Vấn đề - Nhận định

Nhận diện “nút thắt” và giải pháp khơi thông dòng vốn đầu tư công

Minh Đức 19/10/2023 - 10:18

Do đặc thù triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, đồng thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chưa khi nào nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư công lớn như hiện nay, trong bối cảnh năng lực quản lý và khả năng hấp thu nguồn vốn ở không ít bộ ngành, địa phương còn hạn chế.

Đó là nhận định của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Doãn Anh Thơ tại Hội thảo chuyên đề: "Đầu tư công: Những nút thắt thông qua thực tiễn kiểm toán" vừa diễn ra.

pho-tong-kiem-toan-nn-doan-anh-tho.jpg
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu tại hội thảo

Những “nút thắt” khiến khả năng hấp thu nguồn vốn hạn chế

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 50,68% (đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, tỉ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 52,33% kế hoạch giao; tỉ lệ giải ngân vốn nước ngoài đạt 28,37% kế hoạch giao.

Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ nhìn nhận, thực tế cho thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công những năm gần đây chưa đạt được như kỳ vọng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả nguồn vốn. Điều này bắt nguồn từ một số khó khăn, vướng vắc, “nút thắt”.

Cụ thể, một số cơ chế, chính sách chậm được ban hành hoặc chậm được nghiên cứu sửa đổi khi đã bộc lộ bất cập; việc phân cấp, phân quyền còn chưa triệt để, rõ ràng.

Theo Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ, do đặc thù triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025, đồng thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chưa khi nào nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư công lớn như hiện nay, trong bối cảnh năng lực quản lý và khả năng hấp thu nguồn vốn ở không ít bộ ngành, địa phương còn hạn chế.

Ở khía cạnh khác, nguồn thu tiền sử dụng đất - một trong những nguồn vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn tại các địa phương thời gian vừa qua lại rất khó khăn do vướng mắc trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản ảm đạm, tính thanh khoản thấp.

Việc lập, phân bổ, giao kế hoạch vốn trung hạn, hàng năm còn có những tồn tại, bất cập như còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa phù hợp với tiến độ các dự án, còn có trường hợp bố trí không đúng cơ cấu ngành/lĩnh vực, nguồn vốn, đối tượng sử dụng vốn hoặc bố trí vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư; việc điều chỉnh kế hoạch vốn còn chưa linh hoạt, kịp thời; việc bố trí vốn đối ứng tại một số địa phương còn chưa kịp thời, đảm bảo cơ cấu theo quy định.

Việc định giá đất, cơ chế đền bù, phương án hỗ trợ tái định cư; việc điều chỉnh, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng,… vẫn còn những bất cập về thẩm quyền, trình tự thủ tục; các phương pháp xác định giá đất chưa cụ thể, khó áp dụng trong thực tiễn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng do hậu quả của công tác quản lý đất đai yếu kém kéo dài nhiều năm trước.

Việc thiếu hụt nguyên vật liệu phục vụ thi công các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm ngành giao thông; giá các nguyên vật liệu có những thời điểm chưa được dự báo, kiểm soát tốt, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình/dự án, tăng chi phí đầu tư.

Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại một số cơ quan/đơn vị chưa được đề cao, rõ nét; một số cơ quan/đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa thực sự vào cuộc, trình độ chuyên môn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; việc kiểm tra, giám sát còn chưa được thường xuyên, hiệu quả.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, giữa các cấp chính quyền địa phương còn chưa thực sự tích cực, hiệu quả trong việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện...

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư; công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng; công tác tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nhiệm thu, thanh quyết toán;... tại nhiều dự án vẫn còn những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, hiệu lực, hiệu quả vốn đầu tư. Bên cạnh đó, năng lực một số nhà thầu thi công chưa đáp ứng được tiến độ, chất lượng.

Phân tích thêm, ông Vũ Thanh Hải, Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành IV (KTNN) cho biết, các nguyên nhân chủ quan là chủ yếu do công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn một số tồn tại, bất cập, chưa phù hợp với thực tế nên phải điều chỉnh làm kéo dài thời gian thực hiện.

Việc lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân, tiên lượng khả năng hoàn thiện thủ tục đầu tư chưa chính xác, kịp thời nên không giao được kế hoạch... Giao kế hoạch vốn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án; đề xuất phương án phân bổ chưa bám sát nguyên tắc, thứ tự ưu tiên.

Giải pháp khơi thông, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư

Tại hội thảo, trên cơ sở đánh giá, nhận diện các nút thắt đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các đại biểu cũng đã đưa ra rất nhiều giải pháp để nhanh chóng khơi thông dòng vốn, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tạo đà tăng trưởng, thúc đẩy và phục hồi kinh tế.

Bà Cao Thị Minh Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất trong thời gian tới cần điều chỉnh ngay các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư công, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa, rút vốn nhà tài trợ... trong việc triển khai dự án để đẩy mạnh hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn ngoại tệ cho phát triển đất nước.

Chỉ còn khoảng gần 3 tháng nữa là Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực, do đó, để Luật đi vào cuộc sống, giải quyết ngay được những điểm nghẽn trong hoạt động đấu thầu của các dự án đầu tư công, các văn bản hướng dẫn những nội dung giao Chính phủ quy định tại Luật cần được ban hành kịp thời, chất lượng...

"Các khâu phân bổ vốn đầu tư công, giao vốn đầu tư công... phải làm sớm từ đầu, cần xác định rõ trách nhiệm chủ đầu tư khi được giao quản lý dự án đầu tư, định kỳ hằng quý, 6 tháng, 9 tháng rà soát, dự án nào không giải ngân đúng tiến độ, triển khai chậm, chúng tôi sẵn sàng sàng cắt chuyển dự án khác có tiến độ tốt hơn", đại diện địa phương có mức giải ngân khá cao (khoảng 74%), ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chia sẻ một số kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Khắc Thận cho biết, cơ quan quản lý, chủ đầu tư có trình độ chuyên môn tốt, cán bộ quản lý dự án am hiểu pháp luật, thì công tác đầu tư công triển khai sẽ thuận lợi. Muốn làm nhanh trước hết phải làm đúng.

Điểm quan trọng then chốt quyết định là công tác giải phóng mặt bằng. Dự án được triển khai bài bản, đúng quy định, nhưng đến khâu giải phóng mặt bằng chậm, không làm tốt thì tiến độ dự án sẽ bị chậm lại.

Cùng quan điểm như trên, ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh, giải pháp cho giải ngân đầu tư công phải từ trên xuống dưới, đó là các thông điệp, "sức nóng" của người lãnh đạo, chỉ đạo sát sao nhưng cũng phải làm tốt từ dưới lên, đặc biệt cần có sự ủng hộ của người dân, bên cạnh đó có các chủ đầu tư có năng lực.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ đã đưa 6 giải pháp để khơi thông dòng vốn, bao gồm:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát để xử lý triệt để những bất cập, hạn chế, những xung đột, chồng chéo cũng như những khoảng trống trong pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan, trong đó cần tập trung một số vấn đề như việc phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm; công tác định giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; công tác quy hoạch; trình tự, thủ tục; cơ chế, chính sách thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư...

Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác huy động vốn đầu tư công, trong đó cần có những chính sách cụ thể để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu giá, thu tiền sử dụng đất; thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các nguồn vốn vay ưu đãi, tài trợ, viện trợ.

Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác dự báo, phối hợp, xây dựng, phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, hàng năm đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, đúng cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực, đúng nguồn vốn, phù hợp với tiến độ triển khai thực hiện dự án; điều chỉnh kế hoạch vốn đảm bảo kịp thời, linh hoạt.

Thứ tư, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, cung cấp đầy đủ nguyên vật liệu để phục vụ thi công các dự án quan trọng quốc gia, các dự án có tính chất liên vùng.

Thứ năm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan/đơn vị, tổ chức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công; xác định cụ thể trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, kiên quyết xử lý các trường hợp năng lực chuyên môn yếu, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án.

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với công tác giải ngân, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, bảo đảm đầu tư công được công khai, minh bạch, hiệu quả.

Minh Đức