Vấn đề - Nhận định

Cho vay tiêu dùng tăng chậm nhất trong 5 năm

P.V 17/11/2023 15:22

Tăng trưởng cho vay tiêu dùng đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, đến cuối tháng 9/2023, chỉ tăng 1,53% so với cuối năm 2022.

Trái ngược hoàn toàn so với mức tăng bình quân khoảng 20% mỗi năm trước đó, cho thấy lĩnh vực cho vay tiêu dùng đang gặp nhiều thách thức. Con số trên được đưa ra tại hội thảo "Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng và vấn đề thu hồi nợ hiện nay" do Hiệp hội Ngân hàng vừa tổ chức.

Cho vay ra tăng chậm, nhưng theo báo cáo tại hội thảo, tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng ngày càng cao, hiện lên gần 3,7%, cao hơn nhiều so với mức trên dưới 2% của giai đoạn từ 2018 - 2022. Ngoài nguyên nhân khách quan do kinh tế khó khăn, các công ty tài chính đã chỉ là thách thức mới đến từ tình trạng người vay rủ nhau bùng nợ, khiến họ không thể thu hồi khoản vay.

"Khi có một bộ phận không chịu trả nợ thì gây hệ lụy rất lớn cho xã hội. Thứ nhất là những người khác mất đi cơ hội tiếp cận tín dụng chính thức và nó sẽ đẩy những lúc khó khăn của họ sang tín dụng đen, mà đã dính vào tín dụng đen thì rất nguy hiểm", ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng, đánh giá.

Để tránh tình trạng này, các ý kiến cho rằng cần nâng cao ý thức trả nợ của người vay. Bởi nếu nghe theo lời rủ rê bùng nợ, chính người vay cũng hứng chịu rủi ro, sau này sẽ khó có thể vay vốn ở các tổ chức tín dụng khác. Đồng thời, hành lang pháp lý cần đảm bảo quyền lợi cho cả người vay và bên cho vay.

"Nghiệp vụ đòi nợ và quyền đòi nợ trong cho vay tiêu dùng phải được thể chế hóa khi đợt này sửa Luật Các tổ chức tín dụng thì cần có cái quyền của chủ nợ", ông Phạm Xuân Hòe nhận định.

Bên cạnh đó, các công ty tài chính, ngân hàng thương mại cũng cần thực hiện đúng các quy định cho vay và thu hồi nợ để giữ được niềm tin của người dân với các đơn vị cho vay chính thống. Hiện khoảng 2,7 triệu tỷ đồng đang cho vay tiêu dùng, chiếm trên 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

P.V