VN-Index trên chuyến "tàu lượn" MA200
Một phiên giao dịch tạo ra mẫu hình nến "rút chân" ngay trên đường MA200 đã bước đầu tạo niềm tin về khả năng VN-Index bước vào xu hướng tăng dài hạn.
Định vị thị trường
Sự khác biệt trong chuyển động giữa các thị trường chứng khoán đang là rất ít, bất kể đó là NIKKEI 225, KOSPI hay VN-Index. Phiên hôm nay (ngày 7/12), các chỉ số lại đồng loạt giảm điểm: NIKKEI 225 (-1,76%) giảm mạnh nhất trong khi HSI (-0,73%), KOSPI (-0,13%), TWSE (-0,47%), SET (-0,51%), KLCI (-0,2%).
VN-Index cũng mất 0,44% nhưng thực tế thị trường đã có thời điểm giảm với biên độ lớn khiến điểm số bị nhúng xuống dưới MA200.
Chất xúc tác
Với việc dữ liệu về hoạt động thị trường mở luôn được cập nhập gần đây, sự kiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không còn tín phiếu lưu hành sau phiên bơm ròng 5.000 tỷ đồng có lẽ không gây bất ngờ cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cột mốc này cũng rất đáng chú ý, bởi trước khi NHNN có đợt phát hành tín phiếu đầu tiên, thị trường chứng khoán vẫn đang giao dịch đầy tích cực. Nên sau khi đáo hạn hết toàn bộ tín phiếu, phản ứng của thị trường chứng khoán càng cần được chú ý.
Biến số tỷ giá và lãi suất vẫn có sự ủng hộ cho thị trường chứng khoán. Tỷ giá trung tâm hiện vẫn được giữ dưới 24.000 VND/USD dù Chỉ số DXY đang có nhịp bật lên từ 102 điểm.
Còn lãi suất liên ngân hàng vẫn được giữ khá tốt sau khi NHNN bơm hết tiền trở lại thị trường. Kỳ hạn qua đêm duy trì tại 0,2%, kỳ hạn một tháng là 1,07%.
Thanh khoản của HOSE đã tăng vọt do xuất hiện sự rung lắc, khớp lệnh đạt tới 1.298 tỷ đơn vị, tăng 67% so với phiên hôm qua. Còn so với bình quân 20 phiên, cũng vượt tới 63%.
Trong đó, khối ngoại đã thu hẹp lại ảnh hưởng 2 chiều mua bán xuống còn 6,9%. VHM (-210 tỷ đồng), MSN (-102 tỷ đồng), STB (-94 tỷ đồng), là những mã bị rút ra nhiều nhất.
Vận động thị trường
Đường MA200 luôn là một thử thách với thị trường chứng khoán Việt Nam trong những lần nỗ lực chinh phục trước đây. Do MA200 (1.115-1.120 điểm) đang nằm khá gần mốc 1.100 nên nhà đầu tư có phần bị ám ảnh về cột mốc 1.100 này.
Trong khi đó, ưu tiên nên là chinh phục MA200 và sẽ đòi hỏi một quá trình thay vì chỉ là những phiên tăng điểm thông thường. Những diễn biến tích lũy trong tháng 11/2023 và trong tuần này cũng đang đi theo chiều hướng này.
Ở phiên hôm nay, nhà đầu tư đã được đi "tàu lượn" khi có lúc VN-Index chạm 1.109 điểm để thủng khỏi MA200. Đây là thời điểm sau 11h và đã tạo ra cảm xúc khá lo lắng cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, phiên chiều đã có câu trả lời rất nhanh để ngăn chặn tâm lý tiêu cực. Các cổ phiếu ngân hàng như: BID (+1,5%), VPB (+1,3%), CTG (+0,9%), STB (+1,6%), cùng chung sức triệt tiêu đi đáng kể những áp lực. Mức đóng cửa của VN-Index vẫn được chốt trên MA200, đạt 1.121 điểm (-0,44%).
Với niềm tin giao dịch chưa cao, việc các cổ phiếu ngân hàng xuất hiện chưa giúp cho độ rộng của HOSE có sắc xanh phủ rộng. Cụ thể, số mã tăng đạt 35% mã tăng giá so với 49% mã giảm giá.
Nhóm chứng khoán chưa tích cực với các mã: VND, VCI, VIX, FTS, ORS, cùng giảm trên 3%. Các mã bất động sản, đầu tư công, năng lượng cũng ghi nhận các mã tương tự như: PC1, DXG, NVL.
Trong khi đó, nhóm thép có phần khá ngập ngừng trong nỗ lực đảo chiều. Các mã HPG (0%), HSG (-1,1%), NKG (-1,7%), đều có cơ hội tận dụng quãng thời gian cuối phiên để đóng cửa trong sắc xanh nhưng đều bỏ lỡ.
Quy mô thanh khoản của thị trường cho thấy dòng tiền đã vận động rất mạnh, tổng giá trị giao dịch đạt 27.446 tỷ đồng, tương đương 1.334 tỷ đơn vị. Điều này sẽ buộc nhà đầu tư cần phải tập trung cao độ hơn trong các phiên tới đây.
Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM-Index cũng đóng cửa trong sắc đỏ, giảm 0,77% và 0,7%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 4.400 tỷ đồng.