Việc phát triển tiền kỹ thuật số của Ngân hàng trung ương đã bước vào giai đoạn tiếp theo
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng trung ương (CBDC) có thể cải thiện hệ thống thanh toán cũng như khả năng tiếp cận tài chính nếu được thiết kế phù hợp. Nếu không, ngược lại có thể gây ra rủi ro.
Mặc dù không phải tất cả các quốc gia đều thấy cần phải triển khai CBDC ngay lập tức, nhưng nhiều quốc gia đang khám phá CBDC để có thể lựa chọn giới thiệu một CBDC trong tương lai nếu phù hợp với quốc gia đó. Lợi ích có nhiều khả năng đến theo thời gian, tiếp sau các chính sách mà các quốc gia theo đuổi và phản ứng của khu vực tư nhân, cũng như sự phát triển của công nghệ.
Trong hầu hết các trường hợp, sẽ rất hữu ích nếu các quốc gia tiếp tục khám phá CBDC một cách cẩn thận và có hệ thống, như Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva đã lưu ý trong bài phát biểu gần đây của bà tại Lễ hội Fintech Singapore năm nay (15-17/11).
Bahamas, Jamaica và Nigeria đã triển khai áp dụng CBDC. Và hơn 100 quốc gia đang trong giai đoạn thăm dò, trong số này, các ngân hàng trung ương ở Brazil, Trung Quốc, khu vực đồng euro, Ấn Độ và Vương quốc Anh đang đi đầu.
IMF gần đây đã ra mắt Sổ tay CBDC ảo với mục đích thu thập và chia sẻ kiến thức với các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới, đồng thời làm cơ sở cho sự gắn kết của IMF với chính quyền các quốc gia trong lĩnh vực này. Sổ tay dự kiến sẽ là một tài liệu sống sẽ được cập nhật và mở rộng khi kiến thức và phân tích phát triển cũng như khi những bài học và hiểu biết mới xuất hiện từ các quốc gia.
Các chương được xuất bản trong Sổ tay cho đến nay bao gồm các chủ đề về quy trình và chính sách:
Ngân hàng Trung ương nên khám phá tiền kỹ thuật số CBDC như thế nào? Các quốc gia quyết định theo đuổi CBDC sẽ đi theo những con đường khác nhau, tùy thuộc vào mức độ số hóa của nền kinh tế, khung pháp lý và quy định cũng như năng lực của ngân hàng trung ương. Các chuyên gia IMF đã đề xuất một quy trình ra quyết định năng động, ở đó các ngân hàng trung ương có thể tiến hành thực hiện bất chấp sự không chắc chắn và có thể điều chỉnh tốc độ, quy mô và phạm vi các sáng kiến của mình để ứng phó với những thay đổi trong điều kiện trong nước và quốc tế.
Hướng dẫn phát triển sản phẩm tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương. Để giúp hướng dẫn các ngân hàng trung ương khám phá và phát triển CBDC, IMF đã thiết lập hướng dẫn từng bước để giải quyết các yêu cầu phức tạp và rủi ro liên quan đến CBDC, được gọi đó là phương pháp 5P: chuẩn bị, chứng minh khái niệm, các mẫu đầu tiên, thí điểm và sản xuất.
Ý nghĩa của CBDC đối với việc truyền tải chính sách tiền tệ. Phân tích xem CBDC có thể ảnh hưởng như thế nào đến chính sách tiền tệ. Nhìn chung, việc truyền tải chính sách dự báo sẽ không bị ảnh hưởng nhiều trong các trường hợp bình thường, nhưng tác động có thể nghiêm trọng hơn trong môi trường có lãi suất thấp hoặc khi có căng thẳng trên thị trường tài chính.
Thực hiện các biện pháp quản lý dòng vốn với CBDC. Sổ tay giải thích cách thức CBDC có thể được thiết kế để tạo điều kiện cho thanh toán xuyên biên giới trong khi vẫn quản lý được dòng vốn. Với các công nghệ kỹ thuật số mới có thể lập trình cho cơ sở hạ tầng thanh toán, một số biện pháp quản lý dòng vốn có thể được triển khai hiệu quả hơn với đồng CBDC so với phương pháp truyền thống.
Vai trò của CBDC trong thúc đẩy tài chính toàn diện. Là một dạng tiền kỹ thuật số không có rủi ro và được chấp nhận rộng rãi, với chi phí tiềm năng thấp hơn và khả năng tiếp cận cao hơn, CBDC có thể giúp tăng mức độ tài chính toàn diện. Nếu được thiết kế hợp lý để tái tạo một số đặc tính của tiền mặt, CBDC có thể được chấp nhận như một cơ chế thanh toán cho những nhóm dân cư bị loại trừ về mặt tài chính - và trở thành điểm truy cập đầu vào hệ thống tài chính chính thức rộng lớn hơn.
IMF cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục khi các cơ quan này theo đuổi các công nghệ mới. Đồng thời sẽ tiếp tục đánh giá tác động tiềm tàng của CBDC đối với các lĩnh vực từ ổn định tài chính đến an ninh mạng và thanh toán xuyên biên giới, đồng thời xây dựng 5 chương đầu tiên này với các ấn phẩm mới dự kiến xuất bản năm tới. IMF cũng cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức toàn cầu khác, bao gồm cả Nhóm G20.