Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại dịp cuối năm
Vào dịp cuối năm, nhu cầu về thanh toán hàng hóa dịch vụ, mua sắm phục vụ cho tiêu dùng của người dân thường tăng cao, trong đó hoạt động chi trả lương, rút tiền qua hệ thống máy ATM và thanh toán tại các siêu thị, trung tâm thương mại được quan tâm nhiều nhất, bởi đây là 2 hoạt động liên quan trực tiếp đến nhu cầu thanh toán mang tính thời vụ cứ mỗi dịp cuối năm và Tết cổ truyền âm lịch.
Trên thực tế, các hoạt động này đã thay đổi trong những năm gần đây theo xu hướng tích cực: không còn hiện tượng người dân, công nhân tại các KCN-KCX xếp hàng dài để rút tiền tại máy ATM trong dịp cuối năm mà thay vào đó là thanh toán qua máy POS, qua mã QR; chuyển khoản… trở nên phổ biến hơn tại các siêu thị và trung tâm thương mại.
Tuy nhiên, để tiếp tục mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt tại các địa điểm này, làm cơ sở nền tảng và hiệu ứng lan tỏa tốt cho sự phát triển của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt chung trong nền kinh tế, cần tiếp tục làm tốt, thực hiện đồng bộ các giải pháp về truyền thông và tổ chức hoạt động thanh toán. Đây, đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng tâm cần được quan tâm thực hiện và thực hiện thường xuyên, liên tục. Cụ thể:
Thứ nhất, làm tốt công tác truyền thông về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, với nội dung, chương trình kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển hiện nay. Trong đó, thông tin tuyên truyền về tiện ích của sản phẩm, cách sử dụng sản phẩm dịch vụ thanh toán cần khai thác triệt để tính năng, sự tiện ích và lợi ích mang lại về mặt thời gian, chi phí trong giao dịch thanh toán, chuyển tiền là vượt trội so với thanh toán bằng tiền mặt. Đó là việc chỉ cần một chạm, một thao tác là khách hàng đã thực hiện xong giao dịch khi sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại như thẻ ATM, mã QR… Các hính thức thanh toán này rất thuận lợi cho hoạt động mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng, đại lý bán hàng…và kể cả chợ truyền thống (nếu lắp đặt POS không dây hoặc bảng đặt mã QR). Với việc dễ sử dụng, tiện ích và giảm tối đa thời gian giao dịch, thanh toán, bản thân những lợi ích vượt trội của các phương tiện thanh toán hiện đại này đã là sự truyền thông hiệu quả và không giới hạn. Song các TCTD, kể cả các doanh nghiệp cần quan tâm làm tốt công tác thông tin; tư vấn, hướng dẫn để người dân, khách hàng nắm rõ và hiểu rõ những tiện ích này, và cách sử dụng các sản phẩm, dịch vụ. Ở góc độ quản lý vĩ mô, đây là hoạt động chung, là trách nhiệm cộng đồng bởi lẽ mang lại lợi ích toàn diện, không chỉ mở rộng và phát huy hiệu quả hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn bộ nền kinh tế mà còn mang lại lợi ích trực tiếp cho tất cả các bên liên quan: Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; khách hàng và cho chính doanh nghiệp.
Thứ hai, thay đổi và tổ chức hoạt động thanh toán phù hợp với việc đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động kinh doanh, phù hợp với phương thức thanh toán hiện đại và xu hướng ngày càng mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, nếu nhìn 15-20 năm trước đây, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chỉ lắp đặt 1-2 máy POS cho một luồng thanh toán, còn lại các luồng thanh toán bằng tiền mặt là chủ yếu, song đến thời điểm hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại đã trở nên phố biến hơn rất nhiều; gần như tất cả các luồng thanh toán đều đặt máy POS và bảng mã QR để người dân lựa chọn bên cạnh lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt; bằng thẻ ATM. Các hình thức thanh toán hiện đại qua thẻ, quét QR đem lại sự tiện lợi và nhanh chóng, chỉ một thao tác là tính tiền xong, trong khi đó thanh toán bằng tiền mặt phải kiểm đếm, trả lại tiền thừa (nếu có) và các thao tác khác của người thu ngân và của cả khách hàng, mất thời gian hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp thương mại dịch vụ, trung tâm mua sắm và các siêu thị, vì điều này cũng cần điều chỉnh lại, tổ chức và sắp xếp hoạt động thanh toán cho phù hợp với các hình thức thanh toán bằng tiền mặt và không bằng tiền mặt sao cho hợp lý, giảm bớt thời gian chờ đợi, xếp hàng thanh toán nhất là dịp cuối năm và Tết cổ truyền âm lịch. Có thể hình dung, việc phân luồng thanh toán như 15-20 năm trước đây sẽ trở lại, chỉ khác là thanh toán bằng tiền mặt sẽ được tổ chức riêng cho 1- 2 luồng thanh toán, còn lại chủ yếu là các luồng thanh toán không bằng tiền mặt.
Những giải pháp nêu trên không mới, song nếu được tổ chức và thực hiện sáng tạo, hiệu quả, thường xuyên và ở cấp độ nhiệm vụ chung, trách nhiệm cộng đồng sẽ thiết thực góp phần quan trọng thúc đẩy mở rộng và phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, mang lại hiệu quả chung cho toàn bộ nền kinh tế.