Chính sách mới

Sửa quy định hướng dẫn mua, bán vàng miếng

T.H 01/11/2023 08:53

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư 12/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 06/2013/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN. Thông tư có hiệu lực từ 27/11/2023.

vang-19-16556039541802076372169.jpg
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư 12/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 06/2013/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng. Nguồn: Internet

Theo đó, tại Điều 2 Thông tư 12/2023/TT-NHNN (Thông tư 12) sửa đổi, bổ sung, thay thế một số cụm từ, điểm, khoản điều của Thông tư số 06/2013/TT-NHNN ngày 12/3/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cụ thể, Thông tư 12 sửa đổi, bổ sung Điều 14 quy định về thông báo kết quả giao dịch mua, bán vàng miếng, như sau: Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thông báo bằng văn bản cho Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Tài chính - Kế toán, Sở Giao dịch và Cục Phát hành và Kho quỹ về kết quả giao dịch mua, bán vàng miếng với từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp sau khi ký xác nhận giao dịch.

Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1, Điều 15 như sau: Vào cuối ngày ký xác nhận giao dịch và cuối ngày làm việc liền kề tiếp theo ngày ký xác nhận giao dịch, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước lập danh sách các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã thanh toán đầy đủ tiền mua vàng miếng trong ngày và thông báo bằng văn bản cho Vụ Tài chính - Kế toán, Cục Phát hành và Kho quỹ để thực hiện thủ tục giao vàng miếng cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp theo quy định tại điểm c Khoản này.

Cùng với đó, điểm b khoản 2, Điều 15 cũng được sửa đổi, bổ sung: Ngay sau khi kết thúc việc giao, nhận vàng miếng, Cục Phát hành và Kho quỹ thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước và Sở Giao dịch để thực hiện thanh toán tiền cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.

Về trách nhiệm của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (Điều 20) quy định: Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước làm đầu mối phối hợp với Vụ Quản lý ngoại hối trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định tạm ngừng giao dịch, hủy quan hệ mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp theo quy định tại Điều 5 Thông tư này; thông báo cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc tạm ngừng giao dịch, hủy quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng; đầu mối, phối hợp với Sở Giao dịch thực hiện nghiệp vụ thanh toán mua, bán vàng miếng; thông báo bằng văn bản cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp về việc không hoàn trả tiền đặt cọc; thông báo và cập nhật cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Quản lý ngoại hối về danh sách tổ chức tín dụng, doanh nghiệp thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước; phối hợp với Vụ Quản lý Ngoại hối và Vụ Chính sách tiền tệ xây dựng phương án mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước; phối hợp với Vụ Quản lý Ngoại hối xác định giá mua, giá bán vàng miếng (đối với trường hợp mua bán trực tiếp và đấu thầu theo khối lượng), giá sàn, giá trần (đối với trường hợp đấu thầu theo giá) theo phương án mua bán đã được phê duyệt; thông báo bằng văn bản cho Sở Giao dịch về việc tổ chức tín dụng, doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 13 Thông tư này để làm căn cứ xử lý tiền đặt cọc theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.

Ngoài những sửa đổi, bổ sung trên, Thông tư 12 cũng sửa đổi một số điều, khoản khác tại Thông tư số 06/2013/TT-NHNN, như: Trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Điều 25); trách nhiệm của Sở Giao dịch (Điều 25a); thay thế cụm từ “Sở Giao dịch” bằng cụm từ “Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước” tại khoản 2 Điều 12, khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 15, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Phụ lục 1, 2 và 3 ban hành kèm theo Thông tư số 26/2021/TT-NHNN….

Được biết, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24), thị trường vàng trong nước tồn tại nhiều bất cập, chênh cao so với thế giới. Từ thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24 trình Chính phủ và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra trên cả nước để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền, yêu cầu khắc phục tồn tại phát hiện sau kiểm tra, thanh tra.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bên có liên quan để nghiên cứu và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp trong quá trình xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24.

T.H