Hà Tĩnh: Cần phát huy tiềm năng kinh tế biển
Đánh giá cao những kết quả tích cực mà tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của địa phương này, trong đó nhấn mạnh: Hà Tĩnh cần phát huy hơn nữa tiềm năng kinh tế biển…
Chiều ngày 15/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (BKTTW) Trần Tuấn Anh, đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh ủy Hà Tĩnh đã báo cáo đoàn công tác về tình hình 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu và giải pháp của Nghị quyết, tỉnh Hà Tĩnh đã đặt ra mục tiêu “đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển”.
Về thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết, Hà Tĩnh đã đạt được một số kết quả như: Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong giai đoạn 2018 - 2022, tương đương mức bình quân chung cả nước; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt gần 44 triệu đồng, tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2018 nhưng vẫn còn thấp so với bình quân chung cả nước; tốc độ đổi mới công nghệ năm 2022 đạt 23%, tăng 2% so với năm 2020.
Sự cố môi trường biển trước đây đã được khắc phục, các hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với biển trở lại bình thường. Cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường vùng ven biển đã được xây dựng và hoàn thiện.
Thực hiện 3 đột phá chiến lược, Hà Tĩnh đã từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo sự chỉ đạo của Đảng, đồng bộ hóa các cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế biển theo hướng phát triển bền vững.
Đa dạng hóa công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động trong các ngành nghề kinh tế biển; ứng dụng khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; tập trung đầu tư hạ tầng các tuyến giao thông chiến lược.
Trong phát triển kinh tế biển, tỉnh chú trọng phát triển các ngành kinh tế biển và ven biển như du lịch biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản; phát triển công nghiệp ven biển.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban BKTTW Trần Tuấn Anh đã đánh giá cao những kết quả tích cực mà tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh nói chung, cũng như trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW và những chủ trương, định hướng của Đảng trong phát triển bền vững kinh tế biển nói riêng.
Tỉnh đã khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều cơ chế chính sách phù hợp. Tập trung phát triển các ngành kinh tế biển và ven biển, kinh tế hàng hải. Du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng đã có bước phát triển tốt... Nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản đã đạt được kết quả tích cực.
Tập trung đầu tư phát triển Khu kinh tế Vũng Áng và các khu, cụm công nghiệp ven biển. Tỉnh cũng đã đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và tăng cường điều tra cơ bản biển; tích cực chủ động huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng ban BKTTW Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra rằng, công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh còn một số tồn tại, hạn chế như: Cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển còn thiếu đồng bộ, thiếu liên kết. Kinh tế biển chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Công nghiệp ven biển chưa thực sự tạo ra động lực tăng trưởng rõ rệt cho nền kinh tế; hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng và các khu, cụm công nghiệp ven biển chưa đồng bộ. Quy mô sản xuất ngành thủy sản còn nhỏ; hoạt động du lịch biển còn mang tính thời vụ; chất lượng nguồn nhân lực ngành biển còn thấp…
Để thực hiện tốt Nghị quyết 36-NQ/TW trong thời gian tới, Trưởng ban BKTTW Trần Tuấn Anh đề nghị tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: Cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao và thống nhất nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về biển, đảo, về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế biển, nâng cao tỉ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP của Tỉnh, phát triển theo hướng bền vững.
Tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển. Sớm hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch các khu kinh tế ven biển.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; ngăn chặn triệt để ô nhiễm môi trường biển. Quan tâm đầu tư phát triển khoa học, công nghệ biển theo hướng tăng cường nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng nhân lực biển…