Để triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững: Không thể vỗ tay bằng một bàn tay
"Để triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững cần có sự tham gia đồng bộ của tất cả các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương. Nếu chỉ một mình ngành Ngân hàng thì không khác gì chúng ta "vỗ tay bằng một bàn tay" thì không thể thực hiện được chiến lược quan trọng này".
Quan điểm trên được bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đề cập khi chia sẻ về “Sự cần thiết của tín dụng xanh, cơ chế tạo động lực thúc đẩy nguồn vốn, thúc đẩy sản xuất xanh và bền vững, những kinh nghiệm cụ thể của Agribank”, tại hội thảo Hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh” vừa tổ chức.
Bà Phùng Thị Bình cho biết, với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank xác định mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường và quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Hiện Agribank đang triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đây cũng là một trong những mắt xích quan trọng chuỗi liên kết phát triển bền vững và hỗ trợ giảm phát thải.
Dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank cũng có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm. Cụ thể: Giai đoạn 2018 - 2020, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng nhanh chóng từ 100 - 380%/năm (từ xấp xỉ 2.000 tỷ đồng năm 2018 lên hơn 13.000 tỷ đồng năm 2020). Sau giai đoạn này, do ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô như đại dịch COVID-19, căng thẳng leo thang giữa Nga - Ukraina và các nước phương Tây, suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam... tốc độ tăng trưởng dư nợ có sự suy giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn khá ổn định về giá trị cho vay lẫn số lượng khách hàng.
Đến ngày 31/10/2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt hơn 12.000 tỷ đồng, với gần 42.000 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ lĩnh vực lâm nghiệp bền vững khoảng 7.000 tỷ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ tín dụng xanh; tiếp đến là lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch với dư nợ đạt gần 3.000 tỷ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ tín dụng xanh; thứ ba là lĩnh vực nông nghiệp xanh với dư nợ gần 2.000 tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ tín dụng xanh.
Xét về số lượng khách hàng vay vốn, lĩnh vực lâm nghiệp bền vững chiếm tỷ lệ cao nhất với 99% tổng số khách hàng (khoảng 42.000 khách hàng). Tuy nhiên, các dự án cho vay với giá trị lớn chủ yếu lại thuộc về lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, bao gồm các dự án cho vay điện gió.
Tuy vậy, việc triển khai cho vay đối với lĩnh vực tín dụng xanh gặp nhiều khó khăn, có thể kể đến như: Khó khăn về về cơ chế và khuôn khổ pháp lý cho việc tạo nguồn và giải ngân vốn tín dụng xanh, các vấn đề cần hoàn thiện; đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh tại Việt Nam hiện nay thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao, nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay; nhận thức của người vay, của nông dân... về tín dụng xanh còn hạn chế, sản xuất mang tính lợi ích trước mắt, bỏ qua các quy chuẩn về hàng hoá, môi trường; việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu sẽ là khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng…
Để tháo gỡ khó khăn ngân hàng đang gặp phải, góp phần thúc đẩy việc hấp thụ vốn tín dụng xanh nói riêng, các nguồn vốn xanh khác như trái phiếu xanh, hoặc phát hành chứng chỉ carbon... bà Phùng Thị Bình đề xuất một số giải pháp như: Các cơ quan liên quan cần rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, sớm ban hành Danh mục phân loại xanh làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Đồng thời, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh của từng ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh, phát triển thị trường tín chỉ cacbon,...
Tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam. Tăng cường chủ động tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các bộ, ban, ngành đầu mối hoặc tiếp cận trực tiếp các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ, huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu xanh để tài trợ các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, tiết kiệm năng lượng.
Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh. Điều này góp phần giúp các ngân hàng thu hút được nhiều đối tượng khách hàng và nâng cao khả năng cạnh tranh. Tăng cường đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cho người vay, nông dân, nhân viên ngân hàng về hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh….
Chia sẻ về định hướng thời gian tới tại Agribank, bà Phùng Thị Bình cho biết, Agribank sẽ triển khai áp dụng ESG toàn diện và hiệu quả trong hệ thống Agribank, bao gồm: Xây dựng bộ chính sách ESG (Chính sách quản trị rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Khung tài chính xanh và khung tài chính xã hội, các chính sách ESG trong hoạt động vận hành của ngân hàng…); xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh và thu hút các nguồn vốn quốc tế xanh và bền vững; hoàn thiện mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện ESG.
Agribank cũng sẽ triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường… phù hợp với định hướng kinh doanh, phân khúc khách hàng, thị trường mục tiêu cũng như năng lực, thế mạnh của Agribank. Đồng thời, chủ động tìm kiếm, tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các bộ, ngành đầu mối hoặc các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ, Quỹ tín thác tín dụng xanh… để tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh. Chuẩn bị để phát hành trái phiếu xanh tăng vốn….
“Để triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững cần có sự tham gia đồng bộ của tất cả các cơ quan, ban, ngành, từ trung ương đến địa phương. Nếu chỉ một mình ngành Ngân hàng thì không khác gì chúng ta vỗ tay bằng một bàn tay thì không thể thực hiện được chiến lược quan trọng này”, bà Phùng Thị Bình nhấn mạnh.