Nhìn ra thế giới

Các nước Đông Nam Á trong cuộc đua mở rộng sân bay

Ngọc Diệp 19/10/2023 - 09:07

Tầng lớp trung lưu Đông Nam Á ngày một giàu, có có nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày một nhiều.

Các nước Đông Nam Á đang cạnh tranh nhau mở rộng các sân bay lớn nhằm đáp ứng cho nhu cầu nội địa cũng như thu hút đầu tư nước ngoài và khách du lịch để kích thích tăng trưởng kinh tế dù rằng có những kế hoạch đang tạo ra lo ngại về khả năng đầu tư cao quá mức.

Theo nghiên cứu của Nikkei với kế hoạch mở rộng sân bay gần thủ đô của khoảng 7 nước trong khu vực bao gồm: Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore và Campuchia, tổng số lượng hành khách vận chuyển hàng năm tại các nước này ước tính khoảng 653 triệu người vào năm 2030, gần gấp đôi so với con số 336 triệu hành khách vào thời điểm tháng 1/2023.

Tại Thái Lan, một nhà ga hàng không vệ tinh đã dược mở tại Sân bay Suvarnabhumi gần Bangkok vào tháng 9/2023. Tại buổi lễ khai trương sân bay mới, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nói: “Nhà ga này được khai trương ở thời điểm tốt nhất để khôi phục kinh tế nội địa”.

Ông Thavisin đồng thời hy vọng rằng, việc mở rộng sân bay lần này sẽ đóng góp quan trọng cho sự phục hồi của ngành du lịch Thái Lan trước đó vốn chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Nhà ga này có thể đón đến 28 chiếc máy bay và xử lý ước tính khoảng 15 triệu hành khách mỗi năm. Một khi thực sự đi vào hoạt động, tổng công suất của toàn bộ sân bay sẽ tăng thêm 30% lên ước tính 60 triệu hành khách mỗi năm, tình trạng tắc nghẽn sân bay vì vậy cũng được giải quyết.

Sân bay này dự kiến sẽ hoàn thành đường băng thứ ba vào năm 2024, đồng thời sân bay sẽ xây thêm một nhà ga vệ tinh và một đường băng nữa trước năm 2030, tăng năng lực xử lý hành khách mỗi năm lên 150 triệu.

Chính phủ Thái Lan cũng có kế hoạch mở rộng thêm 2 sân bay khác bao gồm: Sân bay quốc tế Don Mueang gần Bangkok và U-Tapao ở phía Đông Nam Bangkok. Tổng công suất xử lý của 3 sân bay trong khu vực đô thị này sẽ tăng lên ước tính khoảng 200 triệu hành khách vào năm 2030.

Việc Thái Lan và nhiều nước khác trong khu vực chạy đua phát triển sân bay có nguyên nhân trực tiếp từ việc nhu cầu đi lại nội địa của tầng lớp trung lưu tăng.

Trong báo cáo mới công bố, Tập đoàn Phát triển Hàng không Nhật (JADC) nhận định, so với mức của năm 2019, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng gấp ba lần sau hai thập kỷ. Tăng trưởng trung bình của số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không tại khu vực này ước tính 4,6%, cao hơn mức tăng trưởng chung toàn cầu 3,4%.

Việt Nam sẽ đầu tư khoảng 100 nghìn tỷ đồng tức khoảng 4 tỷ USD để tăng công suất của Sân bay Nội Bài lên 60 triệu hành khách vào năm 2030, cao gấp 2,5 lần hiện tại.

Campuchia sẽ mở sân bay quốc tế mới gần Phnom Penh vào năm 2025, ước tính khoảng 1,5 tỷ USD dự kiến được đầu tư vào ngành xây dựng. Ban đầu sân bay này sẽ xử lý 13 triệu hành khách, công suất dự kiến tăng lên 30 triệu hành khách vào năm 2030.

Malaysia đồng thời có kế hoạch tăng công suất xử lý lên 150 triệu hành khách/năm tại các sân bay của nước này, gấp đôi công suất hiện tại. Singapore đang đặt mục tiêu xử lý mỗi năm 140 triệu hành khách, cao hơn 75% so với con số hiện tại. Ngày hoàn thành hai kế hoạch mở rộng sân bay trên của hai nước hiện chưa được công bố.

Sân bay quy mô lớn hơn sẽ giúp người dân khu vực tiếp cận được với nhiều nơi trên thế giới, ngoài ra nó cũng giúp kéo thêm du khách và nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Lượng tiền lớn đầu tư cho hoạt động mở rộng sân bay này chắc chắn sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng kinh tế.

Bình luận về làn sóng mở rộng sân bay tại khu vực Đông Nam Á, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Daiichi Life, ông Toru Nishihama, khẳng định, việc chính phủ nhiều nước kỳ vọng nhiều vào các lợi ích kinh tế có thể dẫn đến việc phê duyệt cho nhiều kế hoạch chưa thực sự hoàn chỉnh.

Philippines đang có kế hoạch mở rộng 4 sân bay xung quanh Manilia. Các tập đoàn và liên minh dự kiến sẽ tham gia vào quá trình phát triển này. Tuy nhiên, vai trò của mỗi sân bay chưa được phân định rõ ràng có thể dẫn đến cạnh tranh giành khách hàng.

Thái Lan có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc kết nối 3 sân bay ở các khu vực đô thị Bangkok, tuy nhiên, hoạt động xây dựng chưa được triển khai do chậm trễ trong bàn giao đất cho dự án.

Với việc các quốc gia trong khu vực đang đua mở rộng sân bay, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về tính chính xác về dự báo nhu cầu khách hàng mà mỗi sân bay có thể phục vụ, nếu dự báo không chính xác, tính hiệu quả của các dự án có thể bị ảnh hưởng.

Ngọc Diệp