Dragon Capital: Dòng tiền vào Việt Nam vẫn được duy trì tích cực ở cả xuất nhập khẩu, kiều hối và đầu tư
Theo Dragon Capital, dù chịu áp lực tỷ giá, dòng tiền vào Việt Nam vẫn được duy trì tích cực ở cả xuất nhập khẩu, kiều hối cũng như đầu tư, đặc biệt sau chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ
Sau sự kiện bùng nổ xung đột giữa Israel và Hamas, thị trường tài chính chung toàn cầu chứng kiến nhiều biến động khó lường. Các thị trường cổ phiếu chứng kiến mức giảm trên 10%, trong khi lợi suất trái phiếu tăng gần 0,3% ở hầu hết các kỳ hạn.
Trong tháng 10, giá vàng thế giới tăng 6,8% lên mức 2.000 USD/ounce. Chỉ số đồng USD (DXY) tăng 0,46% lên mức 106,66. Những biến động này đã có tác động xấu đến thị trường Việt Nam.
Theo Dragon Capital, tiền đồng gặp áp lực từ thị trường thế giới cộng hưởng với chênh lệch âm kéo dài giữa lãi suất VND và USD. Ngân hàng Nhà nước bắt đầu hút thanh khoản, hướng tăng lãi suất liên ngân hàng.
Trong vòng một tháng, lãi suất kỳ hạn qua đêm chạm ngưỡng 3,0% từ mức 0,2% trong tháng 9, trước khi hạ nhiệt về mức dưới 1% tại thời điểm cuối tháng. VND mất giá đến 1,4% trước khi chốt tháng ở mức 1,1% so với tháng trước.
Tỷ giá đã tăng 4,1% tính từ đầu năm so với đồng USD và là mức biến động lớn hơn so với mức tăng giá trị của đồng USD trên thị trường thế giới. Song song với đó, thị trường cổ phiếu Việt Nam giảm gần 11% trong tháng.
Tuy nhiên, các số liệu vĩ mô trong nước thể hiện những thay đổi từ ổn định đến tích cực. Lạm phát gần như không đổi với mức tăng chỉ 0,08% trong tháng 10 và 3,59% tính từ đầu năm. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 25,76 tỷ USD (tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước) với giá trị giải ngân đạt 18 tỷ USD (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước), tiếp tục đà giải ngân cao từ tháng 9.
Thặng dư thương mại đạt giá trị 24,6 tỷ USD, tăng nhảy vọt so với 9 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2022 và là mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Giải ngân đầu tư công đạt 65,7% mục tiêu cả năm, rất cao so với mức 46,4% trong 10 tháng đầu năm 2022.
Mặc dù các ngân hàng trung ương trong khu vực như Thái Lan, Philippines và Indonesia bắt đầu tăng lãi suất trở lại, Dragon Capital vẫn dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách ổn định mà không thay đổi lãi suất cơ bản.
Giải thích cho nhận định này, quỹ đầu tư này cho biết, hiện tại, tình hình lạm phát không đặt ra nhiều lo ngại, chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Cầu tiêu dùng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và sự giảm giá thịt lợn hơi đã giúp bù lại sự tăng giá của gạo và xăng dầu.
Mặt khác, dòng tiền vào Việt Nam vẫn được duy trì tích cực ở cả xuất nhập khẩu, kiều hối cũng như đầu tư; đặc biệt sau chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cam kết trong tháng 10 đã tăng lên 5,5 tỷ USD, gấp đôi so với bình quân 5 năm qua.
Chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm về việc VND vẫn duy trì sự ổn định cơ bản và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở đảm bảo tỷ giá và lãi suất ổn định và cân đối.
Lãi suất cho vay trong nước đã giảm khoảng 2,0-2,2% so với đầu năm nhưng một vài yếu tố trên thị trường thế giới khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp chưa giảm tương ứng.
Sự mạnh lên của USD đã tạo áp lực khiến cho dòng vốn đầu tư rút ròng khỏi châu Á và làm gia tăng biến động trên thị trường ngoại hối.
Bên cạnh đó, với mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì ở mức 5,25 - 5,50%, các khoản vay ngoại tệ của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ dần được tái tục với mức lãi suất cao hơn, qua đó tăng chi phí khi đi vay ở thị trường quốc tế.
"Điều may mắn là tổng nợ nước ngoài của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 35% GDP, tương đối thấp so với các nước thị trường mới nổi khác. Tuy nhiên, với lãi suất USD cao, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động hơn trong việc quản trị dòng tiền, cơ cấu nợ, và tối ưu trong việc cân bằng giữa nguồn vốn huy động trong nước và quốc tế", Dragon Capital lưu ý.