VN-Index có thời điểm thủng mốc 1.100 điểm
Thị trường vẫn hứng chịu hậu quả sau phiên giao dịch bất thường. VN-Index tiếp tục giảm sâu và có lúc đã thủng mốc 1.100 điểm trong phiên.
Định vị thị trường
Xu hướng của chứng khoán châu Á và thế giới chưa tích cực nhưng cũng không là nhân tố gây ra bất ổn cho thị trường trong nước. Các chỉ số NIKKEI 225 (+0,2%), KOSPI (+0,1%), TWSE (-0,78%) đều đi trái chiều trong biên độ vừa phải.
Tuy nhiên, thị trường Việt Nam đang có những vận động mang tính cục bộ với liên tiếp các hoạt động bán ra bất thường. Tính cả phiên hôm nay (ngày 18/10), chỉ số VN-Index đã mất gần 4,5% từ đầu tuần.
Chất xúc tác
Thông tin được xem là gây ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư là tình trạng cho vay margin vượt quy định tại một công ty chứng khoán. Tuy nhiên, rất khó để đánh giá tác động của thông tin này tới hành động của nhà đầu tư.
Trong thực tế, các biến số vĩ mô quan trọng hơn với triển vọng thị trường chưa thay đổi đáng kể. Sáng nay (18/10), tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.096 VND/USD, tăng tiếp 3 đồng so với phiên liền trước.
Hiện giá trị tín phiếu lưu hành trên thị trường đã lên mức gần 243.650 tỷ đồng và lãi suất qua đêm đã tăng lên 0,8%.
Diễn biến đáng chú ý là khối ngoại đã tận dụng sự bất ổn về tâm lý của nhà đầu tư trong nước để mua ròng mạnh trên HOSE. Họ đã mua ròng 555,55 tỷ đồng trong đó STB (+120,3 tỷ đồng) là cổ phiếu được mua mạnh nhất.
Vận động thị trường
Nhờ yếu tố tiền ngoại, các cổ phiếu: STB (-1%), SSI (+0,32%), PVD (+2,96%), VIX (+3,85%), GEX (+1,4%), có vận động tốt hơn thị trường chung đáng kể.
Các mã Midcap và Penny không có bóng dáng tiền ngoại dễ dàng thể hiện sự bất ổn ngay khi có những đợt đạp xuống của VN30. Khoảng thời gian từ 14h-14h30, nhịp đạp diễn ra có mức độ sát thương khá lớn. VN-Index đã có lúc để thủng mốc 1.100 điểm.
Dù đà giảm của VN-Index đã được thu hẹp khi đóng cửa, chỉ để mất 18,25 điểm xuống 1.103,4 điểm (-1,63%) nhưng vẫn để lại hậu quả với rất nhiều cổ phiếu đầu tư công, bất động sản, dầu khí, thép, thủy sản như: PVT (-3,57%), LCG (-6,57%), CII (-6,81%), KSB (-6,93%), DIG (-6,86%), FCN (-6,81%), HHV (-4,46%), IDI (-6,92%). Số lượng mã giảm sàn xấp xỉ phiên hôm qua với 27 mã trên HOSE.
Sắc đỏ bao trùm lên 85% mã số mã trên sàn. Gần như rất khó để các cổ phiếu đi ngược lại xu hướng chung nếu như không có sự hỗ trợ của tiền ngoại.
Tuy nhiên, có lẽ tâm lý cũng không quá bi quan bởi lượng mua bắt đáy của tiền nội đã cải thiện rất nhanh chiều nay. Sau 10 phiên liên tiếp giao dịch mức bình quân 20 phiên, HOSE đã trở lại mức này. Tổng khối lượng của sàn đạt 1.038,17 triệu đơn vị, tương đương 21.855 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index giảm 1,27% xuống 227,11 điểm. Thanh khoản sàn đạt 130,23 triệu đơn vị, tương đương 2604 tỷ đồng. Còn UPCoM-Index giảm 0,81% xuống 85,95 điểm, thanh khoản sàn đạt 57,68 triệu đơn vị, tương đương 907 tỷ đồng.