Các ngân hàng trung ương duy trì tốc độ mua vàng ở mức kỷ lục
Báo cáo Xu hướng Nhu cầu Vàng của Hội đồng Vàng Thế giới quý III/2023 vừa công bố cho thấy các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì tốc độ mua vàng ở mức kỷ lục, đưa nhu cầu vàng toàn cầu trong quý III (không bao gồm thị trường OTC) chạm mức 1.147 tấn, vượt 8% so với trung bình trong 5 năm.
Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới ghi nhận đây là quý có sức mua ròng nhiều thứ ba của ngân hàng trung ương, đạt 337 tấn. Mặc dù chưa phá được kỷ lục cùng kỳ của năm 2022 nhưng nhu cầu tính từ đầu năm đã đạt 800 tấn, thiết lập kỷ lục mới. Dự kiến sức mua mạnh mẽ này của ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian từ nay tới cuối năm, cho thấy tổng nhu cầu trong năm 2023 sẽ tăng mạnh trở lại.
Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng vàng giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 11,9 tấn trong quý III/2023 so với 12,0 tấn trong quý III/2022. Sự suy giảm này chủ yếu do nhu cầu trang sức trong nước giảm 14% so với cùng kỳ, từ 3,5 tấn trong quý III/2022 xuống còn 3,0 tấn trong quý III/2023, tuy nhiên, được bù đắp bởi sự tăng trưởng nhu cầu mua vàng thỏi và xu vàng, với mức chênh lệch 4% so với cùng kỳ, từ 8,5 tấn trong quý III/2022 lên 8,8 tấn trong quý III/2023.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Trung Quốc) kiêm Giám đốc Toàn cầu về ngân hàng trung ương tại Hội đồng Vàng Thế giới, cho biết: "Nhu cầu trang sức ở Việt Nam trong quý III đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2021. Lạm phát cao cùng mức độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn kỳ vọng đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã tận dụng mức điều chỉnh giá trong tháng 8 như mức khởi điểm an toàn để đầu tư chiến lược vào vàng thỏi và xu vàng như một nơi kênh tích sản."
Trên toàn thế giới, nhu cầu đầu tư vàng trong quý đạt 157 tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với trung bình trong 5 năm gần đây. Tại thị trường châu Âu, nhu cầu mua vàng thỏi và xu vàng trong quý III giảm, tuy nhiên vẫn đạt 296 tấn, cao hơn so với quý trước và đáng chú ý vượt trội so với trung bình 5 năm.
Trong khi đó, quỹ đầu tư ETF vàng tiếp tục ghi nhận sự rút ròng trong quý III, chủ yếu do nhận định của các nhà đầu tư cho rằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư tại thị trường OTC vẫn duy trì mạnh mẽ, đạt 120 tấn trong quý, được thúc đẩy nhờ nhu cầu từ các nhà đầu tư có giá trị tài sản ròng cao tại Thổ Nhĩ Kỳ và một số hoạt động tích trữ vàng tại các thị trường khác.
Nhu cầu về trang sức vẫn khá ổn định bất chấp việc giá vàng tăng cao, tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ trang sức toàn cầu ghi nhận sự sụt giảm nhẹ, chênh lệch 2% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 516 tấn do áp lực chi phí sinh hoạt đặt lên người tiêu dùng ở nhiều thị trường trên thế giới.
Tổng cung vàng toàn cầu tăng 6% so với cùng kỳ quý III, với sản lượng mỏ đạt mức kỷ lục trong năm, tính đến thời điểm hiện tại là 2,744 tấn. Việc giá vàng tăng liên tục đã thúc đẩy hoạt động tái chế, với khối lượng lên đến 289 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Louise Street, Chuyên gia nghiên cứu thị trường cấp cao của Hội đồng Vàng Thế giới nhận định: “Nhu cầu vàng đã và đang ổn định trong suốt cả năm qua, với lợi suất tốt trước áp lực từ lãi suất cao và đồng đô la Mỹ mạnh. Báo cáo của chúng tôi cho thấy nhu cầu của thị trường vàng trong quý này vẫn ổn định khi so sánh với con số trung bình trong 5 năm gần đây. Trong tương lai, với căng thẳng địa chính trị gia tăng và dự báo về việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng mạnh mẽ, nhu cầu vàng có thể vượt trên mong đợi.”