Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững

Nhiều doanh nghiệp còn loay hoay trong tiếp cận nguồn tín dụng xanh

Hoàng Hà 23/11/2023 - 08:49

"Trong gần hai năm qua, nhóm các doanh nghiệp đã xác định chiến lược và có mô hình chuyển đổi xanh là rất ít. Còn lại phần lớn công ty đang trong tình trạng lo âu, không biết bắt đầu từ đâu", bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV cho biết.

phien-thao-luan-3.jpg
Các diễn giả thảo luận tại diễn đàn thường niên về Quản trị công ty lần thứ 6 với chủ đề “Khơi nguồn tài chính xanh và Quản trị xanh”

Tăng trưởng xanh được xác định là xu hướng tất yếu trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh đòi hỏi phải huy động được nguồn tài chính đa dạng và phong phú.

Thị trường tài chính xanh là kênh dẫn vốn quan trọng cho tăng trưởng xanh ở tất cả các nền kinh tế, nhưng đây lại là vấn đề khá mới mẻ đối với các thành viên tham gia thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung tại Việt Nam.

Việt Nam cần 368 tỷ USD để theo đuổi lộ trình chuyển đổi xanh

Phát biểu tại diễn đàn thường niên về Quản trị công ty lần thứ 6 với chủ đề “Khơi nguồn tài chính xanh và Quản trị xanh" ngày 22/11, ông Lương Hải Sinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu với cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26, đặt mục tiêu giảm 30% phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBCKNN, để chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết này là một chặng đường dài với nhiều khó khăn thách thức tại Việt Nam.

Ông Darryl James Dong, Kinh tế trưởng, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC tại Việt Nam cho biết, theo ước tính của IFC, để đạt được mục tiêu kép là thu nhập cao và trung hòa cacbon, Việt Nam cần đầu tư 6,8% GDP mỗi năm từ nay đến năm 2040. Con số này tương đương 368 tỷ USD, theo giá trị hiện tại, cho phát triển, thích ứng, và giảm nhẹ. Một nửa khoản đầu tư này dự kiến sẽ do khu vực tư nhân gánh vác.

Ông Darryl James Dong cho rằng, để tài trợ cho một tương lai ít cacbon như vậy, Việt Nam cần huy động mọi nguồn vốn sẵn có và triển khai các công cụ tài chính sáng tạo nhất của thị trường, bao gồm trái phiếu xanh, và trái phiếu liên kết bền vững, vốn đầu tư thông minh về khí hậu, và các công cụ trung gian.

"Quản trị môi trường, xã hội và khí hậu theo thông lệ tốt nhất chính là đồng tiền quốc tế để thu hút nguồn vốn đó. Nếu chúng ta có thể thay đổi một công ty, chúng ta có thể thay đổi một cộng đồng và nếu chúng ta thay đổi cộng đồng thì chúng ta có thể thay đổi thế giới để trở nên tốt đẹp hơn", ông Darryl James Dong nói.

Cũng tại diễn đàn các chuyên gia đều thống nhất rằng muốn tiếp cận được nguồn vốn xanh thì doanh nghiệp cần phải “xanh từ trong quản trị doanh nghiệp”. Để làm được điều này, trước hết doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về tài chính xanh, xác định những cơ hội và thách thức về tài chính xanh.

Đồng thời, cần xây dựng chiến lược trong việc xanh hóa hoạt động kinh doanh, đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh và tăng cường trách nhiệm với môi trường và xã hội; thực hiện quản trị xanh để nâng cao khả năng tiếp cận các công cụ tài chính xanh ưu đãi từ thị trường tài chính xanh trong và ngoài nước...

phat bieu.jpg
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIOD

Bàn thêm về vấn đề quản trị xanh, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) đánh giá, tại Việt Nam, khả năng hấp dẫn được các nguồn tài chính xanh đến từ các quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài đang ở mức độ hạn chế. Do đó, quản trị xanh đang là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm và đề cập đến để tiếp cận với nguồn vốn xanh.

Đặc biệt, quản trị xanh là hướng đến việc tạo ra các sản phẩm có tác động đến xã hội hay còn gọi là sản phẩm có trách nhiệm xã hội. Như vậy, quản trị xanh đã vượt lên trên quản trị truyền thống, quản trị chiến lược... mà ở đó, hội đồng quản trị là cơ quan lãnh đạo tối cao, định hướng chiến lược, giám sát chiến lược một cách hiệu quả và đảm bảo chắc chắn hiệu quả phát triển lâu dài với lợi ích của các nhà đầu tư và các cổ đông.

"Hội đồng quản trị là cơ quan quan trọng nhất đưa ra chiến lược ngắn hạn, trung hạn và đưa ra cam kết hành động cụ thể để có thể hấp dẫn các nguồn vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế", bà Thanh nhấn mạnh và cho biết thêm, hiện nay các quỹ đầu tư quốc tế sẵn sàng đầu tư khoảng 15,7 tỷ USD trong 10 năm tới cho các dự án chuyển đổi xanh, vấn đề là Việt Nam có hấp dẫn được nguồn vốn đó hay không, điều này còn tùy thuộc vào từng doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp phải coi quản trị xanh là chính từ nội tại của doanh nghiệp chứ không phải là cơ chế của nhà nước. Các doanh nghiệp phải coi quản trị xanh là điều kiện cần thiết và kiên quyết để hấp dẫn được nguồn tài chính xanh", bà Thanh nêu rõ.

Linh hoạt và chủ động để tiếp cận nguồn vốn xanh

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, hiện nay đa phần doanh nghiệp vẫn chưa nắm được các thông tin liên quan đến chuyển đổi xanh và họ gặp rất nhiều gặp áp lực về nguồn vốn đặc biệt này.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa chủ động tìm hiểu, tiếp cận các nguồn tín dụng xanh, xem dòng vốn này có dễ tiếp cận hơn không và làm sao để tiếp cận.

"Trong gần hai năm qua, nhóm các doanh nghiệp đã xác định chiến lược và có mô hình chuyển đổi xanh là rất ít. Còn lại phần lớn công ty đang trong tình trạng lo âu, không biết bắt đầu từ đâu", bà Thủy nêu thực tế.

Theo bà Thủy, một điểm có thể nhận thấy ở số ít những doanh nghiệp đã thành công trong tiếp cận nguồn tín dụng xanh từ các định chế tài chính quốc tế là lãnh đạo doanh nghiệp rất linh hoạt, chủ động đổi mới tư duy và không chờ đợi các nguồn tài chính xanh tìm đến.

Ở góc nhìn của một tổ chức tín dụng (TCTD), ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, hiện lãi suất ưu đãi tín dụng xanh đang thấp hơn từ 0,5 - 2% so với mức lãi suất thông thường nhưng vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng này.

Cũng theo ông Ánh, bản thân các ngân hàng trong quá trình chuyển dịch xanh cũng gặp không ít khó khăn như chưa có khung pháp lý rõ ràng về danh mục phân loại xanh quốc gia để làm cơ sở cho các TCTD huy động vốn cũng như cấp tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn thành vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, do vậy các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay, trong khi đó lại thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế để cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực xanh.

Ông Ánh kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nhanh chóng ban hành hướng dẫn phát triển ngân hàng xanh và tiêu chí phân loại xanh có tính tới sự phù hợp với các tiêu chuẩn thực hành tốt, để các TCTD có thể áp dụng cho vay các dự án xanh, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, với “room” tín dụng cấp hàng năm, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét tiêu chí tăng thêm tỷ lệ tăng trưởng, cấp tín dụng đối với các ngân hàng có tỷ trọng cấp cho lĩnh vực tín dụng xanh ở mức cao, nhằm khuyến khích các ngân hàng chuyển dịch cơ cấu, tạo danh mục tín dụng xanh, tín dụng bền vững.

Với các doanh nghiệp, ông Ánh cho rằng để tiếp cận tài chính xanh một cách dễ dàng hơn cần hiểu rõ hiện nay có hai nguồn tín dụng xanh, một là nguồn vốn từ ngân hàng nội địa và hai là từ các định chế tài chính quốc tế. Để tiếp cận được, điều kiện cần là phải hiểu được khung quản trị của chính doanh nghiệp mình, hiểu tiêu chuẩn của các định chế tài chính đưa ra khi giải ngân tín dụng xanh là gì. Cùng với đó, điều kiện đủ là phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tổng Giám đốc MB khẳng định, nếu đặt lên bàn cân giữa doanh nghiệp đã áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG (viết tắt của môi trường - xã hội - quản trị) và doanh nghiệp chưa có thì ngân hàng sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp có ESG.

Do đó, để tiếp cận được nguồn vốn xanh thì các doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ các giấy phép và chứng nhận sản phẩm/dịch vụ đạt tiêu chuẩn xanh. Đồng thời, đáp ứng khung quản trị rủi ro môi trường cũng như các tiêu chí tín dụng xanh của ngân hàng.

Hoàng Hà