Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Khó khăn nội tại của nền kinh tế chưa thể xử lý trong thời gian ngắn
Năm 2023 tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức vì kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Trong nước, những khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng chưa thể xử lý trong một thời gian ngắn, tạo áp lực đối với điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN).
Đó là nhận định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại phiên thảo luận đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 diễn ra sáng ngày 1/11.
Chính sách tài khóa cần đồng bộ với chính sách tiền tệ
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, mặc dù kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn khá mong manh.
Do vậy, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Chính phủ, bộ ngành và địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể, bao gồm:
Thứ nhất, về gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa là trọng tâm với cơ chế đặc thù.
Thứ hai, chính sách thuế đối với doanh thu thuế thu nhập doanh nghiệp của một số lĩnh vực xuất khẩu, cần hoàn thuế VAT để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp thông qua việc thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực.
Thứ ba, xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu để có gói ứng tín dụng ưu đãi. Tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm chi phí, hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp không ban hành thêm văn bản gây nặng nề về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.
Thứ tư, Chính phủ cần chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn, trong đó điện là loại năng lượng quan trọng không thể thiếu trong sản xuất và tiêu dùng. Chính phủ, Bộ Công Thương cần dự báo nhu cầu, xây dựng kế hoạch, nhanh chóng thực thi các giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thậm chí, cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành chế tài quy định ngành điện phải bồi thường cho doanh nghiệp khi bị cắt điện, gây thiệt hại cho sản xuất.
Thứ năm, khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu, từ đó sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào tiềm năng phục hồi và sự phục hồi của nền kinh tế. Cụ thể, thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua, giảm giá hàng hóa tiêu dùng, giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế nhập doanh nghiệp, tăng cho vay tiêu dùng đồng thời giãn khoanh nợ, tăng hỗ trợ an sinh xã hội, đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo.
Thứ sáu, thực hiện các giải pháp kích cầu đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn. Đồng thời, khẩn trương nâng cao năng lực của nhà đầu tư, nhà thi công xây lắp.
Chỉ ra những thách thức trong phát triển kinh tế thời gian tới như tổng cầu thấp, tín dụng cho nền kinh tế khó đạt được kế hoạch đề ra, áp lực lên tỷ giá, lạm phát, lãi suất cao, khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm, đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển có dư địa trong bội chi, trong đó chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chỉ giải ngân được rất ít, còn dư nhiều. Khẳng định việc Chính phủ đề xuất kết thúc chính sách này trong thời gian tới là quyết định hợp lý, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng cần vận dụng cơ chế này cho 2 năm còn lại, sử dụng dư địa bội chi trong giai đoạn 2021 – 2025 để dành nguồn lực đầu tư cho các dự án cấp bách như y tế, giáo dục, các dự án giao thông quan trọng, để tăng trần đầu tư công cho giai đoạn mới.
Về điều chỉnh chính sách tài khóa nới rộng, đại biểu Trần Anh Tuấn cho biết, các doanh nghiệp còn gặp lúng túng trong việc áp thuế, không biết các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình có trong diện được giảm thuế hay không. Do đó, để kích cầu nền kinh tế, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, nên giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng trong nền kinh tế thay vì chỉ giảm cho một số mặt hàng nhất định.
Nhu cầu đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào vốn tín dụng của ngân hàng
Làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ, điều chỉnh công tác chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, Thống đốc cũng giải trình vấn đề quan trọng, được nhiều đại biểu nêu tại phiên họp.
Về tổng quan điều hành công tác chính sách tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, năm 2023 tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức vì kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, hết khó khăn này lại đến khó khăn khác. Trong nước, những khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng chưa thể xử lý trong một thời gian ngắn, tạo áp lực đối với điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Đặc biệt khi chính sách tiền tệ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ như: Kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Trong mọi tình huống, trước bối cảnh khó khăn và nhiệm vụ nêu trên, NHNN đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bám sát diễn biến tình hình để chủ động tâm thế ứng phó linh hoạt, thực hiện đồng bộ các giải pháp và công cụ chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý để đóng góp chung vào thành công chung của nền kinh tế.
Về điều hành tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tiếp cận tín dụng là vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều nhất không chỉ ở một kỳ họp Quốc hội mà ở nhiều kỳ họp. Bởi, nội tại của nền kinh tế, nhu cầu đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào vốn tín dụng của ngân hàng và dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam thuộc mức cao trong các nước cao nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo vấn đề này, do vậy đây là vấn đề luôn được quan tâm trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
NHNN đã có nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ cả bên cung vốn tín dụng và bên cầu vốn tín dụng. Đối với bên cung tín dụng, ngay từ đầu năm 2023, NHNN đã đưa ra chỉ tiêu, định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% và đến gần giữa năm đã phân bổ và thông báo cho tất cả các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống với chỉ tiêu khoảng 14%.
NHNN cũng đã điều hành linh hoạt hỗ trợ thanh khoản của hệ thống để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thúc đẩy tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế.
Đối với chính sách bên cầu, mặc dù lãi suất thế giới tăng cao nhưng NHNN cũng mạnh dạn điều chỉnh 4 lần giảm lãi suất điều hành để định hướng đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Nếu tính cả những khoản dư nợ của các khoản cho vay cũ và vay mới đã giảm khoảng 1% so với năm 2022 và so với trước đại dịch COVID-19 đã bằng, thậm chí giảm hơn khoảng 0,3%.
NHNN cũng đã ban hành thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; cũng như chủ động đề xuất các cái gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay đối với nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân; gói tín dụng cho thủy sản 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản và thủy sản… góp phần thúc đẩy cầu tín dụng. Tổ chức nhiều hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tín dụng tại các cái địa phương.
Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng chậm (tăng 7,1% so với cuối năm ngoái). Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức rất nhiều hội nghị chuyên đề, phân tích nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp.
Chính phủ và NHNN cũng đã tổ chức rất nhiều hội nghị chuyên đề, phân tích nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp; thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản và đã nhận diện được khoảng 70% nguyên nhân dẫn đến những khó khăn đó là về pháp lý.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và NHNN đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như xúc tiến thương mại để tăng đơn hàng xuất khẩu và tăng cường khai thác cầu nội địa để doanh nghiệp có đầu ra, có dự án khả thi sẽ tiếp cận được tín dụng.