"Không có chuyện tham gia mô hình liên kết làm gia tăng chi phí sản xuất lúa gạo"
Có ý kiến cho rằng, khi doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết trong đề án “Một triệu hecta lúa chất lượng cao” sẽ làm tăng chi phí sản xuất, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, làm giảm tính cạnh tranh hạt gạo Việt Nam. Song, theo Cục Trồng trọt “không có chuyện tham gia mô hình liên kết làm gia tăng chi phí sản xuất lúa gạo”.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã kiến nghị Bộ Công Thương bổ sung quy định “các doanh nghiệp phải có hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu lúa mới đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo” vào Nghị định sửa đổi Nghị định 107 mà Bộ này đang lấy ý kiến.
Không yêu cầu hay bắt buộc doanh nghiệp phải tham gia vào đề án
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NNPTNT cho rằng, trong năm 2023, biến động về giá gạo rất nhanh dẫn đến những tác động không mong muốn cho những doanh nghiệp đã ký hợp đồng sớm, giá thấp đến khi thu mua giao hàng cho khách giá gạo tăng cao gặp không ít khó khăn, nên có nhiều doanh nghiệp bị lỗ tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp có lãi.
Theo ông Cường, đây là vấn đề thị trường nên doanh nghiệp cần có những phân tích đánh giá tình hình thời điểm ký hợp đồng, xác định giá bán chính xác hơn.
“Các doanh nghiệp trước khi ký hợp đồng cần phải đánh giá xu thế thị trường gạo thế giới, lượng gạo dự trữ tồn kho của mình, tình hình nguồn cung lúa gạo trong nước, nhu cầu thị trường thế giới ra sao, để ký hợp đồng với mức giá tốt nhất có thể và thời điểm giao hàng phù hợp”, ông Cường nói.
Mặt khác, đa số các doanh nghiệp không mua được gạo vì họ quen kinh doanh theo kiểu ăn đong, có đơn hàng rồi mới đặt hàng cho thương lái đi mua, còn những doanh nghiệp có liên kết sản xuất với nông dân hoặc HTX như Công ty Trung An hay Tập đoàn Lộc Trời, giá lúa gạo tuy có tăng nhưng họ hoàn toàn không gặp khó khăn về nguồn hàng. Sau khi giá lúa tăng các doanh nghiệp đã thỏa thuận lại với nông dân trong liên kết, nên vẫn đảm bảo được lợi nhuận của bà con và giá cả cũng không quá nhảy múa.
“Tôi xin nhắc lại, vấn đề liên kết sản xuất là cực kỳ quan trọng, giúp đảm bảo bền vững chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, đặc biệt là chuỗi giá trị lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì vậy, tôi muốn mọi người hiểu rằng sẽ không có chuyện tham gia mô hình liên kết làm gia tăng chi phí sản xuất lúa gạo.
Chúng ta tạo ra mối liên kết này để đảm bảo quy trình áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới được tốt hơn, thuận tiện hơn và có sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Như vậy, tổ chức liên kết sản xuất là hướng đến giảm chi phí sản xuất chứ không thể làm cho chi phí tăng thêm”, ông Cường khẳng định.
Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng cho biết thêm, trong đề án một triệu hecta lúa bộ không yêu cầu để tham gia doanh nghiệp phải có hợp đồng xuất khẩu, mà phải có hợp đồng liên kết đảm bảo sự bao tiêu của họ khi tham gia đề án. Bộ NNPTNT khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đề án vì họ là động lực, là trung tâm để thúc đẩy việc thực hiện đề án cũng như phát triển chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Đây là khuyến khích, động viên thông qua cơ chế, chính sách, không yêu cầu hay bắt buộc phải tham gia. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách ưu đãi trong đề án sẽ làm động lực khuyến khích thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo.
Việt Nam chưa bao giờ Việt Nam khan hiếm gạo 5% tấm
Đối với thông tin thời gian qua Việt Nam khan hiếm các giống lúa làm gạo 5% tấm xuất khẩu, vì diện tích sản xuất lúa IR 50404 giảm xuống chỉ còn khoảng 10%/tổng diện tích sản xuất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, việc sản xuất các giống lúa làm gạo 5% tấm hay 10% tấm, gạo thơm hay gạo chất lượng cao hoàn toàn theo yêu cầu thị trường, việc định hướng về cơ cấu giống và thời vụ sản xuất giữa Bộ NNPTNT mà đại diện là Cục Trồng trọt luôn phối hợp, tham khảo các ý kiến của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các doanh nghiệp trên cơ sở định hướng chung để Cục có những định hướng bố trí cơ cấu thời vụ, bố trí cơ cấu giống đảm bảo có đủ lượng gạo tốt nhất, phù hợp nhất với yêu cầu của thị trường.
“Tôi xin khẳng định chưa bao giờ Việt Nam khan hiếm gạo 5% tấm nếu như có nhu cầu xuất khẩu, diện tích trồng lúa IR 50404 giảm xuống chỉ còn khoảng 10% so với trước đây, vì bây giờ có rất nhiều giống lúa cho chất lượng gạo tương tự như lúa IR 50404 đang được phát triển", ông Cường khẳng định và cho biết thêm: "Nếu như có thông tin nhu cầu thị trường về loại gạo này tăng cao thì các địa phương và Cục Trồng trọt có thể điều chỉnh diện tích trồng lúa IR 50404 tăng lên 20% thậm chí 30%, vì chúng ta biết rằng ở ĐBSCL không lúc nào không có lúa trên ruộng, mỗi vụ lúa ở đây chỉ có 3 tháng là thu hoạch”.
Vụ Đông Xuân 2023-2024, các tác động của El Nino lên sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng sẽ giảm xuống mức thấp nhất. Năm 2023, cả nước có trên 43 triệu tấn lúa, và theo kế hoạch đến tháng 1/2024, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có trên 1 triệu tấn lúa thu hoạch, giúp các doanh nghiệp đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu cũng như đảm bảo vấn đề an ninh lương thực quốc gia.