Bất động sản

Đô thị Việt Nam bao giờ mới hết tắc đường và rác thải?

Minh Nhật 09/11/2023 11:45

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về thực trạng ùn tắc giao thông, thiếu bãi đỗ xe, vấn đề trong xử lý rác thải, nước thải... tại đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết đã có chương trình hành động và nhiệm vụ cụ thể để chỉnh trang, xây dựng bộ mặt đô thị Việt Nam theo hướng hiện đại, xanh sạch, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

bo-truong-bo-xd.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nêu thực trạng về tỷ lệ đô thị hóa ở nước ta đang gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên vẫn còn những vấn đề tồn tại như ùn tắc giao thông, thiếu bãi đỗ xe. Việc xử lý rác thải, thu gom, xử lý nước thải… vẫn chậm được giải quyết và có xu hướng gia tăng. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân và môi trường, thu hút đầu tư kinh doanh.

Từ thực tế đó, đại biểu Tạ Thị Yên đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng về giải pháp để chỉnh trang, xây dựng bộ mặt đô thị Việt Nam theo hướng hiện đại, xanh sạch, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nghị quyết đã khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, đánh giá những kết quả cũng như các tồn tại, thách thức.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, để thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động theo Nghị quyết 148. Trong chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030 thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các đô thị có khả năng chống chịu, giảm phát thải thông minh, có bản sắc và hoàn thiện điều kiện hạ tầng đô thị, đúng như ý kiến mong muốn của đại biểu đặt ra.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, bộ Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa, đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam; nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý đô thị bền vững; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết và thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng nhiệm vụ đề án chuyên ngành; xây dựng cơ chế chính sách cũng như văn bản quy phạm pháp luật", Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời chất vấn.

Với 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu này, Chính phủ cũng đề ra 33 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có 19 nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật, 14 nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng nêu rõ, với nhiệm vụ được giao và thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, bộ cũng đang tập trung triển khai 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

“Theo đó, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 06, cũng như Nghị quyết 148 của Chính phủ; tập trung nghiên cứu, xây dựng pháp luật, công cụ để quản lý đô thị như Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Cấp thoát nước và các văn bản hướng dẫn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.

Bổ sung điều kiện cấp phép xây dựng có thời hạn tại dự án có quy hoạch chậm thực hiện

Tại phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cũng đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng về giải pháp khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sau khi có Nghị quyết 82, Bộ Xây dựng đã tập trung triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết.

Theo đó, về hoàn thiện thể chế pháp luật, Bộ đã tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành về quy hoạch xây dựng, như tiến hành rà soát Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị.

Qua đó đã tham mưu, sửa đổi và đã ban hành Luật Xây dựng sửa đổi số 62/2020/QH14 để bổ sung điều kiện cấp phép xây dựng có thời hạn tại các dự án có quy hoạch chậm thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi hơn người dân sinh sống trong các khu vực này được cải tạo, xây dựng nhà cửa.

Bộ Xây dựng đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra về quy hoạch và thực hiện quy hoạch tại các địa phương, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Ban hành nhiều văn bản để yêu cầu các địa phương thanh tra, kiểm tra, rà soát quy hoạch định kỳ theo quy định hoặc rà soát các quy hoạch quá thời hạn và không có tính khả thi để kịp thời điều chỉnh quy hoạch đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị.

Đồng thời, yêu cầu các địa phương thực hiện việc lập, phê duyệt, công khai các quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định; lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm cho phát triển đô thị và hạ tầng đô thị để thực hiện quy hoạch.

Bộ trưởng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 75/2022/ ngày 15/11/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp 4, Quốc hội Khoá XV đối với lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết, trong đó đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ về quy hoạch xây dựng, đô thị, các biện pháp khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo.

Minh Nhật