Chứng khoán

Áp lực giải chấp được hấp thụ một phần, VN-Index có phiên hồi phục 11,5 điểm

Mai Hương 01/11/2023 - 16:34

Dòng tiền đón nguồn cung từ giải chấp và cắt lỗ khá chủ động cuối phiên giao dịch giúp VN-Index đóng cửa khởi sắc hơn so với các phiên vừa qua. Tuy nhiên, thanh khoản chưa phục hồi mạnh khi vẫn ở ngay dưới mức bình quân 20 phiên.

Định vị thị trường

Thị trường Việt Nam đã có tháng 10/2023 thiệt hại sâu hơn phần lớn các thị trường thế giới. VN-Index cần những nỗ lực để ổn định lại tâm lý nhà đầu tư trong nước. Diễn biến của chứng khoán thế giới cũng đang "dễ thở" hơn tạo điều kiện cho kịch bản này xảy ra.

Chỉ số VIX, đo lường sự sợ hãi trên thị trường Mỹ tiếp tục được hạ nhiệt trước cuộc họp của FED, giảm xuống còn 18 điểm. Cả 3 chỉ số chứng khoán Mỹ đêm qua cũng đều tăng điểm nhẹ: DJIA (+0,38%), NASDAQ (+0,48%), S&P 500 (+0,65%).

Tại châu Á, nhà đầu tư cũng chứng kiến sự hồi phục đồng đều hơn. NIKKEI 225 (+2,41%) lãnh xướng vai trò tiên phong trong khi KOSPI (+1,03%), TWSE (+0,23%), STI (+0,38%) đều tăng điểm.

VN-Index đã phải khá vất vả mới có được nhịp bật lên cuối phiên giao dịch và hòa nhập cùng với diễn biến khu vực.

Chất xúc tác

Thông tin kém tích cực được đưa ra ngay từ đầu phiên sáng khi chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 10/2023, khi giảm về mức 49,6 điểm so với 49,7 điểm của tháng 9. Kết quả này cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất suy giảm tháng thứ hai liên tiếp và cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế trong quý IV/2023 và có thể sang cả đầu năm 2024.

Trong khi đó, tỷ giá trong nước chủ yếu vận động trong biên độ hẹp. So với phiên hôm qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 2 đồng lên 24.089 VND/USD.

Kênh liên ngân hàng đã có phản ứng với hoạt động hút ròng trở lại của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Ở kỳ hạn qua đêm, lãi suất đã tăng 32 điểm cơ bản lên 1,17%.

Trong phiên hôm qua, có 11.950 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 1,50% và 10.000 tỷ đồng đáo hạn trong phiên 30/10. NHNN tiếp tục hút ròng 1.950 tỷ đồng từ thị trường, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 208.399 tỷ đồng.

khoingoaij111a.png

Trong khi đó, cường độ của đợt bán ra của khối ngoại tại VHM vẫn chưa chấm dứt. Đã có 683 tỷ đồng bị rút khỏi VHM trong khi chiều mua các cổ phiếu khác chưa đủ tuổi mạnh để đảo ngược cán cân giao dịch. Sau phiên mua ròng hơn 300 tỷ đồng trên HOSE, khối ngoại quay lại bán ròng 78 tỷ đồng.

Vận động thị trường

Tỷ trọng tham gia của nhà đầu tư trong nước là 86% và không hề dễ dàng để nhóm này có thể mạnh dạn giải ngân bắt đáy khi thị trường đã liên tục gây thất vọng.

Phiên sáng nay và phần nào đó trong phiên chiều, lực mua vẫn có phần bị lấn lướt. Chỉ từ sau 14h, các nỗ lực mua lên mới cải thiện hơn.

Tín hiệu được nhà đầu tư tham khảo là sự vận động của VN30 với sức rướn mạnh hơn của các cổ phiếu lớn như HPG (+4,1%), VNM (+3,5%), FPT (+2,9%), SHB (+2,5%), SSI (+5,5%), GVR (+2,4%).

Cùng với đó là nỗ lực cân bằng của tiền nội tại VHM trước động thái hedging của quỹ ngoại. Từ mức giảm gần 6%, VHM đã thu hẹp biên độ cuối phiên xuống còn -1,4%. Số lượng mã tăng trong VN30 chiếm 22/30 và chỉ có duy nhất trường hợp giảm sàn là MWG.

Nhờ sự hồi phục từ VN30, các cổ phiếu Midcap và Penny đã phản ứng nhanh để giúp cho sắc xanh lan rộng trên thị trường. Các mã tăng trên 4% xuất hiện đồng loạt như HHV (+6,3%), GEX (+4,34%), VCI (+6,75%), VIX (+6,22%), PVT (+4,78%), DGW (+4,16%), FTS (+4,94%), HSG (+4,12%), ANV (+5,7%), CII (+4,68%), PVD (+4,88%)… Một số còn tăng trần như ORS, CTS, AGR, VOS.

Tuy nhiên, thị trường vẫn có sự hạn chế về thanh khoản khi khớp lệnh vẫn ở dưới mức bình quân 20 phiên. Tổng khối lượng giao dịch đạt 679 triệu đơn vị, tương đương 13.064 tỷ đồng.

vnindex111aa.jpg

Dòng tiền bắt đáy có thể đã tham gia nhưng với tâm lý không vội vã bởi thực tế trong chuỗi giảm điểm từ ngày 16/10 cho đến trước phiên hôm nay vẫn xen kẽ 3 phiên hồi phục.

Ngoài ra, việc hồi phục quá nhanh có thể kích hoạt sớm hành động lướt sóng của một bộ phận nhà đầu tư đã mua vào trong phiên hôm nay và hôm qua.

Dù sao, phản ứng hồi phục không chỉ ở HOSE mà cả 2 sàn còn lại cũng đang giúp cho các vị thế có được sự lựa chọn hợp lý. HNX-Index và UPCoM-Index chốt phiên đều tăng khá tốt, lần lượt là +1,62% và +0,95%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Mai Hương