Pháp luật - Nghiệp vụ

Làm rõ trách nhiệm cựu giám đốc chi nhánh trong vụ tranh chấp bảo lãnh

Nguyễn Duy 16/11/2023 - 10:41

Ngân hàng đề nghị Tòa án triệu tập cựu giám đốc chi nhánh để làm rõ việc ký ban hành chứng thư bảo lãnh…

Tranh chấp kéo dài hơn 10 năm

Ngày 14/11, TAND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) mở lại phiên sơ thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng bảo lãnh giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Đầu tư PV2 và bị đơn là một ngân hàng ở Hà Nội.

Theo đó, năm 2011, PV2 ký kết hai hợp đồng cung ứng thép cho CTCP Đầu tư Vietsan và Chi nhánh của ngân hàng phát hành 2 chứng thư bảo lãnh với cam kết sẽ đứng ra thanh toán thay trong trường hợp Vietsan vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Ông Đỗ Đức Hưng, cựu Giám đốc chi nhánh Ngân hàng là người ký 2 chứng thư nói trên. Tuy nhiên, năm 2012, ông Hưng bị khởi tố, điều tra và sau đó bị xét xử, tuyên phạt 23 năm tù về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động ngân hàng.

Về vụ kiện, do Vietsan không thanh toán đủ tiền hàng cho PV2 nên doanh nghiệp này đã khởi kiện ngân hàng ra Tòa. Quá trình giải quyết vụ kiện này, hai cấp Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của PV2, buộc ngân hàng phải trả 25 tỉ đồng cả gốc và lãi. Năm 2013, bản án đã được thi hành, ngân hàng đã trả tiền cho PV2.

Nhưng đến tháng 4/2016, TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét lại vụ án theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm và quyết định án vì có vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Tháng 9/2023, TAND quận Nam Từ Liêm mở lại phiên tòa nhưng tạm dừng để ngân hàng cung cấp thêm chứng cứ. Phía ngân hàng sau đó giao nộp nhiều văn bản. Trong đó có Quyết định 528 năm 2010 của ngân hàng về mức phán quyết tín dụng.

Triệu tập cựu giám đốc chi nhánh làm rõ bảo lãnh

Trong quá trình giải quyết vụ án, luận điểm của hai bên tập trung vào việc chứng minh 2 chứng thư bảo lãnh là “thật’’ hay “giả’’, có hiệu lực hay không?

Tại phiên tòa lần này, phía ngân hàng tiếp tục cho rằng chứng thư bảo lãnh là vô hiệu vì người ký không có thẩm quyền. Theo Quyết định 528 thì mức phán quyết tín dụng tối đa của giám đốc Chi nhánh Ngân hàng đối với một khách hàng doanh nghiệp là 80 tỉ đồng. Vào thời điểm ông Hưng ký 2 bảo lãnh nói trên thì Công ty Vietsan đã vay hết hạn mức 80 tỉ đồng.

Trường hợp Vietsan vay thêm thì chi nhánh phải trình Chủ tịch HĐQT ngân hàng xem xét. Nhưng ông Hưng không trình Chủ tịch ngân hàng mà đã ký ban hành 2 chứng thư vượt thẩm quyền.

Để làm rõ bảo lãnh là thật hay giả, đại diện ngân hàng đề nghị Tòa án triệu tập ông Đỗ Đức Hưng để làm rõ Vietsan còn hạn mức tín dụng hay không, việc ký kết có vượt quá thẩm quyền?

Về phía PV2, đại diện doanh nghiệp cho rằng khách hàng không có nghĩa vụ phải biết các quy định nội bộ của ngân hàng và của chi nhánh. PV2 phản đối đề nghị triệu tập ông Hưng vì cho rằng trước đây, vụ kiện đã bị hủy án để chờ kết quả vụ án hình sự đối với ông Hưng. Hiện, vụ án đối với ông Hưng đã được xét xử xong, hai bảo lãnh không liên quan đến phạm vi vụ án hình sự.

Về chứng cứ ngân hàng mới giao nộp, đại diện PV2 cho rằng đây là các bản photo có dấu treo hoặc dấu giáp lai của ngân hàng, không được công chứng chứng thực, không đảm bảo điều kiện về chứng cứ trong tố tụng.

Ngoài ra, Quyết định 528 từng được ngân hàng giao nộp cho chính TAND quận Nam Từ Liêm vào năm 2012, khi lần đầu vụ án được xử sơ thẩm. Văn bản được giao nộp lần này có nhiều điểm không giống với văn bản năm 2012 dẫn đến đại diện PV2 nghi ngờ tài liệu đã bị chỉnh sửa, có dấu hiệu làm giả tài liệu.

Trước diễn biến phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát cho rằng chứng thư bảo lãnh không có hồ sơ, không thu phí, không theo dõi nên cần triệu tập ông Đỗ Đức Hưng để làm rõ và cần xem xét chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra vì có dấu hiệu tội phạm.

Sau hội ý, HĐXX đã quyết định tạm ngừng phiên tòa để triệu tập ông Đỗ Đức Hưng.

Nguyễn Duy