Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân
Ngày 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong tình mới.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá những kết quả đạt được, nhất là những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, làm rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để có những giải pháp căn cơ, quyết liệt và khả thi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Công an đã chuẩn bị tốt nội dung, chương trình Hội nghị; báo cáo đã thẳng thắn đánh giá toàn diện về tình hình, kết quả, hạn chế, tồn tại, khó khăn, chỉ ra nguyên nhân, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, góp nhiều ý kiến, qua đó chúng ta thấy được bức tranh toàn cảnh về công tác này.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện và trình ban hành kết luận của Thủ tướng Chính phủ sau Hội nghị.
Thủ tướng chỉ rõ các quan điểm chỉ đạo trong công tác này. Theo đó, Đại hội XIII của Đảng xác định: "Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân". Cần tiếp tục nhận thức sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về PCCC, trong có Chỉ thị 47-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Luôn xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển KTXH, để có chủ trương, chính sách đúng, kịp thời, phù hợp. Phải đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách tổ chức thực hiện, công tác PCCC phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, chú trọng huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn dân, xác định người dân, doanh nghiệp là mục tiêu, là trung tâm, là chủ thể, là động lực, là nguồn lực trong PCCC và cứu nạn, cứu hộ, mục tiêu cuối cùng là hạnh phúc, ấm no của người dân.
Công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ nhằm bảo đảm các điều kiện an toàn cho người dân và toàn xã hội ở mức cao nhất, hạn chế tối đa hậu quả, thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn.
Về kết quả đạt được, các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị đánh giá thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương, nòng cốt là lực lượng Công an đã nghiêm túc quán triệt, quyết liệt tổ chức triển khai chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC, nhất là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đạt một số kết quả bước đầu, tích cực.
Cụ thể, đã tích cực nghiên cứu, tham mưu ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, làm cơ sở chính trị, pháp lý cho công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Đã chủ động nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, xác định mục tiêu, đối tượng có nguy cơ cao cần tập trung quản lý, kiểm tra an toàn PCCC. Đã tiến hành tổng rà soát, kiểm tra 100% nhà chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ.
Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn về PCCC với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Có nhiều mô hình, sáng kiến phát huy hiệu quả, xây dựng được hơn 40 nghìn mô hình Tổ liên gia an toàn về PCCC; gần 50 nghìn mô hình Điểm chữa cháy công cộng; vận động hơn 11 triệu hộ gia đình trang bị bình chữa cháy, 3 triệu hộ gia đình mở lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai…
Việc kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC và cứu nạn, cứu hộ được thực hiện quyết liệt hơn, không có ngoại lệ, đã kiểm tra an toàn PCCC gần 190.000 lượt cơ sở; phát hiện 67.000 tồn tại, thiếu sót và kiến nghị khắc phục; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 8.500 trường hợp.
Lực lượng Công an, trong đó chủ công là lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong PCCC và cứu nạn, cứu hộ (đã điều động hơn 60 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức cứu nạn, cứu hộ đối với hơn 2 nghìn vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn; đã có hàng chục cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bị thương trong quá trình làm nhiệm vụ)...
Đặc biệt, đã hạn chế được thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn, trực tiếp cứu được gần 900 người; bảo vệ tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng và cứu được tài sản trị giá gần 270 tỷ đồng trong các vụ cháy.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, còn nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém cần khẩn trương, quyết liệt khắc phục.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ có lúc, có nơi chưa hiệu quả. Còn tình trạng buông lỏng quản lý, để xảy ra xây dựng các công trình không tuân thủ quy định pháp luật, không đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC...
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC, trật tự xây dựng chưa nghiêm; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng chây ỳ, kéo dài không khắc phục vi phạm. Vụ cháy chung cư mini tại Khương Đình, Hà Nội đã bộc lộ nhiều sơ hở, thiếu sót, vi phạm trong quản lý nhà nước về PCCC và trật tự xây dựng.
Hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCCC, cứu nạn, cứu hộ, các kỹ năng ứng phó sự cố, thoát hiểm... còn hạn chế. Việc thực tập, diễn tập phương án PCCC và cứu nạn, cứu hộ còn chưa nhiều, chưa đi vào thực chất, sát tình hình thực tế.
Một bộ phận người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của PCCC; chưa chủ động bổ sung các giải pháp bảo đảm an toàn cháy nổ, trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy, thoát nạn, thoát hiểm cần thiết; còn chủ quan, lơ là trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; thiếu kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm khi xảy ra cháy, nổ. Một số bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ được giao còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ, chưa có những kết quả cụ thể.
Thủ tướng chỉ ra các nguyên nhân cơ bản là: Cấp ủy các cấp có nơi, có lúc chưa coi trọng, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác PCCC; quản lý nhà nước của các cơ quan có lúc thiếu chặt chẽ, hiệu quả; hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm và kỹ năng của người dân còn chưa cao; việc hoàn thiện thể chế, pháp luật còn hạn chế và giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm còn có lúc chưa nghiêm; hiệu quả công tác phối hợp chặt chẽ để tạo sức mạnh tổng hợp còn chưa cao.
Theo Thủ tướng, dự báo thời gian tới, tình hình cháy nổ, sự cố, tai nạn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tại các khu dân cư, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ; cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, nhà để ở vừa kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ; chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khu công nghiệp, cơ sở có tập trung đông người; nhiều công trình, cơ sở hạ tầng xuống cấp không đáp ứng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC nhưng chưa thể khắc phục được ngay. Nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, công việc nhiều, đòi hỏi cao nhưng nguồn lực, khả năng đáp ứng có hạn so với yêu cầu của sự phát triển.
Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải thực sự trăn trở, trách nhiệm, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục quán triệt triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tăng cường công tác PCCC. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của nhà nước chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả hơn của các cấp chính quyền, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để nâng cao ý thức, trách nhiệm và kỹ năng của người dân, doanh nghiệp trong PCCC và cứu hộ, cứu nạn để bảo vệ cho chính mình, bảo vệ cộng đồng. Cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu trong thực hiện quy định về PCCC. Nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về PCCC.
Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn lực của xã hội cho công tác đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất PCCC, cứu hộ, cứu nạn, để đáp ứng yêu cầu khi có sự cố xảy ra.
Tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với sự phát triển KTXH. Tăng cường công tác phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các lực lượng nòng cốt, các chủ thể liên quan; nâng cao năng lực thực thi của các lực lượng và trách nhiệm của người đứng đầu.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng, về PCCC, điện lực, khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót. Tiếp tục thường xuyên rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Những tồn tại có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải chuyển các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra để xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm.
Tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đây là nhiệm vụ chính, phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Công tác chuẩn bị phải chu đáo, bài bản. Hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải chuyên nghiệp, hiện đại, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn phải được nâng cao.
Tập trung nâng cao năng lực của lực lượng PCCC, nòng cốt là lực lượng cảnh sát PCCC; củng cố các lực lượng tại khu dân cư, cơ sở. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa lực lượng làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Quan tâm đầu tư và xây dựng cơ sở vật chất, hậu cần cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp về PCCC (theo Công điện số 220/CĐ-TTg); phải trực tiếp đối thoại, nắm bắt tình hình để có giải pháp tháo gỡ; không được gây phiền hà, khó khăn. Không hợp pháp hóa cho sai phạm, nhưng phải có giải pháp tháo gỡ để bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
Tiếp tục tổng rà soát các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ, trong đó phải phân loại, đánh giá cụ thể từng nhóm tồn tại, vi phạm về trật tự xây dựng, PCCC, điện lực để có giải pháp phù hợp.
Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thành tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ - yêu cầu chung về thiết kế (trước ngày 31/12/2023); Nghị định thay thế Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, trong đó quy định cụ thể các yêu cầu về cấp nước chữa cháy tại các khu công nghiệp, khu đô thị, khu đông dân cư (trong quý II/2024).
Tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng; tổ chức thanh tra toàn diện hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý về trật tự xây dựng.
Để tăng cường quản lý rủi ro, Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật Điện lực, trong đó bổ sung quy định về sử dụng điện an toàn sau công tơ để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân. Phối hợp rà soát các cơ sở kinh doanh, bảo quản hóa chất có nguy cơ cháy, nổ cao ở khu dân cư, nơi tập trung đông người và di dời, bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương thực hiện việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng về PCCC và cứu nạn, cứu hộ vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm trong cơ sở giáo dục; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên. Nghiên cứu, bổ sung kiến thức chuyên môn về PCCC vào chương trình đào tạo của các trường kỹ thuật có chuyên ngành đào tạo công trình.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao cảnh giác, ứng phó kịp thời với các sự cố cháy, nổ. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, TTXVN tăng thời lượng tuyên truyền, khuyến cáo cho người dân về ý thức, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cháy, nổ, thoát nạn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư công đảm bảo cho công tác PCCC và cứu hộ cứu nạn theo quy định; quan tâm cân đối để thực hiện Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 - 2030.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi Nghị định 54/2019/NĐ-CP, trong đó sửa đổi quy định về cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, hoàn thành trong năm 2023.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC rừng; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác PCCC rừng; ứng dụng công nghệ trong cảnh báo, phát hiện sớm nguy cơ cháy rừng.
Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, trong đó lồng ghép nội dung hướng dẫn kỹ năng phòng chống cháy, nổ, xử lý, ứng phó với các sự cố, tai nạn vào nội dung đào tạo lái xe.
Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ và các nghị định liên quan; phối hợp với các bộ ngành rà soát, sửa đổi quy định về PCCC, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm thống nhất trong thực hiện. Chỉ đạo thực hiện nghiêm quy trình, quy chế thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC; quản lý, kiểm tra an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên tinh thần nghiêm minh, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, bảo đảm thực chất, không hình thức.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo hoàn thành tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC, đánh giá, phân loại, đưa ra giải pháp trước mắt và lâu dài bảo đảm hạn chế cháy, nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra (hoàn thành trong tháng 12/2023). Tiếp tục triển khai quyết liệt công tác quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Các địa phương phối hợp với Bộ Công an thực hiện hiệu quả Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.