Vấn đề - Nhận định

Chính sách tiền tệ tín dụng hiệu quả và làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Nguyễn Đức Lệnh 16/11/2023 - 18:57

Tính từ đầu năm tới nay, đánh giá khách quan cho thấy hoạt động tín dụng nói chung và tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kết quả này, gắn liền với những giải pháp toàn diện về cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Trung ương (NHTW) thực hiện thông qua các chương trình hành động cụ thể, thiết thực của ngành Ngân hàng nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho các thị trường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đặt trong bối cảnh tình hình chung còn nhiều khó khăn thách thức.

Theo đó, cơ chế chính sách tạo nền tảng cho tăng trưởng: hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, NHTW đã ban hành và sử dụng đồng bộ các công cụ điều hành chính sách tiền tệ để góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng.

Việc kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát (chỉ số CPI bình quân 10 tháng tăng 3,43% so với cùng kỳ) từ đầu năm tới nay là kết quả nổi bật và mang đậm dấu ấn chính sách tiền tệ và điều hành chính sách tiền tệ của NTHW. Chỉ có ổn định kinh tế vĩ mô mới tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế, phát huy hiệu quả của tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.

Mặc dù con số tăng trưởng không cao, song đặt trong bối cảnh chung hiện nay, khi nhiều quốc gia và nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn do suy thoái, lạm phát. Thì kết quả đã đạt được có ý nghĩa rất quan trọng để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm và làm cơ sở nền tảng tốt cho năm 2024 - năm được dự báo còn nhiều khó khăn thách thức.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ tín dụng của NHTW còn hỗ trợ và tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động và đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, thông qua các công cụ thị trường mở, hạn mức tín dụng, lãi suất… tạo điều kiện về thanh khoản, về tín dụng và mở rộng khả năng đáp ứng vốn cho nền kinh tế, cũng như tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tiếp tục củng cố niềm tin thị trường, niềm tin chính sách của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư, với những kết quả tích cực về tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Chính sách tín dụng và lãi suất trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó chính sách lãi suất hợp lý và thấp đã giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí vốn, chi phí tài chính, đồng thời kích thích nhu cầu vay vốn, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển.

Hiện nay, chính sách tín dụng của NHTW đã và đang tác động đến toàn bộ các doanh nghiệp trong vai trò hỗ trợ theo 2 xu hướng tích cực: đối với doanh nghiệp còn khó khăn, thì việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi hoạt động, tạo lập dòng tiền và trả nợ vay ngân hàng; đối với doanh nghiệp hoạt động tốt, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, về lãi suất giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, mở rộng và tăng trưởng. Qúa trình này, đặc biệt có ý nghĩa đối với nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế: lĩnh vực xuất khẩu, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đơn cử như việc áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng không quá 4%/năm hiện nay mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp để tăng trưởng và phát triển. Riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tổng dư nợ cho vay đối với 5 nhóm ngành đạt 195.047 tỷ đồng. Đáng nói, đây là những khoản vay ngắn hạn, lãi suất thấp và vòng quay tín dụng cao (từ 2-3 vòng/năm) nên hiệu quả mang lại là rất lớn, gắn với doanh số cho vay; chu kỳ sản xuất kinh doanh và vòng quay vốn của doanh nghiệp. Hiện có 19.211 khách hàng trên địa bàn được thụ hưởng chính sách này.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới việc làm tốt chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp để đảm bảo thực thi chính sách hiệu quả, đảm bảo chia sẻ trách nhiệm và đồng hành cùng doanh nghiệp; đảm bảo cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ…. Tất cả những yếu tố được kết nối linh hoạt, đồng bộ giúp, thực hiện và đáp ứng trực tiếp nhu cầu cho doanh nghiệp.

Đến nay tại TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện được 30 hội nghị kết nối ngân hàng doanh nghiệp tại các địa bàn quận huyện của thành phố. Giải ngân cho vay với số tiền đạt 581 ngìn tỷ đồng, cho gần 180 nghìn khách hàng, bằng 111,7% so với gói tín dụng ưu đãi các TCTD đăng ký theo kế hoạch năm, với quy mô gói là 520 nghìn tỷ đồng.

Về việc tốc độ tăng trưởng tín dụng còn thấp, nguyên nhân chủ yếu là do khả năng hấp thụ vốn từ nền kinh tế. Thực tế cho thấy, nhu cầu vốn tín dụng thấp ở cả lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, 9 tháng, tín dụng tiêu dùng chỉ tăng 1,36%; tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng giảm 0,3%.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm và trong năm 2023, ngoài việc tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho các ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, thì rất cần các giải pháp, các chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng. Trước mắt cần khai thác tối đa tính chất mùa vụ của dịp tết cổ truyền âm lịch với tinh thần đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp để sản xuất, tiêu dùng cuối năm tăng trưởng tạo hiệu ứng lan tỏa cũng như nền tảng cho tăng trưởng năm 2024.

Nguyễn Đức Lệnh