Hiệp hội Ngân hàng họp về vướng mắc thu thuế GTGT đối với hoạt động thư tín dụng
Tại cuộc họp nắm bắt các vướng mắc thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động thư tín dụng (L/C) do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức sáng ngày 3/11, một số tổ chức tín dụng cho biết, ngay sau khi có Văn bản số 324/TB-VPCP, cơ quan thuế tại một số địa phương đã yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo và nộp thuế, dù chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể từ Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế. Điều này đã và đang gây hoang mang, lo lắng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc thực thi các chính sách của nhà nước.
Ngày 3/11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức cuộc họp với các tổ chức hội viên về vướng mắc liên quan đến thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động thư tín dụng (L/C).
Tham dự cuộc họp có đại diện: Vụ Pháp chế và Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước; cùng một số tổ chức tín dụng là hội viên Hiệp hội Ngân hàng; Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng; nhóm công tác ngân hàng nước ngoài…
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngày 12/8/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 324/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về thuế GTGT đối với hoạt động L/C, trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế căn cứ quy định Luật thuế GTGT, Luật Các TCTD năm 2010 và pháp luật liên quan thực hiện thu thuế GTGT đối với hoạt động L/C theo đúng quy định….
Văn bản số 324/TB-VPCP cũng nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định về L/C tại Luật các TCTD (sửa đổi) đảm bảo rõ ràng, đúng bản chất của L/C, thực hiện ổn định, tránh phát sinh vướng mắc.
Khẳng định đây là việc hết sức cấp bách, trong bối cảnh ngành Ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đề nghị các đại biểu tham dự cuộc họp tham gia đóng góp ý kiến để cùng trao đổi và nắm rõ các vướng mắc, trên cơ sở đó, thống nhất kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ.
Thực tế cho thấy, ngay sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục nhận được văn bản của một số tổ chức hội viên phản ánh vướng mắc và kiến nghị về thu thuế GTGT đối với hoạt động L/C.
Tại cuộc họp, các TCTD cũng nêu cụ thể một số khó khăn vướng mắc, có thể kể đến như:
Thuế GTGT là thuế gián thu, trường hợp phải nộp bổ sung thuế GTGT đối với toàn bộ dịch vụ L/C đã phát sinh thì TCTD phải thu lại từ khách hàng. Tuy nhiên việc thực hiện rất khó khăn, không khả thi do biểu phí ngân hàng từ năm 2011 đến nay đã niêm yết các mục phí liên quan đến L/C (phí phát hành, sửa đổi, phí xử lý và thanh toán, phí ký hậu, chấp nhận thanh toán L/C) là các mục phí không chịu thuế GTGT. Ngân hàng không có cơ sở để trao đổi và yêu cầu khách hàng nộp bổ sung thuế GTGT cho các khoản phí này do không niêm yết…
Các TCTD cho biết, việc thực hiện các chỉ đạo tại Văn bản số 324/TB-VPCP sẽ rất khó khăn và mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như nguồn lực cho việc rà soát, sao kê, bóc tách, tính toán và tổng hợp số liệu với nguồn dữ liệu rất lớn từ năm 2011 đến nay…
Qua phát biểu, một số TCTD cũng nêu lên một thực trạng, đó là: Sau khi có Văn bản số 324/TB-VPCP, cơ quan thuế tại một số địa phương đã yêu cầu các TCTD báo cáo và nộp thuế, dù chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể từ Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế. Điều này đã và đang gây hoang mang, lo lắng cho các TCTD trong việc thực thi các chính sách của nhà nước.
Trước những khó khăn trên, các TCTD cho rằng, trong bối cảnh kinh tế xã hội khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, kết luận cuộc họp, liên tục chỉ đạo về việc nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế… và cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, các thủ tục không cần thiết để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Việc truy thu thuế GTGT đối với L/C sẽ tăng thêm thủ tục, gánh nặng cho doanh nghiệp, cho TCTD trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Do đó, các TCTD mong muốn Chính phủ xem xét miễn nộp phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp thuế GTGT đối với hoạt động L/C. Về thu thuế GTGT đối với hoạt động L/C, các TCTD kiến nghị điều chỉnh nộp ngay trong năm 2023 và tập trung vào trụ sở chính; đồng thời, cần bóc tách theo từng nghiệp vụ của L/C để phân biệt nghiệp vụ tín dụng và nghiệp vụ của dịch vụ, chỉ thu khoản nào là L/C của tín dụng.
Các TCTD cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có văn bản hướng dẫn cụ thể khi xác định nghiệp vụ nào là tín dụng, nghiệp vụ nào là dịch vụ trong hoạt động L/C.
Đồng ý với ý kiến của các TCTD đã đưa ra, đại diện Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, cần bám vào quy định tới đây để bóc tách theo từng nghiệp vụ của L/C là tín dụng hay dịch vụ. Đại diện Vụ Pháp chế cũng đề nghị các TCTD tập trung các cơ sở pháp lý để đề xuất/kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính về việc không áp dụng phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp.
Trước ý kiến của một số TCTD về việc cơ quan thuế địa phương đã yêu cầu báo cáo và nộp thuế theo văn bản mới, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế địa phương không vì chỉ tiêu thu ngân sách địa phương chưa đạt kế hoạch năm mà yêu cầu các TCTD phải nộp thuế ngay trong năm 2023. Đồng thời, sẽ kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính… những khó khăn vướng mắc trong việc truy thu thuế GTGT từ năm 2010 đến nay, để có giải pháp tháo gỡ phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật.