Kỷ niệm 24 năm thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (09/11/1999 – 09/11/2023): Vun đắp giá trị cốt lõi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
"Giá trị cốt lõi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) chính là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Do đó, mọi hoạt động của BHTGVN đều xoay quanh giá trị cốt lõi này". Ông Phạm Bảo Lâm - Ủy viên BCH Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương (DNTW), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT BHTGVN đã khái quát như vậy tại hội nghị gần đây về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp ở Khối DNTW. 24 năm qua, các thế hệ cán bộ BHTGVN đã và đang chung tay vun đắp và phát huy giá trị cốt lõi ấy.
Ở đâu có người gửi tiền, ở đó có BHTG
Ngày 9/11/1999 đã đi vào lịch sử hoạt động ngân hàng với Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg ngày 9/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ - đánh dấu sự xuất hiện tổ chức chuyên trách triển khai chính sách BHTG tại Việt Nam - Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV); thể hiện cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong những năm đầu đi vào hoạt động, BHTGVN đã phải xử lý hàng loạt QTDND tại Kiên Giang. Nơi đầu tiên BHTGVN tới chi trả là Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Rạch Sỏi. Theo dòng hồi ức của ông Nguyễn Văn Sản - Nguyên Trưởng Ban trù bị thành lập Công ty BHTGVN (1999-2000), Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BHTGVN (2000-2001), vào thời điểm ấy tâm lý người dân rất bất ổn, lo lắng vì khoản tiền tiết kiệm mồ hôi công sức của họ có nguy cơ mất trắng. Khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định xử lý và BHTGVN đứng ra chi trả tiền bảo hiểm đã khiến người gửi tiền rất phấn khởi. “Người dân tại địa phương dần ổn định tâm lý, ngày càng yên tâm hơn. Chính quyền xã, huyện, tỉnh cũng rất ghi nhận những tác động tích cực từ việc BHTGVN xử lý các QTDND trên địa bàn. Một tổ chức mới đi vào hoạt động đã xử lý êm thấm và thu được kết quả tốt là thành công lớn của đội ngũ cán bộ, thể hiện được hiệu quả của chính sách BHTG", ông Nguyễn Văn Sản nhớ lại...
Ngày nay, với tầm vóc của tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm triển khai chính sách BHTG, BHTGVN đã từng bước lớn mạnh cùng hệ thống ngân hàng, bảo hiểm cho khoảng 99 triệu lượt người gửi tiền tại gần 1.300 tổ chức tín dụng (TCTD).
Với nguồn lực tài chính tăng trưởng nhanh và ổn định, từ 1.000 tỷ đồng ban đầu được cấp, đến thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản đạt mức hơn 106 nghìn tỷ đồng, quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 99 nghìn tỷ đồng, BHTGVN có thể bảo đảm chi trả kịp thời cho người gửi tiền và sẵn sàng tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD.
Luôn xác định người gửi tiền ở vị trí trung tâm, các hoạt động nghiệp vụ BHTG đều hướng tới bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi cho họ. TCTD hoạt động an toàn lành mạnh thì tiền gửi của người dân mới an toàn, các nghiệp vụ BHTG như Cấp Chứng nhận tham gia BHTG, kiểm tra, giám sát, quản lý thu phí BHTG, tham gia kiểm soát đặc biệt TCTD...được BHTGVN triển khai đồng bộ trên cơ sở bám sát "vòng đời" của TCTD từ khi thành lập - hoạt động - rút khỏi thị trường. Đặc biệt, mấy năm gần đây, BHTGVN còn tham gia kiểm tra chuyên sâu các QTDND để hỗ trợ chức năng thanh tra - giám sát của NHNN, từ đó góp phần lành mạnh hóa hoạt động của loại hình tín dụng hợp tác chủ yếu phân bổ ở khu vực nông thôn, gắn với kinh tế nông nghiệp, tiểu thương.
Với mạng lưới hoạt động trải đều trên các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, có thể thấy, ở đâu có TCTD, ở đâu có người gửi tiền - ở đó có BHTGVN bảo đảm cho chính sách BHTG đi vào cuộc sống. BHTG không còn xa lạ mà ngày càng gắn với dịch vụ ngân hàng trong đời sống hàng ngày của người dân. Tại các quầy giao dịch của TCTD, dễ dàng nhận thấy "dấu ấn" BHTG với chứng nhận TCTD đã tham gia BHTG được niêm yết ở vị trí bắt mắt. Hay trên sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi ngày càng xuất hiện nhiều hơn dòng chữ: Tiền gửi của khách hàng đã được bảo hiểm bởi BHTGVN. Điều đó cho thấy BHTG ngày càng thiết thực với người gửi tiền và là "chứng chỉ niềm tin" đối với TCTD.
Nói tới BHTG không chỉ là đền bù, chi trả khi đổ vỡ, giờ đây người dân hiểu rằng gửi tiền tại TCTD đã tham gia BHTG là đặt mình vào hoạt động ngân hàng chính thức được Chính phủ bảo vệ, thay vì tiếp tay cho "tín dụng đen". Các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà lập pháp cũng nhận thấy cần nâng tầm vị thế BHTG, đặc biệt sau sự sụp đổ của nhiều ngân hàng lớn trên thế giới thời gian gần đây. Một cơ chế mới để tổ chức BHTG góp mặt sớm hơn trong quy trình can thiệp sớm TCTD đang được đặt trên bàn nghị sự của Quốc hội.
Mặc dù từ năm 2015, các TCTD nước ta hoạt động tương đối ổn định, niềm tin thị trường được duy trì, BHTGVN không phải xuất quỹ BHTG để chi trả cho người gửi tiền, nhưng tổ chức này vẫn thường xuyên nghiên cứu, tập dượt các kịch bản chi trả mô phỏng để sẵn sàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền khi cần thiết.
Thấu hiểu người gửi tiền
Ngân hàng là loại hình kinh doanh tiền tệ đặc biệt, là phương tiện thu hút vốn, đầu tư vốn và kiến tạo cơ hội cho doanh nghiệp và cá nhân phát triển kinh doanh, tạo ra tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng cho xã hội. Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng bị chi phối mạnh bởi yếu tố trừu tượng, đó là niềm tin. Mặt khác, điểm dễ nhận thấy là nguồn vốn hoạt động của các TCTD Việt Nam chủ yếu huy động từ dân cư. Nếu thiếu vắng cơ chế BHTG, khi một TCTD gặp sự cố, người dân gửi tiền vào TCTD đó có thể phải gánh chịu hậu quả kinh tế, kèm theo nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Trong một thế giới biến động, khó lường như hiện nay, người dân sẽ ôm khư khư tiền nhàn rỗi mà không dám đưa vào dòng chảy kinh tế thông qua TCTD nếu không chắc rằng tiền đẻ ra tiền một cách an toàn.
Bảo vệ người gửi tiền, góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng trước những rủi ro là xuất phát điểm hình thành và mục tiêu hoạt động của tổ chức BHTG. Bảo vệ người gửi tiền cũng chính là yếu tố sống còn bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển bền vững TCTD.
Trong Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các mục tiêu cụ thể đều hướng về người gửi tiền: Phấn đấu tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế; Phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đến năm 2025 là 30 ngày làm việc và đến năm 2030 là 15 ngày làm việc, nhằm giúp người gửi tiền được tiếp cận sớm với tiền gửi của mình khi tổ chức tham gia BHTG được xử lý; Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG.
Để hiện thực hóa, không thể thiếu việc hoàn thiện thể chế, giống như thay chiếc áo mới cho những quy định đã chật hẹp, cản bước đi lên của hoạt động BHTG. Đồng thời, cần có cơ chế tăng cường nguồn lực tài chính cho tổ chức BHTG. Thực tiễn cho thấy, tổ chức BHTG không thể phòng chống rủi ro hiệu quả khi tiềm lực tài chính quá khiêm tốn so với quy mô vốn của TCTD được bảo hiểm. Đặc biệt, “nguồn vốn” con người là yếu tố có tính then chốt, quyết định hiệu quả hoạt động của BHTGVN. Làm nghề BHTG là "tiếp xúc" với rủi ro của người gửi tiền, rủi ro của TCTD, chính vì thế, cán bộ BHTG càng phải đáng tin cậy: nghiệp vụ chắc - tâm sáng - tác phong chuyên nghiệp.
24 năm qua, nội hàm giá trị cốt lõi tạo nên bản sắc BHTGVN đã và đang được làm sâu sắc hơn bởi biết bao thế hệ cán bộ BHTG tận tụy; nhưng cũng hàm chứa đầy thử thách bởi thị trường tài chính ngày càng xuất hiện nhiều rủi ro mới.
Chiến lược phát triển BHTG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào thời khắc khép lại một năm 2022 nhưng mở ra một thời kỳ mới cho hoạt động BHTG ở Việt Nam. Bởi vậy, 2023 được xem là năm bản lề, một "lát cắt" đáng ghi nhớ trong nhiều dấu ấn trưởng thành của BHTGVN với nỗ lực hành động triển khai Chiến lược.
Tầm nhìn đã rõ, con đường phía trước đã rõ, sứ mệnh của tất cả "công dân" BHTG là tạo nên sự bứt phá trong hoạt động BHTG, viết tiếp những trang vàng trong thời kỳ phát triển mới của tổ chức tài chính Nhà nước chuyên trách, duy nhất thay mặt Chính phủ bảo vệ người gửi tiền, đóng góp thiết thực vào sự lớn mạnh của nền tài chính quốc gia.