Thị trường tiếp nối hoạt động điều chỉnh, nhóm thép đi ngược
Lực bán chốt lời kéo sang phiên đầu tuần (ngày 13/11) khiến VN-Index không duy trì được sắc xanh tới hết phiên. Dù vậy, nhóm thép được dòng tiền luân chuyển vào và gần khắc phục thiệt hại trong 2 tháng giảm sâu.
Định vị thị trường
Chứng khoán châu Á phân hóa nhẹ với chiều tăng là các chỉ số TWSE (+0,94%), NIKKEI 225 (+0,05%), HSI (+1,3%), trong khi KOSPI (-0,24%), SET (-0,36%), KLCI (-0,49%), STI (-0,91%), xuất hiện ở chiều ngược lại.
VN-Index cũng có cả 2 diễn biến tăng/giảm trong cùng một phiên cho thấy tâm lý giằng co của nhà đầu tư trong nước. Dù khuất phục trước đà chốt lời nhưng biên độ giảm cũng không đáng kể.
Chất xúc tác
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những phiên không phát hành tín phiếu, qua đó đã bơm ròng trở lại hệ thống 49.999,7 tỷ đồng, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 153.199,5 tỷ đồng.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán BIDV (BSC), đây là tuần thứ 2 trong 3 tuần trở lại đây, xuất hiện diễn biến bơm ròng trở lại hệ thống. Điều này cho thấy, nhà điều hành đang giảm bớt đi sự kiểm soát hoạt động đầu cơ chênh lệch tỷ giá. Mức lãi suất liên ngân hàng hiện giảm về 0,56% ở kỳ hạn qua đêm, trong khi tỷ giá trung tâm được giữ trên 24.000 VND/USD.
Trong khi tỷ giá đã "dễ thở" hơn, NHNN cũng có thể tập trung hơn cho tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Cuộc họp sáng nay (ngày 13/11) đã được NHNN tổ chức với sự tham gia của nhiều bộ ngành, lãnh đạo các tập đoàn bất động sản hàng đầu.
Vận động thị trường
Nhóm cổ phiếu bất động sản thực tế chưa có phản ứng rõ ràng với cuộc họp tháo gỡ khó khăn. Một số mã DXG (+1,17%), DIG (+2,46%), NLG (+1,37%), HDC (+0,44%), PDR (+2,92%), chỉ tăng nhẹ.
Trạng thái phân hóa diễn ra ở nhiều nhóm ngành do chịu áp lực từ hoạt động bán chốt lời của nhà đầu tư bắt đáy khiến cho độ rộng đạt 53% mã giảm.
Các cổ phiếu lớn như VHM (-2,2%), VRE (-1,9%), VPB (-1,8%), SAB (-1,8%), VNM (-1,3%), đã gây ra nhiều áp lực trong phiên chiều khiến thành quả tăng điểm dễ dàng bị triệt tiêu.
Tương tự nhóm bất động sản, nhóm: Chứng khoán, năng lượng, dệt may cũng giao dịch trái chiều. Thực tế, chỉ có nhóm thép và nông nghiệp có được những diễn biến nổi bật với NKG (+4,88%), HSG (+4,12%), HPG (+2,64%), SMC (+6,8%), DBC (+5,26%), HAG (+3,45%), trong đó các cổ phiếu thép có sự tham gia của dòng tiền khá hùng hậu.
HPG đạt quy mô giao dịch gần 1.200 tỷ đồng, trong khi NKG và HSG đều đạt quy mô giao dịch trên 400 tỷ đồng. Qua đó, thị giá của các cổ phiếu này đều đã trở lại sát giai đoạn trước nhịp điều chỉnh.
Theo CTCK Mirae Asset (MAS), việc tăng giá điện thêm 4,5% có thể khiến lợi nhuận trước thuế của ngành thép giảm 23%. Tuy nhiên, thông tin này dường như không phản ánh vào vận động giá của cổ phiếu ngành thép trong các phiên vừa qua.
Chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,15% xuống 1.110,07 điểm. Thanh khoản đạt 789,44 triệu cổ phiếu, tương đương 16.040,78 tỷ đồng.
Còn HNX-Index giảm 0,24% xuống 226,11 điểm, UPCoM-Index giảm 0,06% xuống 85,98 điểm. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.200 tỷ đồng.