WB cảnh báo về kịch bản giá dầu có thể lên gần 160 USD/thùng
Giá dầu có thể sớm tăng lên ngưỡng cao kỷ lục trong trường hợp căng thẳng địa chính trị giữa Israel và Hamas leo thang, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo.
Nếu xung đột lan ra ngoài khu vực biên giới dải Gaza và khiến cho quy định cấm xuất khẩu dầu được tái áp dụng như năm 1973, giá dầu sẽ có thể lên mức 157 USD/thùng, WB cảnh báo trong Báo cáo Triển vọng Thị trường Hàng hóa được công bố mới đây (CMO).
Lần gần nhất giá dầu chạm mức cao là vào tháng 7/2008 khi mà giá dầu Brent lên ngưỡng khoảng 147,5 USD/thùng, theo số liệu của LSEG.
Trong kịch bản nguồn cung dầu bị gián đoạn nặng nề giống như thời kỳ năm 1973, đó là khi nguồn cung dầu hàng ngày sụt giảm ước tính khoảng từ 6 đến 8 triệu thùng dầu, giá dầu thế giới có thể tăng từ 56% cho đến 75% tức khoảng lên mức từ 140 USD đến 157 USD/thùng, báo cáo của WB phân tích.
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ 50 năm trước đây đã đẩy giá dầu tăng gấp 4 lần sau khi các bộ trưởng năng lượng nhóm nước Ảrập áp dụng quy định cấm xuất khẩu dầu sang Mỹ bởi vì nước này đã ủng hộ Israel trong cuộc chiến Ảrập – Israel mà phía Israel gọi là cuộc chiến Yom Kippur.
WB trong dự báo mới đây đã đưa ra 3 kịch bản rủi ro đánh giá về những mức độ gián đoạn nguồn cung dầu thế giới dựa trên các số liệu từ quá khứ của các đợt xung đột khu vực.
Trong trường hợp chỉ gián đoạn nhẹ, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ sụt giảm ước tính khoảng 500.000 thùng – 2 triệu thùng dầu/ngày, tương đương với thời kỳ nội chiến năm 2011 của Libya.
Kịch bản gián đoạn ở ngưỡng trung bình sẽ khiến cho nguồn cung dầu toàn cầu sụt giảm ước tính từ 3 - 5 triệu thùng dầu/ngày lên ngưỡng từ 109 - 121 USD/thùng, tương đương với mốc trong thời kỳ cuộc chiến Iraq năm 2003.
Còn theo dự báo cơ bản của WB, giá dầu nhiều khả năng sẽ trung bình ở mức khoảng 90 USD/thùng trong quý hiện tại và rồi sau đó rơi xuống ngưỡng trung bình khoảng 81 USD/thùng trong năm 2024 khi mà tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại. Ảnh hưởng của cuộc xung đột này lên các thị trường hàng hóa sẽ được hạn chế nếu xung đột không leo thang hơn, báo cáo của WB nhấn mạnh.
“Xung đột mới đây nhất tại Trung Đông diễn ra sau khi thị trường hàng hóa đã chứng kiến cú sốc lớn nhất tính từ thập niên 1970”, chuyên gia kinh tế trưởng tại WB – ông Indermit Gill nói.
Ông Gill cảnh báo nếu xung đột này vẫn tiếp diễn, kinh tế toàn càu sẽ vẫn đương đầu với cú sốc kép lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, không chỉ xung đột tại Ukraine mà còn tại Trung Đông, chuyên gia kinh tế trưởng WB cảnh báo.
Theo New York Times, Mỹ và châu Âu đã không ngừng cố gắng để ngăn giá dầu toàn cầu tăng mạnh kể từ khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang. Chính phủ các nước phương Tây đã đưa ra biện pháp áp giá trần với sản phẩm năng lượng của Nga xuất khẩu, động thái này nhắm đến việc hạn chế nguồn cung dầu của Nga cùng lúc đó đảm bảo nguồn cung vẫn ở mức đầy đủ.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã sử dụng dự trữ xăng dầu chiến lược quốc gia nhằm hạ nhiệt áp lực của giá dầu cao. Một quan chức chính quyền cao cấp trong tuần trước nói với New York Times rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có thể cấp phép cho đợt xả dầu mới từ kho dự trữ. Hiện tại dự trữ này đang ở gần khu vực vịnh Mexico.
Trước đây, các quan chức thuộc chính quyền Biden đã công khai bác bỏ những lo lắng về ảnh hưởng kinh tế từ xung đột, họ nói rằng hiện vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định về tác động. Trong một sự kiện vào tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng cho đến nay giá dầu nhìn chung đã đi ngang, bà chưa thấy dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa Israel – Hamas gây ra nhiều hậu quả kinh tế lên toàn cầu.
“Điều gì có thể xảy ra nếu cuộc chiến ngày một căng thẳng hơn. Tất nhiên sẽ có nhiều hậu quả tệ hại”, bà Yellen nói.