Bí thư Thành ủy Hà Nội: Giải quyết điểm nghẽn bất động sản sẽ khơi thông tín dụng ngân hàng
Khi giải quyết được điểm nghẽn với bất động sản sẽ giúp ổn định vĩ mô, khơi thông được vấn đề tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Đó là nhận định của đại biểu Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội trong phiên thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, sáng ngày 24/10.
Thảo luận về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian tới, đại biểu Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần sớm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay. Hiện nay, cả nước có rất nhiều dự án đang vướng mắc cần được xử lý, chỉ tính riêng Hà Nội đã có 712 dự án chậm triển khai lâu năm và mới đây đã xử lý được hơn 100 dự án, thu lại để đấu thầu, đấu giá được vài nghìn ha.
"Nếu tháo gỡ được những khó khăn cho thị trường bất động sản thì những vấn đề khác sẽ được khơi thông như thị trường vật liệu xây dựng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt, khi giải quyết được điểm nghẽn với bất động sản sẽ giúp ổn định vĩ mô, khơi thông được vấn đề tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ", đại biểu Đinh Tiến Dũng phát biểu.
Về giải pháp thời gian tới, đại biểu Đinh Tiến Dũng đề nghị, Quốc hội nên sớm có chỉ đạo, chủ trương rà soát tổng thể, ban hành nghị quyết để giải quyết những khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, bởi vướng mắc ở đây chủ yếu là liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Đối với những dự án chậm triển khai, cần tính đúng, tính đủ giá đất, phù hợp với quy định hiện hành và thị trường. Không để các dự án chậm triển khai kéo dài.
Khoảng đầu quý IV/2022 thị trường bất động sản bắt đầu bước vào giai đoạn trầm lắng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo các bộ ngành, địa phương trong việc nỗ lực vào cuộc thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn.
Hàng loạt các cuộc họp cấp trung ương, địa phương được tổ chức. Rất nhiều cơ chế, chính sách được ban hành. Toàn bộ cơ quan quản lý các cấp, cả hệ thống ngân hàng đều vào cuộc. Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành và các địa phương đã ban hành hàng chục nghị quyết, nghị định, chỉ thị tháo gỡ khó khăn cho thị trường, cho doanh nghiệp và cho các nhà đầu tư. Chính phủ cũng thành lập Tổ công tác trực thuộc Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Mỗi địa phương cũng đã thành lập tổ công tác do Chủ tịch đứng đầu....
Mới nhất, để tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 bảo đảm khả thi, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh và bền vững.
Nhiều chuyên gia đều nhận định, chưa bao giờ các động thái từ phía Chính phủ lại quyết liệt, dồn dập và mạnh mẽ đến như vậy. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này đã có hiệu quả, tạo được những chuyển biến tích cực, đặc biệt là giảm lãi suất cho vay và tín dụng cho bất động sản. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được khởi công với tổng số khoảng 19.853 căn, đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả mang lại chưa cao, chưa được như kỳ vọng bởi nhiều dự án chỉ mới được tháo gỡ một phần, thị trường vẫn chưa hết khó khăn.