: Tôi mong muốn đề nghị Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam cân nhắc đưa ra chính sách khuyến khích Khu công nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng thời gian thuê đất dài hạn hơn cho các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn đó. Đồng thời kết hợp chính sách này với việc áp dụng thuế đặc biệt đối với các khu không thể hoặc không muốn tuân thủ và sử dụng nguồn thu này để xây dựng quỹ phát triển tương lai bền vững.
Tôi kính đề nghị Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân nhắc các biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững mới và thống nhất tiêu chuẩn báo cáo phi tài chính.
Nhiều bước đi theo định hướng đúng đã được thực hiện tuy nhiên chặng đường hướng tới trung hoà carbon còn dài. Theo tôi cần có chiến lược cho phép các khu công nghiệp và các nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài trở thành động cơ thay đổi hướng tới mục tiêu này.
Tôi xin đưa ra một ví dụ. Hiện nay Việt Nam đối mặt với việc thiếu nguyên vật liệu san lấp. Tôi đến từ châu Âu nơi mà sự phát triển kinh tế dựa vào hệ thống đê lớn thay vì nâng cao độ mặt bằng. Chúng tôi cho phép trong thiết kế đường trở thành hệ thống thoát nước thay vì thiết kế nâng cao độ đường. Không có lý do gì Việt Nam không làm được điều này, thậm chí hơn nữa. Các thiết kế đó có thể đưa vào kế hoạch ứng biến thay đổi khí hậu quốc gia bằng cách năng cao độ hệ thống đê và sẽ hiệu quả chi phí hơn khi thiết kế cao độ mặt bằng ở mức thấp. Chúng tôi sẵn sàng thử nghiệm phương án này và cũng sử dụng vật liệu nạo vét hoặc vật liệu thải không độc hại làm vật liệu san lấp.
Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ban, ngành đưa ra giải pháp mới. Và cũng cần nhấn mạnh rằng với tôi Việt Nam là một đất nước tuyệt vời với các cơ hội.
Phát huy kinh nghiệm đàm phán để thúc đẩy xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam
Bà Vũ Thị Hương Giang, Giám đốc Đối ngoại khu vực Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Tập đoàn Nike: Để tiếp tục có thể kinh doanh tăng trưởng tại Việt Nam chúng tôi có một số đề xuất như sau:
Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục ưu tiên phát triển bền vững là hàng đầu. Chúng tôi rất vui vì gần đây Chính phủ tiếp tục thúc đẩy chương trình mua bán điện trực tiếp với khách hàng, trong tương lai không xa chúng tôi sẽ được tiếp cận và tin rằng điều này không chỉ tốt cho hành tinh, tốt cho nền kinh tế và tạo xung lực mới cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Thứ hai, khi nền kinh tế có nhiều thay đổi thì cách thức sản xuất sản phẩm cũng liên tục thay đổi, cụ thể là đối tác liên tục đổi mới về công nghệ và đầu tư. Do đó, chúng tôi mong muốn Chính phủ đầu tư mạnh vào đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, quản trị…
Thứ ba, hiện nay Việt Nam luôn đi đầu về thương mại toàn cầu. Chúng tôi mong với vị thế hôm nay, Việt Nam tiếp tục phát huy kinh nghiệm đàm phán của mình để thúc đẩy xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam.
Cần tập trung vào ngành chế tạo, đổi mới sáng tạo để thịnh vượng hơn
Đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO): Theo khảo sát của JETRO, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với FDI toàn cầu. Việt Nam là điểm đến FDI lớn thứ 2 của Nhật Bản trong 6 năm liên tiếp. Đây là những dấu hiệu hết sức tích cực. Phát triển kinh tế của Việt Nam được duy trì hằng năm. Nền kinh tế cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng sau một vài năm khó khăn. Trong đó, các lĩnh vực như số hoá, công nghệ thông tin rất vững chắc.
Nhiều nhà kinh tế dự báo năm kinh tế năm 2024 sẽ tiếp tục suy giảm, tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.
Theo tôi, Việt Nam cần tập trung vào ngành chế tạo, đổi mới sáng tạo để thịnh vượng hơn và đối phó với một số tình huống khó lường. Ngành công nghệ thông tin cũng sẽ trở thành "đầu tàu" mới dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam phát triển. Jetro mong muốn được hợp tác chặt chẽ hơn với Bộ KH&ĐT và Bộ Công Thương của Việt Nam. Chúng ta cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn về giáo dục, y tế, tài chính, cắt bỏ rào cản về luật pháp để tạo ra khuôn khổ mạnh mẽ hơn, thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng của bất cứ quốc gia nào nhưng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia hấp dẫn nhất trên không gian số.
Hành động cụ thể của Chính phủ là tham vấn để doanh nghiệp FDI ra quyết định
Ông Phùng Việt Thắng, đại diện Intel Việt Nam: Tôi xin nêu một số vấn đề lớn mà doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành. Đầu tiên là nguồn nhân lực của ngành bán dẫn. Vấn đề nhân lực này không chỉ nằm ở năng lực của người kỹ sư, người lao động mà còn cần cả một chính sách liên quan đến đào tạo nguồn cung sớm cho ngành bán dẫn. Để làm được điều này, tôi cho rằng cần nhiều sự quyết tâm của các bộ, ngành.
Về thuế tối thiểu toàn cầu, đây không phải vấn đề riêng của doanh nghiệp hay Bộ Tài chính mà còn cần sự hỗ trợ của nhiều bộ, ngành khác. Vì thế, những hành động cụ thể của Chính phủ không chỉ là động lực, là bài học cho riêng Intel mà còn cho các doanh nghiệp khác có thể học hỏi, tham vấn và giúp chúng tôi đưa ra những quyết định quan trọng.