Phân hóa nhẹ xuất hiện, VN-Index tạm lùi lại để lấy đà
Dù đã vươn qua MA200 ở phiên hôm qua nhưng thị trường cho thấy, dòng tiền chưa sẵn sàng cho hiện tượng FOMO. VN-Index đã có ngay nhịp lùi lại để kiểm tra lại cung cầu trên thị trường.
Định vị thị trường
Các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt giảm nhẹ khi nhà đầu tư đang xem xét các số liệu vĩ mô được công bố. Hiện Hàn Quốc đã công bố số liệu lạm phát tháng 11/2023 giảm xuống 3,3%, trong khi mức kỳ vọng được Reuters khảo sát là 3,7%.
Còn Nhật Bản công bố mức lạm phát 2,6%, giảm so với mức 3,3% của tháng 10/2023. Trong khi đó, chỉ số PMI ngành dịch vụ của Trung Quốc lại lên cao nhất trong 3 tháng.
Các chỉ số NIKKEI 225 (-1,37%), TWSE (-0,54%), KOSPI (-0,82%) giảm quanh 1%, trong khi CSI 300 (-1,9%) của Trung Quốc lại rơi xuống mức thấp nhất trong 4 năm.
Hiệu ứng chung của khu vực cũng ít nhiều khiến cho tâm lý của thị trường Việt Nam có đắn đo hơn. Trong phiên giao dịch ngày hôm nay (ngày 5/12), VN-Index đã lùi lại dưới đường xu hướng dài hạn, đóng cửa giảm 0,4%.
Chất xúc tác
Phiên đầu tuần phần nào đó đã gợi mở về hiện tượng "bùng nổ theo đà" của chỉ số khi dòng tiền đã có sự đột phá với quy mô giao dịch của 3 sàn đạt trên 1 tỷ USD.
Dù vậy, việc quan sát chuyển động các phiên liền kề cũng không kém phần quan trọng. Khớp lệnh ở phiên hôm nay đã giảm 27,5% xuống 753 triệu đơn vị, dưới mức bình quân 20 phiên.
Đóng góp của nhà đầu nội vẫn chiếm tỷ trọng cao, đạt 92,2% trong khi khối ngoại có sự tăng cường giao dịch theo chiều bán. Khối này bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng trên HOSE, tập trung vào các mã lớn như HPG (-188 tỷ đồng), FUESSVFL (-173,6 tỷ đồng), VHM (-172 tỷ đồng), VCB (-100 tỷ đồng), VNM (-91,6 tỷ đồng).
Vận động thị trường
Các mã lớn kể trên đều đóng cửa giảm cuối phiên: HPG (-0,91%), FUESSVFL (-1,26%), VHM (-1,94%), VCB (-0,7%), VNM (-1,02%). Trong khi nhóm ngân hàng cũng không có được sự dẫn dắt tâm lý khi VPB (-1,8%), SHB (-1,4%), STB (-1,4%), BID (-0,4%) cũng điều chỉnh.
Tác động của các cổ phiếu lớn dễ dàng phản ánh vào VN30 lẫn VN-Index. VN30 đã giảm 0,61% còn VN-Index giảm 0,4% xuống 1.115,97 điểm. Độ rộng của HOSE chỉ ghi nhận 23% mã tăng so với 60% mã giảm giá.
Như vậy, hiện tượng FOMO sau khi VN-Index vươn lên trên MA200 đã không được ghi nhận. Thay vào đó, chỉ số buộc phải lùi lại ngay dưới ngưỡng này.
Nhiều nhóm cổ phiếu có thể đã "phá kén" ở phiên đầu tuần đều có hiện tượng tạm thời lùi lại. Điển hình là nhóm chứng khoán với SSI (-0,89%), VND (-0,86%), VIX (-0,56%), HCM (-0,81%), FTS (-0,67%), ORS (-0,29%), BSI (-1,04%) cùng điều chỉnh nhẹ. Tương tự là nhóm thép với NKG (-1,3%), POM (-1,1%), SMC (-1,5%).
Nhóm bất động sản lại xuất hiện sự phân hóa nhẹ với TDC tăng trần, DXG tăng 2,18% trong khi PDR (-1,41%), DIG (-0,19%), KDH (-1,53%), VPI (-1,43%), TCH (-1,96%) cùng giảm dưới 2%.
Nhóm khu công nghiệp, xăng dầu có những gương mặt nổi nhất sàn là PSH, IJC, BCM tăng trần nhưng hiệu ứng lan tỏa chưa được ghi nhận ở các cổ phiếu còn lại.
Kết quả giao dịch của HNX và UPCoM do đó chuyển sang giằng co. Chỉ số HNX-Index chỉ tăng 0,01% còn UPCoM tăng 0,06%.