Các Hiệp hội ngành, nghề

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 7 giải pháp “đòn bẩy” thúc đẩy xuất khẩu

M.N 09/11/2023 07:05

3 năm gần đây, Việt Nam được xếp là 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng cao khoảng 12,5% trở lên và liên tục xuất siêu. Trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất siêu 24,6 tỷ USD.

bo-truong-bct.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Việt Nam được xếp là 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng cao khoảng 12,5% trở lên và liên tục xuất siêu.

Đó là thông tin được đưa ra bởi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại phần chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đặt câu hỏi về những giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu thế giới sụt giảm, giá nhiên liệu đầu vào ở mức cao, trong khi Việt Nam phải thực hiện các cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) cũng như đáp ứng yêu cầu của các FTA.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay thời gian qua, Việt Nam thực hiện hiệu quả, khai thác tốt các lợi thế từ các hiệp định thương mại, Việt Nam cũng là một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Điểm rõ nhất là trong 3 năm gần đây, Việt Nam được xếp là 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng cao khoảng 12,5% trở lên và liên tục xuất siêu. Trong 10 tháng năm 2023, chúng ta xuất siêu 24,6 tỷ USD.

Để có được kết quả như vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ 7 giải pháp đã và đang được tích cực triển khai.

Thứ nhất, Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương có liên quan đã đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương, tập trung vào các thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng. Tính đến nay, bên cạnh việc tham gia thực thi nhiều hiệp định FTA với độ phủ rộng gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đã tham gia. Việt Nam cũng đang tiếp tục đàm phán FTA với Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA), Cộng đồng Thị trường Nam Mỹ (MERCOSUR), UAE và Canada...

Thứ hai, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các cam kết quốc tế trong khuôn khổ FTA mà Việt Nam đã tham gia, bảo đảm sự phát triển bền vững, trong đó tập trung triển khai Chương trình hành động thực thi các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA; chú trọng thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại theo chiều sâu, nhất là quan hệ kinh tế đối với các nước, các đối tác lớn, có tiềm năng nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế thương mại trong nước.

Thứ ba, phát huy vai trò của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt, thông tin kịp thời về những biến động của kinh tế thế giới cũng như chính sách mới của các nước sở tại, góp phần định hướng sản xuất trong nước, giúp các doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường ngoài nước.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển dịch vụ logistics, thương mại điện tử. Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng trái cây, sản phẩm trồng trọt; tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật để các doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào những thị trường mới còn tiềm năng.

Thứ năm, tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển và quảng bá các sản phẩm thương hiệu quốc gia, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và thương hiệu ngành hàng ở trong và ngoài nước đồng thời tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và tham gia vào chuỗi cung ứng của thị trường nước ngoài.

Thứ sáu, chú trọng nâng cao năng lực công tác phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm cho các vụ kiện.

Giải pháp cuối cùng là tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến cam kết trong các FTA để Việt Nam thực hiện một cách hiệu quả.

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Châu Quỳnh Dao (tỉnh Kiên Giang) đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương và đặt câu hỏi về biện pháp để giải quyết vấn đề quản lý thuốc lá thế hệ mới.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao cho biết, hiện nay trên thị trường có khoảng 20.000 loại hương liệu để sản xuất thuốc lá điện tử, trong đó có nhiều loại hương liệu chưa được đánh giá toàn diện về mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe. Những hương liệu này được bày bán công khai như các loại thuốc lá thông thường tại các cửa hàng tạp hóa… các em học sinh rất dễ mua, sử dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Y tế và hiện vẫn đang trong quá trình rà soát để thống nhất quan điểm với Bộ Y tế hoàn thiện chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới.

Theo đó, Bộ Công Thương dự kiến sẽ đưa mặt hàng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định số 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá để có hình thức quản lý phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm nay.

M.N