Nghiên cứu - Trao đổi

Tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận chính sách tín dụng phát triển sản xuất của nông dân

Đinh Tấn Phong* 06/12/2023 08:30

Năng lực về tài chính là một trong các vấn đề lớn của nông hộ trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp. Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP nhằm giải quyết vấn đề này.

chinh-sach-tin-dung-cua-nong-dan.jpg
Năng lực về tài chính là một trong các vấn đề lớn của nông hộ trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp

Theo đó, quy định về cơ chế đảm bảo tiền vay đối với việc cho vay không có tài sản bảo đảm như sau: tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, trừ trường hợp cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn (khoản 3 Điều 1); tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm (điểm c khoản 2 Điều 9); tối đa 500 triệu đồng đối với hộ nuôi trồng thủy sản có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức chế biến và xuất khẩu trực tiếp (điểm đ khoản 2 Điều 9); tối đa 01 tỷ đồng đối với chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (điểm e khoản 2 Điều 9). Như vậy, có thể thấy nếu các nông hộ, nông dân chuyển đổi và hình thành mô hình kinh tế trang trại trong sản xuất nông nghiệp thì mức cho vay sẽ rất cao so với hộ nông dân “bình thường”.

Những khó khăn, hạn chế trong thực tiễn

Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp vẫn luôn là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng các cơ chế xử lý, phòng ngừa rủi ro như bảo hiểm trong nông nghiệp chưa được triển khai mạnh mẽ nên đã ảnh hưởng lớn đến năng lực tài chính, cũng như khả năng trả nợ khi gặp rủi ro trong sản xuất, kinh doanh của người nông dân. Điều này khiến cho các ngân hàng thương mại thông thường không “mặn mà” khi cho người nông dân vay vốn.

Thứ hai, trình độ của người nông dân ở nước ta hiện nay còn khá thấp dẫn đến thiếu những kiến thức cần thiết cho việc lập các dự án, quản lý và có kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, nhiều chủ trang trại sử dụng vốn vay không đúng mục đích, đầu tư không đúng đối tượng nên hiệu quả mang lại không cao. Điển hình là tình trạng sử dụng vốn vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn dẫn đến mất cân đối nguồn vốn, không tạo được nguồn trả nợ vay cho ngân hàng. Thực trạng này đã khiến cho phần lớn các ngân hàng càng thiếu cơ sở vững chắc để tiếp tục triển khai các gói cho vay cho các hộ nông dân.

Một số giải pháp

Thứ nhất, nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về các biện pháp xử lý rủi ro đối với các khoản vay tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm bảo đảm lợi ích cho các ngân hàng thương mại, để các ngân hàng này có thể tự tin và yên tâm hơn đối với các trường hợp cho vay không có tài sản bảo đảm theo quy định hiện hành.

Thứ hai, quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tham gia tích cực vào xuyên suốt quá trình cho vay tín dụng triển khai các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn của các hộ nông dân. Theo đó, chính quyền địa phương cần xác nhận các dự án sản xuất nông nghiệp mà địa phương khuyến khích cho vay; tham gia cùng ngân hàng, hội nông dân trong việc tư vấn lập dự án, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn vay; cùng với cán bộ tín dụng của ngân hàng thường xuyên kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay của nông hộ. Để thực hiện được tốt hoạt động này, chính quyền địa phương cần gia tăng nguồn thu của Quỹ hỗ trợ nông dân nhằm cung cấp kinh phí cho các hoạt động này.

Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương năm khóa XIII đã xác định, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Đặc biệt, Nghị quyết số 19-NQ/TW còn yêu cầu, phải chú trọng xây dựng nông dân Việt Nam phát triển theo hướng toàn diện, có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn trong tiếp cận chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy người nông dân vươn lên sản xuất lớn, hình thành tầng lớp nông dân giàu có, văn minh, trở thành lực lượng quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

*Viện Kinh tế - Xã hội TP. Cần Thơ

Đinh Tấn Phong*