Người tiêu dùng các nước giàu trên thế giới thay đổi thói quen sau dịch
Các nhà hoạch định chính sách kinh tế trên thế giới sẽ cần phải đặc biệt quan tâm đến việc người tiêu dùng tại các nền kinh tế giàu có đã giảm sự quan tâm đến dịch vụ và thích mua hàng hơn.
Đại dịch COVID-19 thực sự đã mang lại nhiều thay đổi. Vào đầu năm 2020, đã có lúc tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh khắp các nước giàu nhất thế giới, tuy nhiên sau đó tỷ lệ này đã nhanh chóng giảm xuống ngưỡng thấp trước đại dịch COVID-19.
Nhóm các nước giàu lại có được mức GDP trước đại dịch COVID-19 sau chỉ một thời gian ngắn. Tuy nhiên, đã hơn hai năm sau khi các quy định phong tỏa được gỡ bỏ, ít nhất một điều vẫn không thay đổi: thói quen của người tiêu dùng tại các nước giàu đã thay đổi chóng mặt và thậm chí được dự báo có thể thay đổi mãi mãi, người tiêu dùng giờ đây đã tiết kiệm hơn rất nhiều.
Trong những năm trước đại dịch COVID-19, tỷ lệ tiêu dùng người dân đóng góp cho ngành dịch vụ không ngừng tăng mạnh. Nhưng vào năm 2020, chi tiêu của người tiêu dùng vào dịch vụ, lưu trú khách sạn hoặc dịch vụ căn bản kiểu như cắt tóc đã sụt giảm nghiêm trọng. Khi mà người dân dành nhiều thời gian ở nhà, nhu cầu với hàng hóa tăng chóng mặt, người ta đua nhau mua mạnh thiết bị máy tính và xe đạp thể thao.
Ba năm sau, tỷ lệ chi tiêu của người tiêu dùng dành cho dịch vụ vẫn thấp hơn so với mức trước COVID-19. So sánh với xu thế trước COVID-19, mức sụt giảm thậm chí còn lớn hơn. Mức độ chi tiêu của người tiêu dùng tại các nước giàu thấp hơn 600 tỷ USD so với thời điểm năm 2019.
Đặc biệt, người dân nước giàu giờ đây cũng giảm mạnh chi tiêu vào các hoạt động giải trí bên ngoài gia đình, trong đó có dịch vụ khách sạn. Tiền họ tiết kiệm được chuyển sang chi tiêu vào hàng hóa, từ hàng tiêu dùng như nội thất hoặc đồ gia dụng cho đến những mặt hàng tiêu dùng nhanh kiểu như quần áo, thực phẩm và rượu.
Tại những nước mà thời gian bị phong tỏa hoàn toàn ngắn hơn, thói quen tiết kiệm của người dân không duy trì quá lâu. Chi tiêu vào dịch vụ tại New Zealand hay Hàn Quốc hiện giờ đã tăng trở lại tương đương trước COVID-19.
Ở nhiều nơi khác, thói quen người dân đa phần không thể trở lại như trước đây. Tại cộng hòa Séc, nước chịu nhiều ảnh hưởng bởi COVID-19, tỷ lệ chi tiêu vào ngành dịch vụ thấp hơn khoảng 3 điểm phần trăm so với trước đại dịch COVID-19.
Câu chuyện tương tự diễn ra tại nhiều nền kinh tế lớn và giàu có như Mỹ, Nhật. Số lượng đặt phòng khách sạn trong phục vụ cho mục đích giải trí hoặc nhiều mục tiêu khác đã giảm đến 50%.
Nếu chỉ nhìn qua thực trạng đặt phòng hay đặt bàn ăn tại các nhà hàng người ta sẽ không thấy rõ được điều này. Nhiều người hiện đang phàn nàn về việc khó đặt bàn ăn hoặc thậm chí khó đặt phòng khách sạn hơn trước. Tuy nhiên vấn đề đằng sau không phải do nhu cầu quá cao mà nguồn cung hạn chế.
Trên thực tế, số lượng người làm việc trong ngành dịch vụ khách sạn tại Mỹ hiện giờ thấp hơn so với năm 2019. Tình trạng gián đoạn gây ra bởi đại dịch COVID-19 cũng đồng nghĩa đã có nhiều khách sạn từng được kỳ vọng sẽ khai trương trong năm 2020 và 2021 đã không bao giờ còn được khai trương nữa. Số lượng khách sạn ở Anh ước tính khoảng 10.000 và con số này đã duy trì như vậy từ cuối năm 2019.
Các doanh nghiệp cũng nhận thấy rất rõ sự thay đổi này. Trong công bố lợi nhuận gần đây của chuỗi Darden Restaurants, một nhà điều hành của hãng – ông Olive Garden nhấn mạnh rằng nếu so với trước COVID-19, lượng khách đến các nhà hàng trong chuỗi hiện mới chỉ đạt tối đa 80%. Còn tại Home Depot, doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm nội thất nổi tiếng, doanh thu từ năm 2019 cho đến nay đã tăng khoảng 15%.
Nhà đầu tư trên thị trường tài chính cũng có những phản ứng. Ngân hàng Goldman Sachs đã có nghiên cứu và theo dõi giá cổ phiếu của những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ liên quan đến việc người tiêu dùng ở nhà, ví như dịch vụ thương mại điện tử.
Kết quả cho thấy cổ phiếu của những doanh nghiệp này tăng đáng kể khi có quy định phong tỏa được áp dụng, còn sau khi quy định phong tỏa được loại bỏ, cổ phiếu của nhiều loại hình doanh nghiệp khác ví như hàng không tăng chóng mặt. Ngay cả đến hiện tại, thị trường dường như vẫn có lợi cho những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ liên quan đến việc người dân ở nhà.
Vậy tại sao thói quen của người dân vẫn không thay đổi như vậy? Theo lý giải của nhiều chuyên gia kinh tế, không thể loại trừ khả năng nhiều người vẫn đồn đại nhau về rủi ro lây nhiễm. Trong thế giới các nước giàu, nhiều người không còn sử dụng phương tiện công cộng nữa mà lựa chọn sử dụng xe cá nhân.
Tại Anh, tỷ lệ sử dụng ô tô hiện giờ cao tương đương trước dịch nhưng tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng giảm. Nhiều người vẫn ưa chuộng các dịch vụ có độ riêng tư cao. Tại Mỹ, chi tiêu vào dịch vụ làm tóc và chăm sóc sắc đẹp cá nhân thấp hơn 20% so với trước COVID-19 còn chi tiêu vào mỹ phẩm, nước hoa cũng như làm móng tăng khoảng 25%.
Sau đại dịch COVID-19, cách thức làm việc của người dân cũng thay đổi chóng mặt. Tại các nước giàu, người lao động giờ đây làm việc ít nhất một ngày trong tuần ở nhà, theo tính toán của tổ chức Cevat Giray Aksoy. Như vậy, nhu cầu sử dụng dịch vụ tại văn phòng vì vậy cũng giảm theo, đi kèm với đó là dịch vụ ăn trưa. Trong năm ngoái, mức chi tiêu của người Ý với các đồ gia dụng cao hơn đến 34% so với năm 2019.
Cuối cùng, quan niệm về giá trị cuộc sống của người dân cũng thay đổi. Đại dịch COVID-19 có thể đã khiến cho nhiều người trở nên tiết kiệm hơn. Theo số liệu chính thức được công bố tại Mỹ, thời gian ngủ của người Mỹ năm 2023 thấp hơn trung bình 11 phút so với năm 2019.
Đồng thời, mức chi tiêu của họ vào những câu lạc bộ cần đến thẻ thành viên hoặc nhiều loại hình hoạt động xã hội khác đồng thời giảm. Tỷ lệ tìm kiếm trên toàn cầu với từ khóa về trò chơi đánh bài tại nhà tăng đột biến lên gấp đôi so với trước đại dịch COVID-19.