Chứng khoán

Thanh khoản HOSE đã trở lại trên 20.000 tỷ đồng

Mai Hương 09/11/2023 - 16:55

Biên độ hồi phục hẹp hơn do thị trường vẫn phải cân đối lại áp lực chốt lời từ nhà đầu tư bắt đáy. Tuy nhiên, quy mô thanh khoản đang cải thiện nhanh chóng cho thấy dòng tiền đổ vào thị trường đang dồi dào hơn.

Định vị thị trường

Chứng khoán châu Á ghi nhận một phiên tăng điểm nhẹ ở nhiều thị trường. NIKKEI 225 (+1,49%) là chỉ số tăng tốt nhất trong khi đó, KOSPI (+0,23%), TWSE (+0,03%), SHMCP (+0,03%), STI (+0,05%) đều không tăng đáng kể.

chrome_txzgykjh3n.png

VN-Index đã có 2/5 phiên tăng trên 3% nên việc có sự chậm lại theo mặt bằng khu vực không phải là diễn biến khác thường. Tính đến thời điểm kết phiên ngày 9/11, VN-Index (+10,6%) đang xếp sau các chỉ số NIKKEI 225 (+25,11%), TWSE (+18,41%) về thành tích tăng điểm nhưng cao hơn KOSPI (+8,53%).

Chất xúc tác

Như đã đề cập, việc Chỉ số DXY hạ nhiệt đang giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ít phải can thiệp vào thanh khoản hệ thống. Các phiên bơm ròng vào thị trường tiếp tục xuất hiện với tần suất nhiều hơn. Trong phiên hôm qua, đã có 5.000 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu, với lãi suất giảm xuống mức 1,0%/năm. Tổng cộng, NHNN bơm ròng 5.000 tỷ đồng ra thị trường, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 193.199,4 tỷ đồng.

Trong khi tỷ giá trung tâm hiện chỉ còn dao động quanh mốc 24.000 VND/USD thì lãi suất liên ngân hàng cũng đang có đợt điều chỉnh khá đều. Theo thống kê của Refinitiv Eikon, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã giảm 4 điểm cơ bản xuống 0,82%.

Với sự dồi dào thanh khoản trên thị trường 2, lãi suất huy động của các ngân hàng trên thị trường 1 đang tiếp tục giảm về mặt bằng quanh 5%/năm. Một số ngân hàng thậm chí đã giảm lãi suất huy động về trên 4%.

Diễn biến này đang là sự thuận lợi hơn để thị trường chứng khoán thu hút tiền trở lại. HOSE đã chứng kiến quy mô giao dịch hơn 20.000 tỷ đồng ở phiên hôm nay. Dù cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng hơn 800 tỷ đồng, cùng với một bộ phận nhà đầu tư trong nước tiếp tục chốt lời sau khi bắt đáy, chỉ số vẫn có một phiên hấp thụ được hết nguồn cung.

Vận động thị trường

Với những áp lực bán còn hiện diện, bên mua cũng không quá vội vàng đổ tiền vào thị trường. Các cổ phiếu trên sàn có sự phân hóa về biến động với độ rộng là 55% mã tăng so với 32,5% mã giảm.

Các mã "họ" Vingroup là VHM (+4,6%), VIC (+5,6%), VRE (+2,5%) đã đứng ra chèo lái thị trường giúp triệt tiêu đi đáng kể những áp lực chiều giảm của nhóm ngân hàng với VCB (-1,8%), SSB (-1,8%), VPB (-1,7%), STB (-1,2%), ACB (-1,1%), TCB (-0,9%).

VHM (-286 tỷ đồng) lại ghi nhận lực bán mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài nhưng kết quả giao dịch hôm nay rõ ràng cho thấy, dòng tiền nội đã làm tốt nhiệm vụ đối ứng. Được biết, Chủ tịch Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng vừa có chuyến thăm Ấn Độ để tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động cho VinFast.

Nhóm cổ phiếu Vingroup có sự lan tỏa nhất định tới các cổ phiếu bất động sản như: NVL (+5,16%), DXG (+2,37%), NLG (+5,91%), PDR (+6,93%), DRH (+6,9%), DXS (+6,86%), TCH (+1,27%).

Trong khi đó, một số mã ngành thép, phân bón, năng lượng, xây dựng lại xuất hiện ở chiều giảm như: HPG (-0,93%), HSG (-1,42%), DCM (-0,48%), PC1 (-0,34%), CTD (-1,59%)…

Biên độ giảm của các cổ phiếu này là không nhiều chủ yếu do người bán chốt lời tại giá cao trong khi bên mua cũng giải ngân không quá vội vàng.

Dù sao, trạng thái của Top thanh khoản thị trường cũng ghi nhận nhiều mã đạt quy mô trên 500 tỷ đồng như: SSI, VIX, NVL, HPG, PDR, DIG, STB…

chrome_ttq3fnzrpd.png

Tổng khối lượng của HOSE tiếp tục tăng mạnh, đạt 1.052,08 triệu đơn vị, tương đương 21.990 tỷ đồng. Chỉ số VN-Index tăng 0,46 điểm lên 1.113,89 điểm (+0,04%).

2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều đóng cửa trong sắc xanh với thành tích 0,52% và 0,06%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.000 tỷ đồng.

Mai Hương