Xuất khẩu cà phê niên vụ 2022-2023 đạt mức cao kỷ lục, thu về 4,08 tỷ USD
Kết thúc niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê đạt 1,66 triệu tấn, giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022, nhưng kim ngạch đạt 4,08 tỷ USD, tăng 3,4% nhờ giá bán tăng cao. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay.
Báo cáo tại hội nghị “Tổng kết niên vụ cà phê 2022-2023, và phương hướng nhiệm vụ 2023-2024”, ông Đỗ Xuân Hiền, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà phê-Cacao Việt Nam (Vicofa) cho biết, kết thúc niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), xuất khẩu cà phê đạt 1,66 triệu tấn, giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022, nhưng kim ngạch đạt 4,08 tỷ USD, tăng 3,4% nhờ giá bán tăng cao. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay, giá xuất khẩu cà phê trung bình đạt 2.451 USD/tấn, tăng 5,5% so với niên vụ trước.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta
Xuất khẩu chủ yếu là cà phê Robusta và đạt 1,49 triệu tấn, kim ngạch 3,25 tỷ USD, xuất khẩu cà phê nhân Arabica chỉ đạt 41.500 tấn, kim ngạch 169 triệu USD, cà phê nhân đã khử cafein 36.000 tấn, kim ngạch 136 triệu USD. Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 90.000 tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), kim ngạch khoảng 510 triệu USD (khối lượng chiếm khoảng 5,4% và kim ngạch chiếm khoảng 12,5% tổng các loại cà phê xuất khẩu trong niên vụ cà phê 2022-2023.
Trong niên vụ này, xuất khẩu cà phê Robusta tăng khoảng 0,7% về lượng và tăng khoảng 10,8% về kim ngạch so với các niên vụ trước, cà phê Arabica giảm khoảng 30,7% về lượng và giảm khoảng 34,9% về trị giá, cà phê nhân đã khử cafein tăng khoảng 38,3% về lượng và tăng khoảng 77% về kim ngạch, cà phê rang xay, hòa tan giảm khoảng 2,5% và giảm khoảng 14,7% về kim ngạch.
Ngoài số lượng đang ở kho ngoại quan thì niên vụ cà phê 2022-2023 vừa qua Đức dẫn đầu thị trường xuất khẩu của Việt Nam với gần 219.000 tấn, Italy đứng thứ 2 với hơn 156.000 tấn, Hoa Kỳ thứ 3 với hơn 143.000 tấn, Nhật Bản thứ 4 với gần 112.000 tấn, Nga thứ 5 với gần 107.000 tấn, Tây Ban Nha thứ 6 với hơn 100.000 tấn, Bỉ thứ 7 với 73.000 tấn, Algeria thứ 8 với hơn 64.000 tấn, Mexico thứ 9 và Trung Quốc thứ 10 với hơn 44.000 tấn.
Qua đó cho thấy, châu Âu vẫn là thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam với khối lượng gần 802.000 tấn (chiếm 48,2%), kim ngạch 1,86 tỷ USD (chiếm 45,6%), trong đó 27 nước EU chiếm 39,5% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của cả nước, và chiếm 36,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cà phê Việt Nam.
Trong niên vụ cà phê 2022-2023, các doanh nghiệp trong hiệp hội xuất khẩu trên 1,22 triệu tấn cà phê nhân, chiếm khoảng 77,5% tổng khối lượng xuất khẩu cà phê nhân, kim ngạch khoảng 2,66 tỷ USD, chiếm khoảng 74,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê nhân. Các doanh nghiệp FDI xuất khẩu cà phê nhân sống chiếm thị phần khoảng 33,1% tổng khối lượng xuất khẩu cà phê nhân và chiếm khoảng 33,1% về giá trị kim ngạch.
Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài hiệp hội chiếm thị phần khoảng 22,5% tổng khối lượng xuất khẩu cà phê nhân và chiếm khoảng 25,5% về giá trị kim ngạch.
Các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần khoảng 68,5% tổng khối lượng xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan trong niên vụ cà phê 2022-2023 và chiếm khoảng 71,7% về kim ngạch, còn các doanh nghiệp ngoài Vicofa chiếm thị phần khoảng 75,5% về khối lượng và khoảng 79,0% về giá trị kim ngạch trong tổng xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan trong niên vụ cà phê 2022-2023.
Bên cạnh là quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta hàng đầu thế giới thì Việt Nam cũng là nước nhập khẩu cà phê. Tổng khối lượng cà phê Việt Nam nhập khẩu trong niên vụ 2022-2023 từ các nước: Lào, Indonesia, Brazil, Bỉ, Colombia, Đức, Papua New Guinea, Ấn Độ, Peru, Thái Lan, Honduras, Singapore, ... đạt 102.100 tấn, với kim ngạch 299,6 triệu USD, tăng 14,4% về khối lượng và tăng 9,1% về kim ngạch so với niên vụ trước.
Trong đó, nhập khẩu cà phê nhân đạt 98.600 tấn, kim ngạch 246,3 triệu USD, tăng 19,1% về khối lượng và tăng 23,1% về kim ngạch so với niên vụ 2021-2022; còn nhập khẩu cà phê chế biến khoảng 3.500 tấn, kim ngạch 53,2 triệu USD, giảm 45,8% về khối lượng và giảm 28,6% về kim ngạch so với niên vụ trước.
Đến năm 2025 tiêu thụ nội địa đạt 270.000 - 300.000 tấn/năm
Theo Vicofa, tiêu thụ cà phê nội địa đã có những bước phát triển mạnh trong trong những năm qua. Trong giai đoạn 2015-2020 tốc độ phát triển bình quân 3,94%/năm. Tổng số lượng cà phê tiêu thụ nội địa từ 158.000 tấn năm 2015 lên 220.000 tấn năm 2022. Tiêu thụ bình quân đầu người tăng từ 1,7kg năm 2015 lên 2,2kg năm 2022. Đến năm 2025 tiêu thụ nội địa đạt 270.000 - 300.000 tấn/năm
Dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, (hiện trạng và định hướng phát triển cây cà phê đến năm 2030) và báo cáo thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam do iPOS thực hiện), Chánh Văn phòng Vicofa cho biết, đến hết năm 2022 Việt Nam có 338.600 nhà hàng/quán cà phê, giai đoạn 2016-2022 với tốc độ tăng hàng năm (CAGR) khoảng 2%, so với 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19) thị trường đã có thêm: 18.000 nhà hàng/quán cà phê mới. Dự báo tiêu thụ nội địa giai đoạn 2025-2030 với tốc độ tăng bình quân khoảng 6,6%/năm
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Vicofa cho biết, mặc dù xuất khẩu cà phê đạt 4,08 tỷ USD, tăng 3,4% nhờ giá bán tăng cao. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay. Tuy nhiên, do thu hoạch xong mà không sấy kịp khiến chất lượng cà phê không cao, niên vụ 2023-2024, đến giờ này cà phê chín không nhiều nhưng giá cà phê đang cao kích thích người nông dân thu hái sớm.
“Hiệp hội luôn nhắc nhở bà con nông dân hái được cà phê chín bao giờ cũng tốt nhất hơn vì trọng lượng và chất lượng cà phê sẽ tăng lên, giá trị cũng tăng theo nhưng người nông dân vẫn chọn thu hái cà phê khi trái chín chưa đạt tỷ lệ cao do giá cà phê đang cao, chờ chín lo ngại giá cà phê sẽ giảm cùng với đó là tâm lý sợ mất cấp”, ông Nam nói.