Lãnh đạo trẻ ASEAN cùng nhau khám phá cơ hội thúc đẩy tăng trưởng khu vực
Các nhà lãnh đạo trẻ đã có cơ hội trao đổi với các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo của Singapore và Việt Nam về các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường, cũng như thảo luận về các giải pháp hợp tác.
Bốn mươi nhà lãnh đạo trẻ đến từ 10 quốc gia ASEAN đã cùng nhau tham dự Chương trình Thanh niên Bằng hữu ASEAN (ASEAN YOUTH FELLOWSHIP - AYF) lần thứ năm diễn ra từ ngày 28/10 đến ngày 4/11/ 2023.
Chương trình Thanh niên Bằng hữu ASEAN được thực hiện nhằm tìm kiếm để phát triển và kết nối các nhà lãnh đạo trẻ mới hoạt động trong khu vực với trọng tâm là hợp tác trong lĩnh vực Công, Tư và Con người.
Đây là chương trình diễn ra hàng năm do Quỹ Quốc tế Singapore (SIF) và Hội đồng Thanh niên Quốc gia Singapore (NYC) đồng tổ chức. Với chủ đề “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, chương trình năm nay phù hợp với chủ đề cho Năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia.
Tại Singapore và Hà Nội, các nhà lãnh đạo trẻ của chương trình năm nay đã tham gia các cuộc đối thoại và thảo luận nhóm, trong đó có phiên Đối thoại cấp Bộ trưởng với Phó Thủ tướng Singapore kiêm Bộ trưởng Tài chính, ông Lawrence Wong.
Với các chủ đề như cơ hội và thách thức ở ASEAN; xây dựng thế hệ trẻ kiên cường thành những nhà lãnh đạo tương lai; và hợp tác vì mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng khu vực, chương trình năm nay đã đem đến cho các bạn trẻ ưu tú cơ hội trao đổi với các nhà lãnh đạo như: ông Jaya Ratnam - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Singapore tại Việt Nam; ông Nguyễn Tường Lâm - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam (NCYV).
Trong suốt tám ngày diễn ra chương trình, các nhà lãnh đạo trẻ có cơ hội được tiếp xúc với những góc nhìn mới mẻ thông qua các chuyến thăm quan tại các tổ chức đi đầu về đổi mới trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, an ninh lương thực, phát triển bền vững và chuyển đổi số.
Tại Singapore, các nhà lãnh đạo trẻ đã có cơ hội trải nghiệm thực tế tại các địa điểm như: Trung tâm Đổi mới Chăm sóc Sức khỏe, nơi phát triển các cách thức thúc đẩy chuyển đổi dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông qua đổi mới hợp tác và tư duy lãnh đạo; Comcrop, công ty đầu tiên của Singapore chuyên nuôi trồng thực phẩm thương mại trên mái nhà; Phòng thí nghiệm Cuộc sống Bền vững (SL2), trung tâm tư vấn và thí nghiệm tận dụng công nghệ như một công cụ cho phát triển bền vững; Repair Kopitiam, một sáng kiến cộng đồng của SL2 hướng dẫn các kỹ thuật đơn giản để sửa chữa các đồ gia dụng bị hỏng và giảm lãng phí; Tập đoàn Cảng hàng không Changi Airport, đơn vị quản lý Sân bay Changi Singapore, một trong những trung tâm hàng không quốc tế nhộn nhịp nhất châu Á.
Bà Penhleak Chan, nhà lãnh đạo trẻ đến từ Campuchia, bày tỏ: “Thông qua các chuyến thăm tại Singapore, tôi nhận thấy đất nước này chính là trung tâm đổi mới của ASEAN. Thay vì chỉ đơn giản ứng dụng các nghiên cứu thành công điển hình, chúng tôi được thử thách đặt câu hỏi về các giả định và tập trung vào quá trình xác định vấn đề. Chỉ khi đó, chúng tôi mới có thể đưa ra các giải pháp hiệu quả phù hợp với địa phương mình.”
Ông Ophakorn Kouphokham, nhà lãnh đạo trẻ đến từ Lào, chia sẻ: “Các chuyến thăm đã cho chúng tôi thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng mọi người đều có cùng quan điểm và có chung một mục tiêu, từ đó cho phép nhiều bên liên quan ở các lĩnh vực khác nhau hợp tác để tìm ra giải pháp giải quyết các vấn đề xã hội. Singapore đã thể hiện khả năng nhạy bén trong việc tìm ra các giải pháp này, đồng thời lồng ghép tính bền vững vào các giải pháp đổi mới của mình.”
Tại Hà Nội, từ ngày 1 đến ngày 4/11/2023, các nhà lãnh đạo trẻ đã đến thăm Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia để tìm hiểu cách đơn vị này hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Các bạn trẻ cũng đến thăm KOTO, một doanh nghiệp xã hội giúp đỡ thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn và thiệt thòi ở Việt Nam thông qua chương trình đào tạo kỹ năng cho ngành dịch vụ khách sạn.
Ông Antony Simon, nhà lãnh đạo trẻ đến từ Indonesia, cho biết: “Khi đến thăm Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, chúng tôi đã tìm hiểu về các thực tiễn và sáng kiến hiện có nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng những sáng kiến này khá tương tự với những gì chúng tôi đang thực hiện ở Indonesia, điều này khiến tôi nghĩ rằng giữa hai quốc gia sẽ có nhiều cơ hội hợp tác hơn là cạnh tranh.”
Còn theo ông Darren Lai Chai En, nhà lãnh đạo trẻ đến từ Malaysia: “Chứng kiến quyết tâm của ông Jimmy Phạm, nhà sáng lập KOTO, trong việc thay đổi cuộc sống ở Việt Nam, tôi đã được truyền cảm hứng sâu sắc. Tôi tin rằng tinh thần “Biết một, dạy một” có thể tạo ra sự thay đổi ý nghĩa và tôi cũng hy vọng các sáng kiến tương tự có thể được triển khai ở Johor, Malaysia và các quốc gia ASEAN khác.”
“Khu vực ASEAN đang tràn ngập các cơ hội tăng trưởng mặc dù có những thách thức cấp bách đang làm thay đổi cuộc sống và công việc của chúng ta. Các nhà lãnh đạo trẻ như các thành viên của Chương trình Thanh niên Bằng hữu ASEAN có thể đưa ra những ý tưởng mới và hợp tác trên các giải pháp đổi mới nhằm thúc đẩy ASEAN trở thành một khu vực bền vững, toàn diện và thịnh vượng trong bối cảnh còn nhiều bất ổn trong khu vực”, bà Jean Tan, Giám đốc Điều hành Quỹ Quốc tế Singapore chia sẻ.
“Là chương trình dành cho lãnh đạo trẻ đi đầu trong khu vực, Chương trình Thanh niên Bằng hữu ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới và cơ hội phát triển giữa các nhà lãnh đạo trẻ. Với những bất ổn và căng thẳng toàn cầu ngày càng gia tăng, thế hệ thanh niên của chúng ta cần phải hiểu tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định và cần nỗ lực để đạt được điều này, giúp các quốc gia trong khu vực ASEAN cùng phát triển và thịnh vượng” ông David Chua, Giám đốc Điều hành Hội đồng Thanh niên Quốc gia Singapore nói.
Bà Jolly Nguyễn, nhà lãnh đạo trẻ đến từ Việt Nam, bày tỏ: “Chương trình Thanh niên Bằng hữu ASEAN đã mở rộng tầm nhìn của tôi về phát triển bền vững cũng như sự giao thoa của lĩnh vực này với các lĩnh vực khác trên khắp ASEAN”.
Mạng lưới cựu thành viên trên toàn cầu của AYF hiện có 157 Bằng hữu đại diện cho tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có 13 nhà lãnh đạo trẻ từ Việt Nam. Sự quan tâm đến AYF cũng tăng lên đáng kể. Năm nay đánh dấu số đơn đăng ký tăng hơn 10 lần, từ hơn 90 đơn đăng ký vào năm 2018 khi chương trình bắt đầu lên hơn 1.000 đơn đăng ký. Số đơn đăng ký đã tăng hơn 30% từ năm 2022 đến năm 2023.
Chương trình còn chứng kiến sự hợp tác xuyên biên giới mạnh mẽ do các nhà lãnh đạo từ các năm trước đó khởi xướng. Ví dụ, cựu thành viên chương trình năm 2022 đến từ Singapore Edward Lim đã tập hợp mạng lưới bạn bè từ Việt Nam và Singapore để thành lập Mạng lưới Lãnh đạo trẻ Singapore - Việt Nam (SVYLN) nhằm mục đích thúc đẩy sự kết nối sâu sắc giữa các chuyên gia trẻ hàng đầu của cả hai quốc gia. Phối hợp với Hội đồng Thanh niên Quốc gia Singapore, SVYLN đã tổ chức Chương trình Trao đổi Lãnh đạo Thanh niên Singapore - Việt Nam (SVYLEP) lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2023. Đây là chương trình lãnh đạo thanh niên song phương đầu tiên giữa chính phủ Singapore và Việt Nam.
Quỹ Quốc tế Singapore kỷ niệm 29 năm hợp tác với Việt Nam tại sự kiện SIF Connects! Hà Nội
Các nhà lãnh đạo trẻ cũng đã tham dự sự kiện SIF Connects! Hà Nội. Đây là sự kiện được tổ chức để Quỹ Quốc tế Singapore kết nối với các cựu thành viên của chương trình và Những người bạn của Singapore. Hơn 150 thành viên của cộng đồng ngoại giao, Những người bạn của Singapore và người dân Singapore sinh sống tại Hà Nội đã tham dự sự kiện diễn ra vào ngày 2/11/2023.
Kể từ năm 1994, Quỹ Quốc tế Singapore và cộng đồng người Việt đã hợp tác thực hiện hơn 100 dự án tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và trên khắp châu Á trên các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, doanh nghiệp xã hội, nghệ thuật và văn hóa.
Với những nỗ lực thúc đẩy hợp tác và hữu nghị giữa hai quốc gia, các lãnh đạo của Quỹ Quốc tế Singapore đã được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao tặng Huân chương vì hòa bình và hữu nghị giữa các quốc gia năm 2022.