Chứng khoán

Thị trường chứng khoán đã về vùng định giá khá hấp dẫn

Q.L 23/10/2023 11:13

Thị trường chứng khoán trong nước có tuần giảm mạnh thứ 2 kể từ đầu năm, nằm trong Top các thị trường trên thế giới có mức giảm mạnh nhất ở tuần từ 16-20/10.

Tâm lý tiêu cực bao trùm thị trường trước áp lực tỷ giá tăng cao nhất kể từ đầu năm, đến từ việc lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiến đến gần 5%, cao nhất trong vòng 18 tháng. Diễn biến này đã kích hoạt đà bán tháo kể từ đầu tuần, khiến các nhóm ngành đồng loạt giảm điểm. Hiệu ứng “domino” bán giải chấp càng khiến đà giảm kéo dài trong những phiên sau đó.

Đỉnh điểm, chỉ số VN-Index đã giảm mạnh rơi xuống dưới hỗ trợ quan trọng MA200 trong ngày 18/10.

ksnj.jpg

Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản và Bán lẻ ghi nhận xu hướng giảm mạnh nhất.

Đến phiên chiều ngày 20/10, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện ở vùng 1.080 điểm, kéo chỉ số hồi phục 32 điểm từ vùng đáy. Trong đó, nhiều cổ phiếu trong nhóm chứng khoán và bất động sản tăng trần.

Kết tuần chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận giảm 46,7 điểm, tương đương mức giảm 4,0% so với cuối tuần trước.

Cùng lúc đó, chỉ số HNX-Index giảm 4,4% xuống 228,5 điểm và chỉ số UPCOM-Index giảm 2,6% xuống 85,6 điểm. Tuần này, VIC (-6,0%), VHM (-5,1%), BID (-4,7%) và VCB (-2,1%) là các cổ phiếu vốn hóa lớn kéo giảm thị trường, lấy đi tổng cộng 10,5 điểm từ VN-Index. Ngược lại, VJC (+1,4%), LPB (+2,5%) và EIB (+1,4%) đã kìm lại đà bán tháo của thị trường.

Tâm lý lo ngại khiến thanh khoản duy trì ở mức thấp. Giá trị giao dịch trên 3 sàn chỉ hồi phục nhẹ trong tuần này đạt trung bình 18.516 tỷ đồng mỗi phiên (+12,5% so với tuần trước).

Tuần này, khối ngoại quay trở lại mua ròng trên cả 3 sàn, với giá trị là 779 tỷ đồng (tuần trước bán ròng 1.911 tỷ đồng) trên HOSE, 117 tỷ đồng (-23,6% so với tuần trước) trên HNX và 12 tỷ đồng trên UPCOM (tuần trước bán ròng 57 tỷ đồng). Tổng cộng, khối ngoại mua ròng 909 tỷ đồng trên toàn thị trường trong tuần.

Trái với kỳ vọng rằng đà phục hồi có thể được duy trì sang tuần thứ hai liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp ghi nhận 4 phiên điều chỉnh mạnh trong tuần qua và chỉ phục hồi một phần trong phiên giao dịch 20/10. Đà bán mạnh thường bất ngờ xuất hiện trong phiên buổi chiều làm nhà đầu tư trở tay không kịp và ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý thị trường.

Giải thích cho diễn biến trên, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích CTCK VNDIRECR cho rằng, điều này có thể là do hoạt động chủ động hạ hoặc giải chấp margin của một số bên cho vay.

Do đó, chuyên gia này khuyến nghị nhà đầu tư cần quan sát thêm tác động của diễn biến này tới xu thế thị trường trong những phiên tới.

Điểm tích cực xuất hiện trong phiên cuối tuần đó là đã bắt đầu le lói những thông tin hỗ trợ cho tỷ giá. Cụ thể, trong bài phát biểu về chính sách tiền tệ mới đây, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã phát đi tín hiệu có thể tiếp tục dừng tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới vào đầu tháng 11. Điều này có thể kìm lại đà tăng mạnh gần đây của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Bên cạnh đó, việc VPBank hoàn tất phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư Nhật Bản SMBC với quy mô 1,5 tỷ USD sẽ góp phân bổ sung nguồn cung ngoại tệ. Đồng thời, động thái mua ròng liên tục của khối ngoại trong những phiên giảm điểm tuần qua cũng là yếu tố hỗ trợ đáng chú ý cho thị trường.

Về chiến lược đầu tư, ông Đinh Quang Hinh nhận định, nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc mua gom dần cổ phiếu trong những nhịp điều chỉnh giảm do thị trường đã về vùng định giá khá hấp dẫn để mua và nắm giữ.

“Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất về vùng đáy nhiều đáy nhiều năm và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đang bắt đầu chu kỳ phục hồi thì việc mua và nắm giữ cổ phiếu để đầu tư dài hạn là một lựa chọn đáng giá. Còn đối với những nhà đầu tư ngắn hạn, vẫn nên duy trì kỷ luật, chờ đợi thị trường xác nhận đáy 2 thành công thì mới tham gia để giảm thiểu rủi ro và tăng xác suất thành công”, chuyên gia VNDIRECT cho biết.

Có góc nhìn lạc quan hơn, Agriseco Research nhận định, VN-Index có thể duy trì được đà phục hồi trong tuần tới. Dự báo nhịp hồi là cơ hội để có thể cơ cấu lại danh mục. Nhà đầu tư giải ngân, đưa tỷ trọng cổ phiếu về vùng khoảng 30-50% là phù hợp trong bối cảnh các chỉ báo xu hướng trung, dài hạn vẫn ở trạng thái giảm điểm. Ưu tiên giải ngân cổ phiếu thuộc nhóm VN30 hoặc một số nhóm đang có sự hồi phục tốt như bất động sản, xây dựng, ngân hàng.

MBS Research đưa ra khuyến nghị đầu tư ngắn hạn với nhóm cổ phiếu có mức chiết khấu hấp dẫn ở nhịp giảm vừa qua. Đây sẽ là nhóm cổ phiếu được dòng tiền quay lại bắt đáy, tín hiệu cũng đã xuất hiện ở phiên cuối tuần với ở một số nhóm cổ phiếu như chứng khoán, bất động sản, đầu tư công,…

bbjsb.jpg

Thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm điểm trong tuần vừa qua sau khi xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ diễn ra ở tất cả các kỳ hạn, phản ánh mối lo rằng FED sẽ phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để chống lạm phát, bên cạnh đó là căng thẳng ở Trung Đông.

Nguồn áp lực chính đối với thị trường ở tuần vừa qua là việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên vượt mốc 5% trong vòng 16 năm trở lại đây. Mức lợi suất cao ngất ngưởng này có nguy cơ ảnh hưởng lan rộng trong nền kinh tế thông qua việc kéo lãi suất các khoản vay thế chấp nhà, vay thẻ tín dụng, vay mua xe… Ngoài ra, việc đầu tư trái phiếu mang lại lợi tức cao hơn cũng khiến nhà đầu tư giảm bớt sự hứng thú với cổ phiếu.

Xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ diễn ra ở tất cả các kỳ hạn, phản ánh mối lo rằng FED sẽ phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để chống lạm phát vì nền kinh tế Mỹ vẫn đang vững vàng sau 11 lần tăng lãi suất. Trong đó, lợi suất của kỳ hạn 30 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2007.

Tại Trung Quốc, việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 4,9% trong quý III/2023 hay Chính phủ can thiệp vào thị trường, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) bơm thanh khoản, hạn chế bán khống là chưa đủ để giúp chứng khoán Trung Quốc thoát khỏi vòng xoáy bi quan của lĩnh vực bất động sản. Chỉ số CSI 300 giảm hơn 4% và khép lại tuần tệ nhất trong 1 năm, xóa sạch đà tăng đã gầy dựng kể từ khi gỡ bỏ biện pháp phong tỏa COVID-19.

Q.L