Mới có 2 doanh nghiệp xăng dầu xuất lẻ hóa đơn, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương phối hợp chỉ đạo
Bộ Tài chính vừa có Công văn 13348/BTC-TCT gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW về việc phối hợp chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng hoá đơn điện tử (HĐĐT) đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Công văn do Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn ký cho biết, trong thời gian qua, được sự quan tâm, giúp đỡ và sự phối hợp chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Thành uỷ, UBND tỉnh, thành phố, công tác quản lý thu của ngành thuế đã đạt được những kết quả tích cực.
Ngành thuế đã từng bước thực hiện có kết quả việc cải cách và hiện đại hoá công tác thuế, đặc biệt là việc triển khai thành công HĐĐT trên toàn quốc, đến nay tất cả các tổ chức, doanh nghiệp đã thực hiện xuất HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, Bộ Tài chính dẫn quy định tại điểm i khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, trong đó quy định: “Thời điểm lập HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu”.
Tuy nhiên, đến nay, theo thống kê sơ bộ thì mới chỉ có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh thực hiện việc xuất HĐĐT sau từng lần bán hàng với khoảng trên 2.700 cửa hàng, chiếm khoảng 16% tổng số cửa hàng BLXD trên cả nước.
Các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bans lẻ xăng dầu còn lại mặc dù đã thực hiện HĐĐT nhưng chưa thực hiện được việc lập HĐĐT đối với từng lần bán hàng theo quy định nêu trên.
Ngày 18/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1123/CĐ-TTg về tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số quốc gia và ngày 01/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1284/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Để thực hiện hiệu quả chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện nêu trên, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 04/CT-BTC ngày 24/11/2023 yêu cầu Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số quốc gia, Tổng cục Thuế có Công văn 5080/TCT-DNL ngày 13/11/2023 chỉ đạo các Cục Thuế địa phương khẩn trương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy việc triển khai phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu.
Tại Công văn này, Bộ Tài chính đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng tâm như sau:
Thứ nhất, quán triệt đầy đủ, kịp thời quan điểm, nhận thức về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, đặc biệt là quy định về lập HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP là một trong các nhiệm vụ bắt buộc, quan trọng phải thực hiện tại địa phương.
Thứ hai, chỉ đạo các cơ quan ban ngành tại địa phương (công thương, công an, thông tin và truyền thông, kế hoạch và đầu tư, khoa học và công nghệ,…) phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế thành lập các đoàn liên ngành làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu để nắm bắt thực tế việc triển khai phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng, thực tế hạ tầng kỹ thuật, mức độ, khả năng đáp ứng việc triển khai áp dụng HĐĐT theo từng lần bán hàng của tất cả các cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu tại địa phương; làm việc với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp.
Từ đó, tham mưu, đề xuất với UNND tỉnh, thành phố các giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả thúc đẩy các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thực hiện được việc phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1123/CĐ-TTg, Công điện 1284/CĐ-TTg; phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.
Thứ ba, chỉ đạo Sở Công Thương, cơ quan quản lý thị trường phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện giám sát chặt chẽ, tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu (KDXD) của các đơn vị KDXD trên địa bàn, đặc biệt là quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023 của Chính phủ về nghĩa vụ của thương nhân KDXD đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong việc thực hiện quy định về HĐĐT và cung cấp dữ liệu HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan thuế; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về điều kiện KDXD; phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về HĐĐT theo từng lần bán hàng của đơn vị kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các đài, báo tại địa phương phối hợp với cơ quan thuế tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp, giải pháp tuyên truyền đến người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh, bán lẻ xăng dầu hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc thực hiện quy định phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP, các hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý thuế. Đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp qua nhiều kênh thông tin, các tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền về việc triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu đều được đăng tải trực tuyến trên trang web của Tỉnh và các trang mạng xã hội hợp pháp.
Thứ năm, chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn nắm bắt kịp thời các hình thức gian lận mới về HĐĐT nói chung và HĐĐT đối với kinh doanh xăng dầu nói riêng nhằm mục đích thu lợi bất chính hoặc chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước để có giải pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý theo quy định.
Bộ Tài chính khẳng định, việc thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán xăng dầu sẽ góp phần giúp tăng cường kiểm soát việc phát hành hóa đơn, quản lý doanh thu và thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu,… đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, tăng thu ngân sách nhà nước. Để thực hiện thành công mục tiêu này cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tại địa phương, tạo sự đồng thuận trong việc triển khai, tạo thói quen tiêu dùng văn minh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Bộ Tài chính đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Tài chính trong công tác quản lý thuế nói chung và triển khai HĐĐT đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu nói riêng, xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện…”- Công văn của Bộ Tài chính lưu ý.