Kết nối

Gỡ khó cho các dự án BOT giao thông

Thanh Hải 07/11/2023 - 15:24

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong thời gian sớm nhất Chính phủ sẽ trình Quốc hội để tháo gỡ cho 8 dự án BOT, trong đó có 5 dự án đề nghị Nhà nước mua lại.

061120230322-bt-nguyen-van-thang-1-.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Đặt câu hỏi chất vấn tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, tại Nghị quyết số 62, Quốc hội đã giao nhiệm vụ trong năm 2022 phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT. Trong hơn một năm qua, mặc dù Bộ Giao thông vận tải đang nỗ lực triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa hoàn thành.

“Đề nghị Bộ trưởng làm rõ tính khả thi, hợp lý của việc đề nghị tổng mức vốn Nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT là hơn 10.000 tỷ đồng?”, đại biểu Trịnh Xuân An chất vấn.

Trả lời vấn đề đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã triển khai nhưng nhiều vấn đề phức tạp chưa thể tháo gỡ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải làm rõ bên cạnh 8 dự án của Trung ương, cấp địa phương còn bao nhiêu dự án BOT gặp vướng mắc tương tự.

"Hiện chưa quyết định được nguồn vốn để xử lý 8 dự án này, từ tăng thu hay đầu tư công trung hạn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói và cho biết: “Về pháp lý, cả 8 dự án được triển khai trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu đề xuất căn cứ vào nghị định hoặc luật”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ, dự kiến sẽ báo cáo nội dung này với Chính phủ trước ngày 15/11, trình Quốc hội tháo gỡ cho 8 dự án BOT này. "Bộ đề nghị có 5 dự án Nhà nước mua lại và 3 dự án nhà nước hỗ trợ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Chưa thực sự đồng tình với cách tiếp cận nói trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH Đồng Nai cho rằng, khi đầu tư các dự án BOT, nhà đầu tư đã phải huy động rất lớn và chỉ có trông đợi vào thu phí để hoàn vốn nhưng khi đàm phán xử lý vướng mắc, các cơ quan Nhà nước lại yêu cầu nhà đầu tư cắt giảm lợi nhuận sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

“Khi chim sẻ đã hoang mang thì đại bàng cũng sẽ lo lắng. Bộ GTVT nên bỏ ngân sách của ngành trong các kỳ trung hạn để hỗ trợ cho các dự án theo lộ trình đã được công bố cam kết để tạo niềm tin cho nhà đầu tư”, đại biểu Nguyễn Quang Huân hiến kế.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, quá trình đàm phán được thực hiện trên nguyên tắc lợi nhuận hài hoà, khó khăn chia sẻ, đồng thuận không áp đặt nhà đầu tư. “Các bên đang khẩn trương hoàn tất quá trình xây dựng phương án tối ưu để sớm xử lý dứt điểm 8 dự án BOT gặp khó khăn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị cho biết giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút nguồn lực với các dự án PPP.

Trước câu hỏi đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, gần đây Bộ GTVT kêu gọi được một số doanh nghiệp tham gia dự án PPP, song “chưa nhiều, chưa hiệu quả”. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó. Trong khi đó, đầu tư PPP hạ tầng giao thông đem lại lợi nhuận không cao, còn quy định về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP thì chưa hấp dẫn.

“Vì sao chúng ta không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia dự án PPP, bởi họ đòi hỏi bảo lãnh về doanh thu của Chính phủ và đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Trên thực tế, các doanh nghiệp trong hay ngoài nước đều rất lo ngại khâu giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án. Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ điều chỉnh chính sách thu hút nhà đầu tư. Tại kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ cũng trình nâng tỷ lệ vốn Nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư khi làm dự án PPP lên mức cao hơn.

Đặt câu hỏi về trách nhiệm trình dự án đầu tư không chính xác thuộc về ai?, đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nêu rõ, 2/3 tổng vốn đầu tư công của giai đoạn dành cho giao thông vận tải nhưng các dự án giao thông vận tải ở tất cả các nhóm cũng như các dự án quan trọng quốc gia đều phải điều chỉnh thời gian thực hiện, tổng mức đầu tư. Như vậy cho thấy công tác chuẩn bị chủ trương đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư là không chính xác.

Trong khi đó, hồ sơ trình đều báo cáo là chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, khoa học, thực tiễn; các dự án thì đều có phương án dự phòng, kể cả dự phòng ngân sách. Đại biểu đề nghị đề nghị: “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết trách nhiệm trong việc trình không chính xác thuộc về ai? Bộ trưởng có cho rằng cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi trình để các dự án không chính xác phải kéo dài thời gian tổ chức thực hiện?”.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Hoàng Anh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong kì trung hạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải được giao 64 dự án với tổng kinh phí là 300 nghìn tỉ đồng. Đến nay, đã phê duyệt 60 dự án và đang triển khai. "Về cơ bản các dự án tương đối tốt, không tăng tổng mức đầu tư, nếu có thì rất ít", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Dẫu vậy, Bộ trưởng cũng cho biết, có 3 dự án ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng tổng mức đầu tư cao là dự án cầu Rạch Miễu 2, dự án đường cao tốc Mĩ An – Cao Lãnh, dự án đường cao tốc An Hữu – Cao Lãnh. Nguyên nhân là trong thời gian khảo sát thiết kế dự án đúng thời gian dịch 2020-2021 dẫn đến khảo sát chưa được triệt để, ngoài ra nguyên nhân đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng khi triển khai chính thức khác với khi khảo sát.

Thanh Hải