Chứng khoán

VN-Index vượt 1.100 điểm nhưng nút thắt thanh khoản vẫn đang tạo ức chế tâm lý

Mai Hương 29/11/2023 16:53

Thị trường không có sóng ngành rõ rệt mà chỉ xuất hiện những đợt sóng "ngầm". Thanh khoản chưa ủng hộ cho các vị thế giải ngân lớn dù VN-Index đã có thêm một phiên vượt 1.100 điểm.

Định vị thị trường

Vận động của chứng khoán châu Á không đem lại nhiều sự định hướng cho thị trường Việt Nam. Phiên ngày 29/11, các thị trường KOSPI (-0,08%), NIKKEI 225 (-0,26%), TWSE (+0,17%), STI (+0,71%) giao dịch trái chiều trong biên độ hẹp.

So với phần lớn các thị trường kể trên, VN-Index đang có phần thua thiệt khi chỉ có thành tích tăng từ đầu năm 2023 dưới 10%. Chỉ số vẫn đang loay hoay với mốc 1.100 điểm và lại có một phiên rướn qua mốc chướng ngại này một lần nữa.

Chất xúc tác

Trong khi các chỉ số chứng khoán châu Á cũng như thế giới đều chưa hỗ trợ cho thị trường Việt Nam thì một biến số khác là tỷ giá lại có diễn biến rất đáng chú ý. Trong đêm qua, chỉ số DXY đã thủng tiếp mốc 103 điểm.

Với liên tiếp các mốc điểm bị xuyên thủng, Nhà điều hành chưa phải can thiệp vào vận động của tỷ giá. Trong phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không chào thầu tín phiếu trong khi có 11.950 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 11.950 tỷ đồng ra thị trường, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống chỉ còn 39.799,9 tỷ đồng.

hose-2023-11-29.png

Nhà đầu tư nước ngoài có phiên bán ròng hơn 100 tỷ đồng trên HOSE nhưng lại mua ròng 77,55 tỷ đồng trên HNX. Theo thống kê, MWG (-121,7 tỷ đồng), FUESSVFL (-100,5 tỷ đồng), STB (-48,3 tỷ đồng) là những cổ phiếu làm lệch cán cân giao dịch trên HOSE.

hnx-2023-11-29.png
Còn trên HNX, SHS (+56,83 tỷ đồng), PVS (+21 tỷ đồng) là những mã được mua vào mạnh.

Vận động thị trường

Thị trường được hỗ trợ khá nhiều từ hiệu ứng thông tin Quốc hội đã đồng ý giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Nhóm cổ phiếu Tiêu dùng, Bán lẻ đã có phản ứng khá tốt SAB (+2%), DGW (+3,5%), PET (+2,5%), MWG (+2,1%), FRT (+1%), PNJ (+1%). Trong khi đó, "ông lớn" ngành Bán lẻ xăng dầu là Petrolimex (PLX) cũng có một phiên tăng mạnh tới 6,2% kéo theo khá nhiều cổ phiếu Dầu khí cũng ghi nhận phản ứng tốt PVD (+4,6%), PVT (+1,8%) và PVS (+4,8%) trên HNX.

Tuy nhiên, với thị trường chung, phiên hôm nay chưa phải là một phiên bùng nổ. Độ rộng của HOSE đạt hơn 60% mã tăng giá nhưng thực tế các cổ phiếu tăng mạnh trên 2% xuất hiện không nhiều. Ngoài các cổ phiếu kể trên, chỉ có thêm NVL (+3,72%), HAG (+5,14%), TV2 (+6,98%), PC1 (+5,48%), DBC (+2,54%), HSG (+2,11%).

Phần lớn các nhóm ngành còn lại không vượt qua được biên độ 2% do chịu sức nặng tâm lý và thiếu hụt thanh khoản. VN-Index dù có một phiên tăng 7,37 điểm, vươn lên 1.102,8 điểm (+0,67%) nhưng với thanh khoản chỉ đạt 12.621 tỷ đồng lại không mang nhiều ý nghĩa rõ rệt.

Các nhóm ngành điểm sáng có thể vẫn tạo ra sóng "ngầm" trên thị trường nhưng nếu dòng tiền chưa đồng thuận thì tâm lý vẫn sẽ mang tính đầu cơ nhiều hơn.

Quy mô giao dịch của HNX và UPCoM cũng cho thấy dòng tiền chưa quá hứng khởi khi chỉ đạt hơn 2.000 tỷ đồng. HXN-Index tăng 1,18% còn UPCoM-Index tăng 0,45%.

Mai Hương