Chủ khu công nghiệp chuyên sâu duy nhất Việt Nam tiết lộ tổng vốn đầu tư các dự án cán mốc 3 tỷ USD, mục tiêu đạt 5,5 tỷ USD vào 2026
Tổng vốn đầu tư các dự án đã đi vào hoạt động tại PM3 đạt 3 tỷ USD, dự kiến đến năm 2026 nâng lên 5,5 tỷ USD. Suất đầu tư bình quân 8-9 triệu USD/ha.
“Phát triển bền vững Khu công nghiệp - nhìn từ kinh nghiệm thực tiễn của KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3” là một tham luận nhận được sự chú ý tại diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2023 diễn ra ngày 16/11 tại TP. Hồ Chí Minh.
Chia sẻ tham luận, ông Kazama Toshio, Phó Tổng Giám đốc CTCP Thanh Bình Phú Mỹ - Chủ đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đề cập, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm 9% tổng diện tích đất Việt Nam, dân số chiếm 17%, GDP bình quân đầu người gấp 2 lần bình quân cả nước, FDI thu hút chiếm 44% của Việt Nam.
Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu những lợi thế độc đáo, hấp dẫn phát triển công nghiệp nặng và hóa chất, 70% sản lượng thép tại Việt Nam được sản xuất tại đây. Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút đầu tư về dịch vụ cảng - logistics đồng bộ, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nước sạch, nguồn điện ổn định.
Địa bàn này có tới 6 nhà máy khí tự nhiên có thể sản xuất cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho các khu công nghiệp. Ở trung tâm của khu vực này là Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (PM3) - KCN chuyên sâu duy nhất tại Việt Nam được thành lập dựa theo thoả thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản vào tháng 12/2014.
Chính vì vậy, KCN có 2 ưu đãi gồm thời hạn thuê đất 70 năm đến tháng 12/2077; tiền thuê đất hằng năm được miễn 20 năm tính từ năm 2018. Dự án có diện tích 1.046 ha, đã hoàn thành giai đoạn 1, đang chuyển sang giai đoạn 2.
“Chúng tôi cam kết toàn bộ khu vực giai đoạn 2 sẽ hoàn thành trong 3 năm tới. PM3 có nhiều điểm thu hút đầu tư như vị trí địa lý chiến lược, tiệm cận với Cảng Cái Mép - Thị Vải, đường cao tốc, quốc lộ. Dự án có các đường ống dẫn khí, nguồn điện, nước ổn định, cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, dịch vụ một cửa chuyên nghiệp…”, ông Kazama Toshio cho biết.
Vị này nêu, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trực tiếp rất quan tâm đến việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, tìm kiếm các giá trị về môi trường, xã hội và quản trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có định hướng phát triển theo 3 mục tiêu lớn. Đó là kiện toàn cơ cấu ngành (tăng gấp đôi GDP); tỉnh tiên tiến về tăng trưởng xanh của vùng kinh tế phía Nam (lấy phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường làm chủ đạo); trở thành trung tâm logistic quốc tế (cửa ngõ mới của khu vực phía Nam).
Trong đó, PM3 được lựa chọn là KCN kiểu mẫu, KCN thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành thuộc chương trình phát triển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA đề xuất và đã được phê duyệt bởi chính quyền tỉnh vào tháng 9/2018. Do vậy, PM3 nâng tầm quan trọng của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), các giá trị về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
“Bên cạnh cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, đạt tiêu chuẩn quốc tế, chúng tôi cũng xây dựng cơ sở lưu trú cho người lao động, mục tiêu tạo nơi ở cho 10.000 công nhân. Dự án dự kiến triển khai quý II/2024 và tùy theo tiến độ khách hàng”, ông Kazama Toshio nói.
Vị này nói thêm, PM3 tăng tỷ lệ mảng xanh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất sạch, thường xuyên tổ chức và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, đóng góp cho cộng đồng thông qua các hoạt động thiện nguyện; tăng cường liên kết cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong KCN và giữa các KCN với nhau; nỗ lực thu hút các ngành công nghiệp phù hợp với tiêu chí trung hòa carbon mà Chính phủ Việt Nam hướng đến (các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại; năng lượng tái tạo, sản xuất xe điện và pin xe điện…).
Đồng thời, PM3 luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường và đồng hành, hướng dẫn các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN tuân thủ các quy định này; công tác quản lý giám sát môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố được tổ chức thực hiện bài bản, khoa học và hiệu quả bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
“Về thành quả, tổng vốn đầu tư các dự án đã đi vào hoạt động tại PM3 đạt 3 tỷ USD, dự kiến đến năm 2026 nâng lên 5,5 tỷ USD. Suất đầu tư bình quân 8-9 triệu USD/ha”, ông Kazama Toshio cho biết.
Chủ khu công nghiệp cần đồng hành với nhà đầu tư
Một lãnh đạo khác của PM3 cũng tham dự diễn đàn là bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Thanh Bình Phú Mỹ. Bà Nhi chia sẻ câu chuyện xây dựng và phát triển PM3 và tại sao từ 10 năm về trước đã quyết định đầu tư một khu công nghiệp kiểu mẫu khi chính sách chưa hoàn thiện.
Nữ lãnh đạo PM3 nêu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có sự kết hợp với JAICA trong phát triển mô hình KCN kiểu mẫu, với 15 KCN với tổng diện tích 8.000 ha. Trong đó, đã có 13 KCN đi vào hoạt động và KCN Phú Mỹ 3 là KCN thứ 11. Năm 2014, Phú Mỹ 3 được Thủ tướng quyết định thành lập KCN chuyên sâu. Trước đó, cuối năm 2011 đầu năm 2012, Chính phủ Việt Nam cùng Chính phủ Nhật Bản mong muốn thành lập 2 KCN hỗ trợ.
Qua tham khảo, học hỏi kinh nghiệm cũng như sự hướng dẫn của các chuyên gia quốc tế, PM3 quyết định theo đuổi theo mô hình sinh thái thay vì đi theo kiểu truyền thống. Có một bài toán đặt ra là phát triển KCN nhưng phải bảo vệ được môi trường và phát triển bền vững.
Cũng phải nói thêm, thời điểm đó, PM3 chọn chiến lược đầu tư dài hạn, nhưng chưa rõ thu hút đầu tư cái gì và có nguy cơ rủi ro. Do đó, PM3 làm KCN chuyên sâu, trong đó có công nghiệp, cộng sinh và sinh thái.
“Tùy thời điểm, chúng tôi có quy hoạch đồng bộ. Sau thời gian như vậy, các nhà đầu tư thấy chúng tôi làm được. Và kể từ năm 2017 đã có các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Chúng tôi thu hút 3 tỷ USD với từ 41 nhà đầu tư”, lãnh đạo PM3 chia sẻ.
Vì vậy, để phát triển KCN mang tính bền vững, bà Nhi cho rằng, trước tiên chúng ta phải xem lợi thế địa phương rồi định hướng chiến lược thu hút đầu tư và phải kiên trì với mục tiêu đó. Điểm mấu chốt là chúng ta phải hiểu lắng nghe đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn.
“Thu hút nhà đầu tư lớn là điều không đơn giản nên mình phải đồng hành cùng với họ ở từng bước. Các chủ đầu tư KCN phải xác định mình là trung gian để hỗ trợ kết nối giữa nhà đầu tư với chính quyền. Có sự đồng hành ấy, các nhà đầu tư sẽ đánh giá cao KCN và sẽ có nhiều lợi thế đón các nhà đầu tư khác”, bà Thảo cho biết.