Chứng khoán

Kỳ vọng dòng tiền thông minh dần quay lại thị trường

Uyên Tô 27/11/2023 - 11:35

Thị trường vừa trải qua một tuần giao dịch đầy biến động và nhiều khả năng chỉ số VN-Index đã tạo đáy thành công tại vùng 1.070-1.080 điểm.

Tuần trước, VN-Index giảm 15 điểm ngay khi mở cửa đầu tuần do những thông tin tiêu cực liên quan tới vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB đã gây ảnh hưởng tâm lý xấu tới nhà đầu tư.

Tuy vậy, thị trường sớm phục hồi, đóng cửa tăng điểm trong phiên đầu tuần và duy trì sắc xanh trong 2 phiên sau đó.

knakdv.jpg

Đà phục hồi được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu thép, chứng khoán và một vài cổ phiếu bất động sản. Kỳ vọng vào giá bán thép xây dựng tăng bên cạnh dự báo phục hồi của ngành xây dựng vào năm 2024 đã giúp nhóm cổ phiếu thép diễn biến tích cực trong một vài tuần gần đây.

Cụ thể, một số doanh nghiệp thép thời gian gần đây đã điều chỉnh giá thép xây dựng tăng từ 110.000- 410.000 đồng/tấn sau khoảng 3 tháng đi ngang nhờ tiêu thụ khởi sắc hơn.

Ở nhóm cổ phiếu xăng dầu, Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều như giảm thời gian điều chỉnh giá cơ sở từ 10 xuống 7 ngày, premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng hay cho phép các nhà bán lẻ nhận được xăng từ tối đa ba nhà phân phối đã hỗ trợ đà tăng điểm của nhóm cổ phiếu này.

Bên cạnh đó, nhóm bất động sản, đặc biệt là NVL được nhà đầu tư săn đón ở những phiên giữa tuần khi Thủ tướng họp nóng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản lớn, bao gồm Aquacity của NVL.

oialc.jpg

Tuy nhiên, thị trường bất ngờ bị bán mạnh trong phiên chiều ngày 23/11 khiến chỉ số VN-Index đóng cửa mất tới 25 điểm. Cú lao đầy bất ngờ trong thời gian ngắn khiến nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp và kích hoạt đà bán tháo. Đà giảm duy trì trong gần hết phiên cuối tuần trước khi lực cầu bắt đáy dâng cao giúp cho VN-Index phục hồi tăng 7 điểm vào cuối phiên.

Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.095,6 điểm, tương đương mức giảm 0,5% so với cuối tuần trước; chỉ số HNX-Index ghi nhận mức giảm 0,2% xuống 226,10 điểm và UPCoM-Index giảm mạnh 1,2% để đóng cửa tại 84.99 điểm.

iacbk.jpg

Tuần qua, MWG (-6,9%), TCB (-3,5%), VNM (-2,4%) là các cổ phiếu vốn hóa lớn kéo giảm thị trường. Ngược lại, đà hồi phục của chỉ số được dẫn dắt bởi BID (+1,7%), NVL (+9,3%) và VCB (+0,5%) đã kìm lại đà bán tháo của thị trường.

Thanh khoản đi ngang với giá trị giao dịch đạt 21.191 tỷ đồng (-0,2% so với tuần trước). Khối ngoại tiếp tục trở lại bán ròng trên cả 3 sàn, chủ yếu trên HOSE với giá trị 910 tỷ đồng (-32% so với tuần trước). HNX ghi nhận mua ròng nhẹ 5 tỷ đồng trong khi giá trị bán ròng trên UPCo,M đạt 49 tỷ đồng (-42% so với tuần trước). Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 954 tỷ đồng trên cả ba sàn.

Dự báo về diễn biến thị trường tuần tới, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, CTCK VNDIRECT giữ quan điểm xu hướng phục hồi của thị trường chứng khoán trong nước chưa bị vi phạm, đặc biệt là sau khi các chỉ số chứng khoán phục hồi ấn tượng. Nhiều khả năng chỉ số VN-Index đã tạo đáy 2 thành công tại vùng 1.070-1.080 điểm. Đồng thời, thị trường cũng đón nhận thêm thông tin vĩ mô tích cực.

Cụ thể, áp lực tỷ giá hạ nhiệt tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước ngừng phát hành tín phiếu và bơm trả lại thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Một số ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động, trong đó có BIDV giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng về còn 4,8%. Những diễn biến này cho thấy môi trường chính sách tiền tệ trong nước tiếp tục được duy trì theo hướng nới lỏng (hỗ trợ cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng).

“Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng dòng tiền thông minh sẽ bớt “tâm lý thận trọng” và dần quay trở lại thị trường. Hướng sang thị trường bất động sản, Chính phủ cũng đang hết sức quyết liệt gỡ vướng về mặt pháp lý cho các dự án bất động sản, trong đó có những dự án của các doanh nghiệp bất động sản lớn trên sàn như NVL”, ông Đinh Quang Hinh cho biết.

Nhìn sang Trung Quốc, Chính phủ nước này cũng đang có những động thái quyết liệt nhằm ngăn chặn đà giảm và vực dậy thị trường bất động sản. Có thể thấy rằng, xu hướng hỗ trợ tăng trưởng đang là xu hướng chung của nhiều nước châu Á không riêng gì Việt Nam. Với định hướng chính sách như vậy,có thể kỳ vọng vào xu hướng phục hồi của tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý IV/2023 và năm 2024, từ đó tạo xung lực cho thị trường chứng khoán.

Do vậy, nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong xu thế đi lên của thị trường để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên các nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh cải thiện tích cực trong quý IV như nhóm xuất khẩu (thép, đồ gỗ, nội thất,…), đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp và chứng khoán.

MBS Research đánh giá, trong khi chỉ số VN-Index còn đang loay hoay chưa vượt được đỉnh tháng 11 tương đương vùng 1.125 điểm (theo giá đóng cửa) thì nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ phần lớn đang ở trên ngưỡng này. Do vậy, trong kịch bản thị trường tiếp tục đi ngang dưới ngưỡng cản kỹ thuật 1.116 điểm, nhà đầu tư có thể lựa chọn cơ hội đầu tư ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Chuyên gia MBS Reseach khuyến nghị ưu tiên các nhóm cổ phiếu có câu chuyện trong quý IV như: chứng khoán với thanh khoản trở lại ngưỡng tỷ USD, đầu tư công với điểm rơi vào quý cuối năm, hay nhóm xuất khẩu (thủy sản, hóa chất, cảng biển, ...), bất động sản khu công nghiệp,…

djcf.jpg

Thị trường chứng khoán toàn cầu khép lại tuần tăng thứ 4 liên tiếp ở nhiều thị trường lớn, nối tiếp xu hướng đi lên mạnh mẽ trong tháng 11. Động lực cho xu hướng tăng điểm từ đầu tháng tới nay là kỳ vọng rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có thể chấm dứt việc tăng lãi suất và bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm hơn trong năm 2024. Bên cạnh đó, việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm và sự suy yếu của đồng đô la đã giải toả bớt áp lực giảm điểm đối với thị trường cổ phiếu.

Ngược dòng thế giới, chứng khoán Trung Quốc vẫn “dậm chân tại chỗ”. Bloomberg trích dẫn nguồn tin thân cận tuần qua cho biết, Trung Quốc có thể cho phép ngân hàng cấp các khoản vay ngắn hạn không cần tài sản đảm bảo cho một số doanh nghiệp bất động sản đủ điều kiện. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra biện pháp giải cứu này và là bước đi táo bạo nhất để xoa dịu cuộc khủng hoảng bất động sản đã đeo bám nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong vài năm qua.

Uyên Tô