Lợi thế độc quyền xuất khẩu gạo thơm nhẹ của Việt Nam có thể bị mất vào tay Thái Lan
Hơn một tháng nay, các thương nhân Thái Lan chào bán ra thị trường các chủng loại gạo được cho là lợi thế độc quyền của Việt Nam như DT 8, OM 5451 và Jasmines 85. Điều này dẫn đến cạnh tranh phân khúc gạo thơm nhẹ giữa Thái Lan và Việt Nam càng trở nên gay gắt, nguy cơ mất thị trường vào tay doanh nghiệp Thái Lan đang hiện hữu.
Thái Lan chào bán gạo OM 5451 với tên gọi Hom Puang thấp hơn gạo Việt Nam từ 60-65 USD/tấn
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, gạo Basmati Ấn Độ có chất lượng ngon tương đương với gạo Đài Thơm 8 (DT8), OM 5451, Jasmines 85... (gọi chung là gạo thơm Việt Nam) nhưng giá lại đắt hơn nhiều, khoảng 1.000 USD/tấn, trong khi gạo thơm Việt Nam chỉ khoảng 700 USD/tấn, nên được các thương nhân Philippines lựa chọn và được người tiêu dùng Philippines ưa chuộng. Đây là các loại gạo có lợi thế lớn và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay.
Theo một chuyên gia phân tích thị trường gạo xuất khẩu, lợi thế gần như độc quyền của gạo thơm nhẹ Việt Nam đang bị Thái Lan đe dọa, vì từ 2-3 năm nay, nông dân Thái Lan đã canh tác được các giống lúa của Việt Nam như DT 8, OM 5451, Jasmines 85 và hơn 1 tháng nay họ đã bán được sang thị trường Philippines.
Bởi khi gạo OM 5454 của Việt Nam chào bán với giá từ 670-680 USD/tấn (FOB), thì các thương nhân Thái Lan cũng chào bán loại gạo này nhưng với tên gọi Hom Puang với giá bán từ 615 – 620 (FOB), thấp hơn giá bán gạo Việt Nam gần 60-65 USD/tấn.
“Thương nhân Thái Lan chào bán các loại gạo thơm nhẹ với giá cả vừa phải, họ đang cạnh tranh trực diện với các loại gạo độc tôn của Việt Nam bằng chính giống lúa của Việt Nam. Trong bối cảnh các hợp đồng xuất khẩu gạo ký giá khá thấp, đến thời gian giao hàng giá gạo bật tăng đã có doanh nghiệp Việt Nam mua gạo Hom Puang của Thái Lan giá từ 615 – 620 USD/tấn (FOB) giao tại cảng TP. Hồ Chí Minh để có đủ hàng giao cho nhà mua”, nhà phân tích thị trường nói.
Dự báo từ năm 2024 trở đi mọi chuyện sẽ không dễ dàng cho hạt gạo Việt Nam như khoảng thời gian 4-5 năm vừa qua, vì khi đó phân khúc gạo chất lượng trung cao không còn là vị thế độc quyền của riêng hạt gạo Việt Nam. Phân khúc thị trường gạo thơm nhẹ sẽ là cuộc đối đầu gay gắt giữa Thái Lan và Việt Nam. Khi đó, nguy cơ mất thị trường về tay thương nhân Thái Lan là câu chuyện có thật. Đặc biệt là Philippines – thị trường chủ lực của gạo Việt Nam nhập khẩu chủ yếu các loại gạo DT8, OM 18 và OM 5451.
Năm 2024, diện tích trồng lúa thơm của Thái Lan sẽ tăng cao
Theo Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan (TDRI), cạnh tranh với Việt Nam trở nên gay gắt do Thái Lan không thể cung cấp các loại gạo thị trường mong muốn với mức giá phù hợp.
Tuy nhiên, từ 2-3 năm nay, nông dân Thái Lan đã trồng được các giống lúa thơm nhẹ của Việt Nam. Dự kiến sang năm 2024, khi diện tích trồng các giống lúa thơm này tại Thái Lan tăng cao với giá bán rất cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất thế độc tôn.
Khi đó, buộc doanh nghiệp cạnh tranh về giá và thị trường xuất khẩu đối với các loại gạo lợi thế của Việt Nam. Từ đây, cuộc chơi sẽ bước sang giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, không chỉ ở góc độ doanh nghiệp mà người nông dân Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Trả lời tờ Nikkei Asia Review, ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, hiện có hơn 160.000 ha đất lúa tại miền trung Thái Lan đang trồng các lúa Việt Nam, nên không thể phân biệt được đâu là giống của Thái Lan, đâu là giống của Việt Nam.
Còn theo nhiều nông dân sống ở phía bắc Bangkok, các giống lúa Việt Nam đang trồng ở Thái Lan là giống Jasmine 85, DT 8, OM 5451. Đây là các giống lúa ngắn ngày, dễ trồng, phát triển tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, vì là giống ngắn ngày nên từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch chỉ sau hơn 90 ngày, hạt gạo cho chất lượng ngon, mềm… đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tại miền trung Thái Lan, với hệ thống thủy lợi tốt sẽ là thế mạnh giúp canh tác các giống lúa Việt Nam quanh năm.
“Thời gian canh tác ngắn nên nông dân có thể trồng nhiều vụ trong năm, trong khi giống lúa cao cấp như Hom Mali của Thái Lan khó canh tác thời gian canh tác hơn 120 ngày mới cho thu hoạch và chỉ thích hợp với một số khu vực phía đông bắc Thái Lan do lệ thuộc vào lượng mưa”, một nông dân Thái Lan nói.