Nhìn ra thế giới

Nhóm chủ nợ cân nhắc đàm phán tái cơ cấu nợ để tránh nguy cơ vỡ nợ của Country Garden

L.N 30/10/2023 10:26

Ngân hàng và nhà đầu tư đã cân nhắc thành lập nhóm để đàm phán tái cơ cấu nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc là Country Garden.

country-garden.jpg
Trụ sở tập đoàn Country Garden Holdings (Nguồn ảnh: AFP)

Thông tin từ Bloomberg mới đây cho biết, Citicorp International Ltd. - bên được ủy thác và đại diện cho những người nắm giữ trái phiếu bằng USD của Country Garden đã gửi một thông báo về việc Country Garden chưa thanh toán 15,4 triệu USD tiền lãi trái phiếu khi giai đoạn ân hạn 30 ngày kết thúc vào ngày 17/10. Điều này được cho là Country Garden đã vỡ nợ trái phiếu USD, càng cho thấy tình trạng khủng hoảng thanh khoản của tập đoàn này trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ bất động sản đang làm rung chuyển nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nếu Country Garden chính thức vỡ nợ, các nhà đầu tư có thể nhận được khoản thanh toán trên các hợp đồng hoán đổi nợ xấu (CDS).

CDS là một công cụ phái sinh cho phép nhà đầu tư hoán đổi rủi ro tín dụng của họ với rủi ro tín dụng của nhà đầu tư khác, tương tự một sản phẩm bảo hiểm bảo vệ người mua khỏi những tổn thất phát sinh từ việc công ty hoặc chính phủ không trả được nợ.

Ủy ban xác định các sản phẩm phái sinh tín dụng Trung Quốc sẽ họp để thảo luận vào thứ Tư tới đây xem việc không thanh toán nổi lãi trái phiếu của Country Garden có kích hoạt các khoản thanh toán CDS hay không.

Theo quy định, bên được ủy thác trái phiếu sẽ phải tuyên bố về sự kiện vỡ nợ nếu những người nắm giữ ít nhất 25% nợ trái phiếu đang lưu hành yêu cầu điều đó. Theo Bloomberg, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các chủ nợ đã đưa ra yêu cầu đó.

Trước đó, hồi đầu tháng 10, Country Garden Holdings cũng đã đưa ra cảnh báo các nhà đầu tư về việc không đủ khả năng trả khoản tiền gốc trị giá 470 triệu HKD (60 triệu USD), dự báo trước việc tập đoàn này sẽ không thể đáp ứng tất cả các nghĩa vụ thanh toán ra nước ngoài, bao gồm cả trái phiếu bằng đồng đô la.

Với tổng nợ phải trả là 186 tỷ USD, Country Garden là một trong những tập đoàn bất động sản có số nợ lớn nhất thế giới và là biểu tượng cho cuộc khủng hoảng nợ bất động sản Trung Quốc. Cổ phiếu của tập đoàn tại Hồng Kông đã giảm 74% trong năm 2023 và vốn hóa thị trường đạt mức thấp kỷ lục 2,5 tỷ USD trong tháng 8. Doanh số bán theo hợp đồng trong tháng 9 đã giảm 81% so với cùng kỳ. Tập đoàn vẫn chưa chính thức vỡ nợ đối với bất kỳ trái phiếu nội địa nào và đã giành được sự chấp thuận của cổ đông vào tháng 9 để gia hạn thanh toán cho 9 chứng khoán trong nước, với tổng số tiền gốc là 14,7 tỷ Nhân dân tệ (2 tỷ USD). Nếu phải tái cấu trúc, Country Garden có thể là một trong những vụ tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử.

Gần đây, Country Garden cũng đã thuê các cố vấn tài chính và pháp lý để lập kế hoạch cũng như đánh giá tính thanh khoản của mình. Một số chủ nợ đã thảo luận với các cố vấn tài chính của mình trước khi tái cơ cấu nợ nước ngoài. Cuộc cải cách lộn xộn của Country Garden khiến tập đoàn này trở nên hỗn loạn hơn và gây ra mối đe dọa cho sự ổn định xã hội do số lượng dự án lớn và độ hiện diện dày đặc ở các thành phố nhỏ.

Trước tình thế đó, theo thông tin từ SCMP, nhóm ngân hàng và nhà đầu tư đã cân nhắc thành lập nhóm để đàm phán tái cơ cấu nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của Country Garden. Nó cũng có tác động rộng hơn đối với những người nắm giữ trái phiếu bằng đô la của tập đoàn này.

Dù doanh số bán nhà lao dốc, Country Garden gần đây vẫn có hơn 3.000 dự án trên khắp Trung Quốc, chủ yếu ở các thành phố nhỏ, và khoảng 60.000-70.000 nhân viên. Với số lượng dự án lớn như vậy, vụ vỡ nợ của công ty này được cho là có thể dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với vụ vỡ nợ hồi năm 2021 của Evergrande. So với Evergrande, Country Garden có số lượng dự án lớn gấp vài lần.

Được lãnh đạo bởi một trong những nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc - bà Dương Huệ Nghiên, Country Garden có quy mô khổng lồ và tầm quan trọng lớn đối với nền kinh tế nước này. Vụ việc xảy ra đúng lúc chính quyền Trung Quốc đang tăng cường hỗ trợ tăng trưởng, phát hành thêm nợ chính phủ để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách và thậm chí thực hiện chuyến thăm chưa từng có tới ngân hàng trung ương.

Trong những tháng gần đây, các nhà chức trách đã thực hiện một số bước nhằm điều chỉnh chính sách bao gồm việc nới lỏng các yêu cầu trả trước đối với nhà và cắt giảm một số lãi suất thế chấp. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để xoay chuyển tình thế, đầu tư bất động sản đã giảm 9,1% trong 9 tháng năm 2023.

Các nhà phân tích cho rằng có thể phải mất nhiều năm nữa bất động sản Trung Quốc mới thoát khỏi tình trạng suy thoái vì nhu cầu nhà ở đang suy yếu trong khi dân số già đi.

L.N