Nhìn ra thế giới

Lý do có thể tin kịch bản Mỹ hạ lãi suất đồng USD trong năm 2024

Ngọc Diệp 23/10/2023 - 15:57

Kỳ vọng kinh tế Mỹ không tăng trưởng mạnh sẽ có thể khiến cho Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất trong năm 2024, bởi nhu cầu tăng cao quá so với nguồn cung thường đẩy giá cả tăng nóng. Tuy nhiên, thời điểm hạ lãi suất vào lúc nào còn tùy thuộc vào hướng diễn biến của lạm phát.

Dự kiến ngày thứ Năm tới đây, Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố kết quả GDP quý III/2023, đây là chỉ số đo lường toàn diện nhất về sản lượng kinh tế.

Theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế Mỹ nhiều khả năng tăng trưởng cao trong khoảng thời gian từ tháng 7 - 9/2023, bất chấp việc lãi suất cao, tiết kiệm của người dân trong điều kiện đại dịch COVID-19 giảm đi và lạm phát cao.

Kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng trưởng cho đến cuối năm nay, dù ở tốc độ chậm hơn. Nhiều nhà đầu tư chứng khoán Mỹ hiện đang dự báo về khả năng thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh vào thời điểm cuối năm.

Kỳ vọng kinh tế Mỹ không tăng trưởng mạnh sẽ có thể khiến cho Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất trong năm 2024, bởi nhu cầu tăng cao quá so với nguồn cung thường đẩy giá cả tăng nóng. Tuy nhiên, thời điểm hạ lãi suất vào lúc nào còn tùy thuộc vào hướng diễn biến của lạm phát.

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - ông Jerome Powell khẳng định: NHTW sẽ cần phải chứng kiến tăng trưởng dưới xu thế để có thể chắc chắn được việc lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%.

“Kinh tế Mỹ đã cho thấy, sự vững vàng trong suốt mùa hè vừa qua với tăng trưởng việc làm cao và người dân tiêu dùng mạnh tay đẩy GDP tăng trưởng 5%”, chuyên gia kinh tế trưởng tại EY-Parthenon – ông Gregory Daco nhấn mạnh trong báo cáo nghiên cứu mới đây.

Cũng theo ông Daco, trong khi những dấu hiệu kinh tế tăng trưởng mạnh lên không khỏi tạo ra những đồn đoán về khả năng kinh tế sẽ tái tăng tốc trở lại, tuy nhiên động lực duy trì kinh tế tăng trưởng bền vững như vậy sẽ khó được duy trì.

FED thường hạ lãi suất khi tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh hoặc lạm phát dưới ngưỡng 2%. Ngân hàng Trung ương Mỹ không có thêm động lực hạn chế tăng trưởng kinh tế thông qua các lần nâng lãi suất, nếu lạm phát thuộc tầm kiểm soát.

Ông Daco cho rằng, việc cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu từ giữa năm sau.

Chiến lược chính của FED chính là giảm lạm phát thông qua giảm bớt nhu cầu qua các đợt nâng lãi suất, lãi suất cao thường khiến cho chi phí vay mua ô tô và nhà đất trở nên đắt đỏ hơn, vì vậy người tiêu dùng cũng hạn chế chi tiêu. FED đã nâng lãi suất 11 lần tính từ tháng 3/2020, lãi suất đồng USD Mỹ hiện cao nhất trong 22 năm.

Tiêu dùng người dân Mỹ, vốn đóng góp khoảng 70% hoạt động kinh tế Mỹ, tăng trưởng 0,4% trong tháng 8/2023 sau khi tăng 0,7% trong tháng 7/2023. Doanh số bán lẻ, một chỉ báo quan trọng về sức mua, trong tháng 9/2023 tăng trưởng 6 tháng liên tiếp. Sản xuất công nghiệp tháng 9/2023 tăng trưởng lên ngưỡng cao nhất trong gần 5 năm.

Giới chủ Mỹ tuyển dụng trung bình ước tính khoảng 260.000 việc làm/tháng trong năm nay, như vậy tương đương khoảng 2 triệu việc làm tính từ tháng 1/2023. Thị trường việc làm tăng trưởng tốt cũng đồng nghĩa chi tiêu của người dân ở ngưỡng cao.

Thế nhưng, người Mỹ vẫn đang đương đầu với nhiều thách thức về kinh tế. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ ở mức cao sẽ làm hạ nhiệt nền kinh tế, ngoài ra phải kể đến các điều kiện tín dụng thắt chặt, việc nhiều sinh viên phải nối lại trả nợ các khoản vay trước đó cũng như nguồn tiền tiết kiệm giảm sút.

Chính quyền Mỹ đang phải giải quyết vấn đề nợ liên bang, thị trường nhà đất đóng băng, dự trữ dầu thấp kỷ lục, cùng lúc đó, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông khiến cho giá dầu tăng vọt.

Dù vậy, bất chấp nhiều yếu tố bất lợi, một số chuyên gia kinh tế hiện vẫn duy trì dự báo lạc quan về sự vững vàng của triển vọng nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại KPMG, bà Diane Swonk, nhận xét: “Việc lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng và độ trễ của thắt chặt tín dụng, đặc biệt phải kể đến vấn đề nợ doanh nghiệp lãi suất cao chắc chắn sẽ gây ra nhiều trở ngại trong năm 2024”.

Sau chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất trong 4 thập kỷ, nhiều học giả và chuyên gia kinh tế đang phân tích về việc họ đã có thể làm gì để ngăn cuộc khủng hoảng chi phí cuộc sống leo thang và bằng cách nào để ngăn những sai lầm chính sách lặp lại.

Thị trường tài chính thế giới trong khi đó lại chật vật với việc tính toán về kịch bản lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn khi mà xung đột tại Trung Đông leo thang tạo ra thêm rủi ro đối với các ngân hàng trung ương.

Những băn khoăn về định hướng chính sách của các ngân hàng trung ương hiện đang tập trung vào 3 điểm: Thứ nhất, các ngân hàng trung ương có thể linh hoạt đến đâu trong các mục tiêu lạm phát của mình; thứ hai, tính hiệu quả của chương trình mua tài sản trong các động thái chính sách; cuối cùng, ảnh hưởng của sự phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa.

Theo khảo sát của Bloomberg thực hiện với một số chuyên gia kinh tế trên thế giới, không ít người đã đưa ra quan điểm: Ngân hàng trung ương các nước trên thế giới sẽ tránh gây tổn hại đến nền kinh tế trong nỗ lực đạt được các mục tiêu lạm phát, chính sách nới lỏng định lượng (QE) sẽ được sử dụng rộng rãi hơn trong tương lai và những rủi ro chính sách tài khóa làm cản trở công việc của nhiều nhà quản lý chính sách tiền tệ.

“Khoảng thời gian dài giá cả tăng và những nỗi sợ về việc lạm phát trở lại ngưỡng mục tiêu sẽ rất đau đớn với người lao động, nó tạo ra cuộc tranh luận về việc liệu các ngân hàng trung ương có nên tính đến khả năng lạm phát mục tiêu cao hơn hay không. Tuy nhiên đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế, việc duy trì uy tín cũng đồng nghĩa thời điểm phù hợp chính là sau khi thực hiện được mục tiêu lạm phát”, chuyên gia kinh tế trưởng tại Bloomberg Economics – ông Tom Orlik phân tích.

Ngọc Diệp