Giá dầu sụt mạnh sau thông tin kinh tế mới từ Trung Quốc
Thông tin kinh tế Trung Quốc bi quan hơn so với kỳ vọng đã khiến cho thêm nhiều nhà đầu tư bán dầu.
Phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá dầu thô rơi xuống dưới mốc 78 USD/thùng, thấp nhất tính từ tháng 7/2023. Số liệu kinh tế toàn cầu bi quan không khỏi tạo ra nhiều nỗi lo về khả năng căng thẳng giữa Israel – Hamas có thể bùng phát thành xung đột khu vực.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI hạ 3,45 USD/thùng, tương đương 4,3% xuống 77,37 USD/thùng trên thị trường New York.
Thị trường London, giá dầu Brent hạ 3,57 USD/thùng, tương đương 4,2% xuống 81,61 USD/thùng. Giá dầu giảm sâu sau khi Trung Quốc công bố số liệu kinh tế trái chiều.
Nhập khẩu dầu thô của Bắc Kinh trong tháng 10/2023 tăng cả về số lượng và giá trị, tuy nhiên trong khi đó tổng xuất khẩu nói chung giảm sâu hơn so với kỳ vọng, cho thấy nhu cầu toàn cầu đang chững lại.
Trong tháng 10/2023, tổng xuất khẩu của Trung Quốc hạ 6,4% so với cùng kỳ năm trước, mức hạ như vậy sâu hơn so với con số 3,3% theo dự báo của các chuyên gia Reuters.
Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 6 tháng liên tiếp, lãi suất cao gây sức ép lên kinh tế toàn cầu. Chủ tịch FED tại Menneapolis – ông Neel Kashkari trong ngày thứ Ba đã giảm kỳ vọng về khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) sẽ hạ lãi suất.
“Chúng ta cần phải đưa được lạm phát về mức 2% trong một khoảng thời gian. Nhìn chung, nền kinh tế sẽ phát đi chỉ báo về việc sẽ cần phải có những điều chỉnh như thế nào để có thể đến được mốc này”, ông Kashkari nói với Bloomberg Television.
Số liệu kinh tế kém lạc quan từ Trung Quốc đã tạo ra ảnh hưởng bù đắp cho tác động từ các biện pháp cắt giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia và Nga. Trước đó, động thái giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga đã đẩy giá dầu tăng. Vào ngày Chủ Nhật, đại diện chính phủ Saudi Arabia và Nga đã xác nhận họ sẽ duy trì các biện pháp cắt giảm sản lượng ít nhất cho đến cuối năm.
Trong tuần sau khi căng thẳng Hamas – Israel bùng phát, giá dầu đã tăng vọt bởi những nỗi lo về khả năng căng thẳng này có thể tạo ra ảnh hưởng lây lan ra khắp khu vực, gây gián đoạn nguồn cung dầu.
Giá dầu đã giảm từ giữa tháng 10/2023 đến nay khi mà những nỗi lo về kịch bản xung đột lây lan mạnh trong trung hạn.
Số lượng siêu tàu chở dầu hướng đến Mỹ hiện cao kỷ lục bởi nhiều chủ tàu muốn tranh thủ cơ hội Mỹ xuất dầu mạnh chưa từng có để kiếm tiền.
Tính toán của Bloomberg cho thấy, ước tính khoảng 48 siêu tàu đã đến Mỹ trong vòng 3 tháng gần đây, đây là con số cao nhất trong 6 năm gần đây.
Việc quá nhiều tàu đến Mỹ mua dầu cho thấy cục diện thay đổi trên thị trường năng lượng khi mà nước Mỹ sản xuất dầu nhiều hơn bao giờ hết. Tuy nhiên cùng lúc đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh lại nỗ lực giảm sản lượng dầu thông qua các biện pháp cắt giảm. Xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã tăng vọt trong năm nay, theo số liệu từ chính phủ Mỹ.
Các doanh nghiệp sản xuất dầu của Mỹ hiện đang bán mạnh loại dầu ngọt nhẹ ra nước ngoài, nhiều doanh nghiệp nội địa nước này tuy nhiên lại thích sử dụng loại dầu nặng có thể dùng để sản xuất ra nhiều chế phẩm hơn. Vào năm 2015, Mỹ đã gỡ bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu dầu thô đã được áp dụng trong suốt nhiều thập kỷ.
Chuyên gia phân tích trên thị trường năng lượng tại quỹ Energy Aspects, ông Richard Price, nhận xét: “Các biện pháp của chính phủ Mỹ đang cho thêm nhiều dầu ngọt nhẹ của Mỹ được xuất ra thị trường”.
Energy Aspects dự báo xuất khẩu từ vùng Vịnh Gulf Coast, khu vực xuất khẩu lớn nhất của Mỹ tăng khoảng 100.000 thùng/ngày từ tháng sau lên ước tính 4,1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Các biện pháp cắt giảm sản lượng của OPEC+ trong khi đó đang khiến có thêm nhiều doanh nghiệp kinh doanh dầu rời khỏi khu vực Trung Đông để tìm kiếm cơ hội kinh doanh tốt hơn.