Đại biểu Quốc hội: Nhiều chính sách thuế lạc hậu, làm tăng nguy cơ gian lận, thất thu ngân sách
Quy trình tính thuế giá trị gia tăng (VAT) phức tạp, tốn kém, diễn ra ở nhiều khâu trung gian; thuế thu nhập cá nhân có nội dung đã lạc hậu cả chục năm; hoàn thuế có những ách tắc mang tính hệ thống...
Đó là nhận định của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025… diễn ra sáng ngày 2/11.
Nêu thực tế tại doanh nghiệp, đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết các doanh nghiệp còn gặp lúng túng trong việc áp thuế, không biết các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình có trong diện được giảm thuế hay không. Để kích cầu nền kinh tế, đại biểu cho rằng nên giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng trong nền kinh tế thay vì chỉ giảm cho một số mặt hàng nhất định.
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thực chất, ổn định lâu dài thông qua các giải pháp kích thích, tiêu thụ hàng hóa nội địa, các giải pháp về tài khóa như kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT, hỗ trợ giảm thuế suất, giảm thuế nhập khẩu, giảm các loại thuế, phí, lệ phí; khuyến khích xem xét sửa đổi cơ chế hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh thì đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục miễn, giảm thuế, phí trong thời gian tới với liều lượng cao hơn, đối tượng mở rộng hơn, cụ thể, việc giảm thuế VAT nên áp dụng cho tất cả các mặt hàng. Bên cạnh đó, cần rà soát các khoản chi trong Nghị quyết 43 để chuyển nguồn, chuyển đối tượng. Số tiền hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp thông qua ngân hàng thương mại, cần bổ sung vào quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp này có thể tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, không nên hạ chuẩn điều kiện cho vay.
Về chính sách thuế, đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng bên cạnh những thành công, thì về thu ngân sách, nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh như thuế VAT mặc dù số thu lớn nhưng số hoàn cũng lớn, quy trình phức tạp, tốn kém, diễn ra ở nhiều khâu trung gian; thu rồi khấu trừ, thu lại phải hoàn; chi phí cho thu, chi phí cho hoàn và kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu... Do đó, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cần xem xét giải quyết căn cơ vấn đề này vì quá trình đó có thể tăng nguy cơ, rủi ro sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách.
Điển hình như thuế thu nhập cá nhân hiện hành, với các quy định về khởi điểm thu nhập chịu thuế, phân chia bậc luỹ tiến, mức chiết trừ gia cảnh không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, giá cả lạm phát... có nội dung đã lạc hậu cả chục năm.
Thuế VAT được coi là sắc thuế tiên tiến, hiện đại song cũng có không ít vấn đề. Mặc dù số thu lớn, nhưng số hoàn cũng lớn. Năm 2022 thu 390 nghìn tỷ đồng, hoàn 150 nghìn tỷ đồng (38%); năm 2023 ước thu 365 nghìn tỷ đồng, hoàn 160 nghìn tỷ đồng (44%); năm 2024 dự toán thu 390 nghìn tỷ đồng, hoàn 171 nghìn tỷ đồng (43%).
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Văn Lâm về vấn đề hoàn thuế VAT, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nêu kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh. Theo các cử tri, thời gian qua, nổi lên vấn đề về ách tắc, tồn đọng hoàn thuế VAT khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng gửi đơn kiến nghị, kêu cứu. Đại biểu Hà cũng cho biết thêm, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã được giao thực hiện giám sát chuyên đề về vấn đề này.
Đồng tình cao với đánh giá và kiến nghị trong báo cáo của giám sát chuyên đề, đại biểu cho biết, báo cáo giám sát đã nêu rõ những ách tắc mang tính hệ thống trong khâu hoàn thuế đối với một số ngành hàng xuất khẩu xuất phát từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thuế có những điểm chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, thiếu tính khả thi, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.
Đại biểu lấy ví dụ, với nhóm mặt hàng ngành gỗ, Tổng cục Thuế hướng dẫn các cục thuế thực hiện rà soát xác minh qua các khâu mua hàng đến khâu thu mua là quá mức cần thiết, bởi theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế VAT chỉ phát sinh và phải nộp từ khâu chế biến có hóa đơn VAT. Việc yêu cầu xác minh ở nhiều khâu là không cần thiết, không có cơ sở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để giải quyết dứt điểm và hiệu quả tình trạng này, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo khẩn trương, rà soát, cải cách, tinh gọn các thủ tục hành chính. Bộ Tài chính cần chỉ đạo, rà soát, tháo gỡ vướng mắc từ các văn bản chuyên ngành, khẩn trương giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện hoàn trước, kiểm sau với các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín, có chất lượng, chấp nhận tính pháp lý của tờ khai hải quan. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phối hợp khẳng định có phải xác định nguồn gốc sản phẩm hay không, hồ sơ thủ tục hướng dẫn như thế nào để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Liên quan đến việc hoàn thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đã hoàn được 92%, chỉ còn 14.857 hồ sơ và đang giải quyết 534 hồ sơ, với 9.154 tỷ đồng. Điều kiện hoàn thuế là phải có hóa đơn VAT, có chứng từ chuyển tiền; đối với các công ty xuất nhập khẩu thì có thêm chứng từ chuyển tiền hợp đồng để chuyển tiền hàng hóa và tờ khai hải quan.
Trong khi đó, một số vướng mắc qua xác minh ở nước ngoài, cơ quan thuế của nước ngoài thông báo không tồn tại doanh nghiệp này, có nghĩa là hợp đồng bị vô hiệu, mà hợp đồng vô hiệu thì không hoàn được. “Những việc này là bài học rất đau xót”, ông Phớc nêu.
Theo ông, có trường hợp, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh có 18 người lĩnh án tù, kể cả cục phó cũng nhận mức án tù 4 năm mà "không lấy đồng nào hết, chỉ làm sai thôi". "Nếu trong luật thuế nói hoàn thuế mà chỉ xác minh người bán cuối cùng, cán bộ thuế không vi phạm thì chúng tôi thực hiện ngay...”, ông Hồ Đức Phớc nói.
Về giảm 2% thuế VAT, Bộ trưởng cho biết sẽ thực hiện theo đúng Nghị quyết 43, trong đó có một số ngành nghề không được giảm, như kinh doanh tài chính, viễn thông, chứng khoán, ngân hàng…Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, nếu giảm nhiều quá cũng gây áp lực lên ngân sách.