Vấn đề - Nhận định

Đại biểu Phạm Đức Ấn: Kỳ vọng Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) tại kỳ họp này

P.V 23/11/2023 17:12

Cho rằng chỉ còn 2 ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Đức Ấn kỳ vọng Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) tại kỳ họp này.

ong-pham-duc-an(1).jpg
Đại biểu Phạm Đức Ấn – Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch HĐTV Agribank

Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong phiên họp chiều ngày 23/11, đại biểu Phạm Đức Ấn – Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch HĐTV Agribank đánh giá, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) là luật khó, có nhiều nội dung phức tạp, có tác động, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, cũng như đối với kinh tế vĩ mô.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) và Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, đại biểu Phạm Đức Ấn cho biết, rất ấn tượng với mức độ chi tiết, ký lưỡng và lý giải thấu đáo nhiều vấn đề đã được các ĐBQH đặt ra.

Trên thực tế, chỉ còn 2 ý kiến khác nhau về dự thảo Luật, do vậy, đại biểu Phạm Đức Ấn kỳ vọng: “Quốc hội sẽ nhấn nút thông qua dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) tại kỳ họp này”.

Tham gia vào nội dung cụ thể là “can thiệp sớm tại Điều 156 dự thảo Luật”, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, sự khác nhau giữa các ý kiến của ĐBQH là không nhiều. Trong đó, phương án thứ nhất để xác định can thiệp sớm là chỉ cần có yếu tố lỗ trên 15% vốn tự có và qũy dự trữ. Phương án thứ hai, có cách tiếp cận khác, từ an toàn vốn. Theo đó, ngoài việc bị lỗ lũy kế trên 15% thì còn cộng thêm về tỷ lệ vi phạm an toàn vốn.

“Theo tôi, cách tiếp cận này là hợp lý, vì khi bị lỗ lũy kế TCTD có thể sẽ được cổ đông hoặc chủ sở hữu tăng thêm vốn, hoặc TCTD cũng có thể cơ cấu các khoản nợ tương ứng và các khoản đầu tư có hiệu quả, khi được bán đi sẽ giải quyết được vấn đề lỗ lũy kế. Vì vậy, chưa nhất thiết phải áp dụng can thiệp sớm”, đại biểu Phạm Đức Ấn bày tỏ.

Do đó, với nội dung này, đại biểu Phạm Đức Ấn thấy rằng, nên dung hòa cả 2 phương án, đó là: Khi TCTD có lỗ lũy kế lớn hơn 15% giá trị vốn điều lệ, quỹ dự trữ, không có phương án khả thi để khắc phục lỗ lũy kế, được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận thì sẽ thuộc đối tượng của “can thiệp sớm”.

Về rút tiền hàng loạt, rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó cũng có nguyên nhân từ thông tin thất thiệt… thực chất, không hẳn liên quan đến rủi ro tín dụng. Vì vậy, đại biểu Phạm Đức Ấn kiến nghị nên trao quyền cho Ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng can thiệp sớm trong trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt.

Trong trường hợp có hiện tượng rút tiền hàng loạt, đại biểu cho rằng, việc các TCTD hỗ trợ lẫn nhau là điều rất cần thiết, vì nếu chỉ để một mình Ngân hàng Nhà nước giải quyết vấn đề sẽ là rất thách thức. Tuy nhiên, để đạt được điều này, thì ngoài Ngân hàng Nhà nước, cũng cần có cơ chế để các TCTD có thể hỗ trợ trực tiếp TCTD gặp vấn đề, cũng như phải có cơ sở pháp lý để bảo vệ các TCTD tham gia hỗ trợ.

Cho ý kiến về “Điều kiện kiểm soát đặc biệt tại Điều 162”, đại biểu Phạm Đức Ấn nghiêng về phương án thứ 2. Bởi theo đại biểu, kể cả trường hợp lỗ lũy kế đến 100% vốn điều lệ và quỹ dự trữ, nếu có sự can thiệp sớm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn là đưa vào kiểm soát đặc biệt. Thực tế, dấu hiệu lỗ lũy kế hay rút tiền hàng loạt cũng chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là nên giao trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước quyết định nội dung này.

Qua thực tiễn tại Mỹ và Thụy Sĩ thời gian qua, đại biểu cũng đề nghị, cần giao cấp có thẩm quyền là Thủ tướng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp đặc biệt ngoài tiền lệ, với một mục đích duy nhất là: Đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng để xử lý.

Liên quan đến Khoản 5, Điều 183 quy định cho vay đặc biệt bắt buộc phải có tài sản bảo đảm, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, nên xem xét, vì trong thực tế khi TCTD chưa thanh toán hết nợ cho người gửi tiền trong trường hợp cần thiết chưa làm thủ tục bảo đảm tài sản thì Ngân hàng Nhà nước vẫn phải có khoản cho vay đặc biệt. “Đây là nội dung rất cần được lưu ý”, đại biểu Phạm Đức Ấn nêu.

Trước đó, điều hành nội dung thảo luận về dự án luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan, nghiêm túc nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiến hành thêm rất nhiều hoạt động nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Dự thảo luật sau đó đã được trình tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách để tiếp tục thảo luận cho ý kiến, hoàn chỉnh gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tổ chức nhiều phiên họp cho ý kiến về dự thảo luật này.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật trình Quốc hội lần này gồm: 15 Chương, 203 Điều, tăng 2 Chương, 8 Điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, đồng thời đã chỉnh lý về nội dung và kỹ thuật tại 158 Điều.

P.V